Làm sao để phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam nhanh và bền vững?
Để phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam nhanh và bền vững, các chuyên gia cho rằng cần tập trung vào các giá trị cốt lõi của công nghệ số.
Ngày 14.6 tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023 (Industry Summit 2023): “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhóm các nền kinh tế tiêu dùng công nghệ số
Tại Hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề: “Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng make in Việt Nam”, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, phát triển sản xuất thông minh ở Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đan xen thách thức, khó khăn.
Theo dự báo của Tập đoàn Ericsson, vào năm 2025 khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ thu hút 2/3 nhà sản xuất toàn cầu, trong đó dẫn đầu thuộc về các ngành sản xuất thông minh. Hiện 7 quốc gia trong khu vực gồm Úc, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore và Thái Lan đã triển khai sản xuất những thiết bị công nghệ thông minh 5G.
Việt Nam cũng được Ericsson đánh giá là một điểm đến hấp dẫn với doanh thu từ công nghiệp 5G ước đạt 1,54 tỉ USD vào năm 2030.
Tại Báo cáo công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số của UNIDO, Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế tiêu dùng công nghệ số, trong số 40 nền kinh tế chủ động theo đuổi Công nghiệp 4.0. Nhập khẩu thiết bị, công nghệ số của Việt Nam đứng thứ 15, xuất khẩu công nghệ đứng thứ 46 và hoạt động sáng chế đứng thứ 48 trong số 150 nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới khu vực Đông Á – Thái Bình Dương công bố tháng 11.2021, trong công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, 70% sản phẩm được tạo ra sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như rô bốt, sản xuất đắp lớp 3D.
Người Việt phải làm chủ lĩnh vực phần mềm
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết có rất nhiều nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp công nghệ số, điển hình như mức độ phổ biến ngày càng tăng của công nghệ IoT, sự thâm nhập mạnh mẽ của thương mại điện tử; hay như sự ưu tiên tập trung đầu tư thành phố thông minh của Chính phủ…
Vậy Việt Nam trong phát triển công nghiệp công nghệ số sẽ có những cơ hội và gặp phải thách thức gì?
Theo chuyên gia chuyển đổi số của VNPT, Việt Nam có tiềm năng bùng nổ thị trường ứng dụng công nghệ số nội địa; bản sắc “Make in Vietnam” trong thúc đẩy công nghệ mới; dân số trẻ và có trình độ giúp thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới năng động của Việt Nam. Đặc biệt, phải kể đến sự quyết tâm và nỗ lực của Đảng và Chính phủ.
Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội là những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Vị chuyên gia chỉ ra những khó khăn, bao gồm sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp công nghệ số trong khu vực ASEAN; mất cân đối sản xuất do phụ thuộc vào thị trường quốc tế; bị mất lợi thế về nhân công giá rẻ và chảy máu chất xám…
Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều điểm mạnh trong phát triển công nghiệp công nghệ số. Cụ thể, theo chuyên gia của VNPT, nước ta có trên 62.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số; hình thành được một số doanh nghiệp đầu tàu, tiên phong, có chiến lược phát triển 4.0; hạ tầng viễn thông phủ rộng; lực lượng gia công phần mềm xếp hạng cao trên thế giới…
Theo bà Đinh Thị Thúy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Misa, việc tạo ra sản phẩm Make in Vietnam là điều phải làm, người Việt phải làm chủ lĩnh vực phần mềm. Bà Thúy cho biết, phần mềm nước ngoài vượt quá hầu hết khả năng chi trả của doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại Việt Nam. Trái lại, phần mềm "Make in Vietnam" có giá thành phù hợp, giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nước có cơ hội tiếp cận công nghệ số.
Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, bà Thúy mong muốn Chính phủ có thể tiếp tục hỗ trợ để các doanh nghiệp công nghệ số sản xuất sản phẩm "Make in Vietnam", giúp doanh nghiệp kết nối và liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Ngoài ra, theo bà Thúy, Chính phủ nên định hướng doanh nghiệp Nhà nước tập trung vào làm nền tảng, hạ tầng mà tư nhân không làm được. Cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ ngành nên tập trung xây dựng thể chế, tiêu chí, tiêu chuẩn yêu cầu phần mềm do tư nhân phát triển phải đáp ứng thay vì tự phát triển phần mềm…
Để phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam nhanh và bền vững, các chuyên gia cho rằng cần có sự kết hợp giữa nhiều yếu tố; cùng với đó, cần tập trung vào các giá trị cốt lõi của công nghệ số, đó là doanh nghiệp, chất lượng và nguồn nhân lực.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ KH-CN, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Điều này nhằm tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững; coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nghị quyết số 29-NQ/TW cũng xác định công nghiệp công nghệ số là một trong 6 ngành công nghiệp nền tảng, trong đó sản xuất thông minh trên nền tảng mạng 5G là cốt lõi của công nghiệp công nghệ số.