Làm sao để tránh lùm xùm từ thiện

Theo chuyên gia, để xây dựng hệ sinh thái từ thiện và thiện nguyện ở Việt Nam, điều quan trọng là tạo sự tin tưởng, tương hỗ lẫn nhau giữa 3 khối Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội.

Tại tọa đàm “Xây dựng hệ sinh thái thiện nguyện: vai trò của doanh nghiệp, nhà nước và khối xã hội” do Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) và Mạng lưới các tổ chức phi lợi nhuận phía nam (SNPO) đồng tổ chức, ông Phạm Quang Tú, Phó giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam, cho biết hiện nay, khi nói đến thiện nguyện, có bối cảnh tạo nên hoạt động này mạnh mẽ hơn.

Thứ nhất, ở Việt Nam, đời sống của người dân được nâng dần lên đến mức trung bình thấp. Tầng lớp trung lưu xuất hiện. Ngoài việc lo cho bữa ăn của mình, họ bắt đầu nghĩ đến những mảnh đời khác. Đó là lúc mọi người dành phần nào đó để cho đi, đóng góp, giúp đỡ người nghèo.

Thứ hai, khối doanh nghiệp bắt đầu hình thành, manh nha lập ra các quỹ, hoạt động trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, nhiều trong số họ vẫn loay hoay với việc sử dụng tiền như thế nào cho hiệu quả.

Thứ ba là những lùm xùm về từ thiện xảy ra trong thời gian qua.

“Bởi vậy, đã đến lúc chúng ta phải nêu ra tiếng nói vì một trong những điều quan trọng nhất đối với vấn đề về cứu trợ, nhân đạo, từ thiện là lòng tin. Lòng tin của những cá nhân gửi gắm ủy thác, đồng tiền của mình cho những người đi làm liệu có đến được với những người cần hay không”, ông Tú nói.

 Vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên nằm trong số nghệ sĩ vướng lùm xùm sao kê từ thiện trong đợt cứu trợ lũ lụt miền Trung. Ảnh: Hải An.

Vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên nằm trong số nghệ sĩ vướng lùm xùm sao kê từ thiện trong đợt cứu trợ lũ lụt miền Trung. Ảnh: Hải An.

Thực tế, theo PPWG, sự kết hợp giữa khối doanh nghiệp và khối xã hội dường như là điều tự nhiên bởi một bên có nguồn lực tài chính và kinh nghiệm quản trị, một bên có triết lý phát triển và năng lực triển khai thực tế. Hơn nữa, cả hai đều chia sẻ mong muốn làm những điều tốt đẹp cho những người yếu thế, cho lợi ích chung của cộng đồng.

Tuy nhiên, sự kết hợp giữa hai khối này còn ở mức manh mún.

Nhìn rộng ra, rất nhiều tác nhân khác có liên quan đến công việc thiện nguyện như Nhà nước, các nhà hảo tâm, người nổi tiếng chưa gắn bó và bổ trợ lẫn nhau một cách hiệu quả. Điều này có thể thấy rõ qua các sự việc liên quan đến cứu trợ lũ lụt miền Trung cũng như đại dịch Covid-19 vừa qua.

Tại tọa đàm, những kinh nghiệm thực tế và lý thuyết trong việc xây dựng hệ sinh thái thiện nguyện được thảo luận để đẩy mạnh sự hợp tác, bổ trợ, phối hợp giữa các bên nhằm thúc đẩy sự chia sẻ, tăng cường hiệu quả của công tác thiện nguyện tại Việt Nam.

Từ thiện cứu trợ và thiện nguyện

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM (HPDF), cho biết trong tổng thể phát triển, khối 3 (xã hội) có vai trò là chiều kích không thể thiếu để đảm bảo một phát triển bao trùm, hòa nhập và bền vững.

Trong khi đó, không gian, cộng đồng thiện nguyện là tiểu khối/khối phụ của khối xã hội, tiếp cận được với cả khối 1 (Nhà nước) và khối 2 (doanh nghiệp).

“Khối 3 tạo điều kiện cho thiện nguyện được tiếp cận luật lệ, phép tắc, truyền thông của khối 1; tiếp cận với tài trợ và đầu tư của khối 2. Cái doanh nghiệp không làm được thì khối thiện nguyện làm được. Đó là tính chuyên nghiệp của các tổ chức trong cộng đồng thiện nguyện”, bà nói.

Tiếp đó, bà Tôn Nữ Thị Ninh chỉ ra sự trùng lắp và khác biệt giữa từ thiện cứu trợ/nhân đạo (charity) và từ thiện phát triển/thiện nguyện (philanthropy).

Theo đó, từ thiện nhân đạo đáp ứng hơn là chủ động, mang tính ngắn hạn, ít khi dài hạn, chủ yếu gắn với tình thương và cảm xúc.

Trong khi đó, từ thiện phát triển thường có tầm nhìn, mục tiêu chung dài hạn, hướng tới giải quyết vấn đề của xã hội, mang tính bền vững, chủ động, coi trọng yêu cầu chuyên nghiệp, quan tâm, đánh giá tác động.

Bên cạnh một số khác biệt, cả hai lại có những chuẩn mực chung phải tuân thủ: trách nhiệm minh bạch và sự tin cậy cần thiết giữa các bên (tổ chức từ thiện/thiện nguyện với nhà tài trợ; tổ chức từ thiện/thiện nguyện với cộng đồng mình phục vụ).

Chủ tịch Quỹ HPDF khẳng định ở Việt Nam bắt đầu có hệ sinh thái thiện nguyện và nó đang từng bước chuyển biến, phát triển.

 Hình ảnh từ dự án Hỗ trợ tiền vốn giúp người khó khăn phục hồi sinh kế sau Covid-19 do Ford Việt Nam, tổ chức ECUE và SNPO cùng thực hiện cho thấy sự phối hợp giữa các khối trong công tác thiện nguyện. Ảnh: BTC.

Hình ảnh từ dự án Hỗ trợ tiền vốn giúp người khó khăn phục hồi sinh kế sau Covid-19 do Ford Việt Nam, tổ chức ECUE và SNPO cùng thực hiện cho thấy sự phối hợp giữa các khối trong công tác thiện nguyện. Ảnh: BTC.

TS Đặng Hoàng Giang, tác giả kiêm nhà hoạt động xã hội, đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng nếu từ thiện nhân đạo có thể hiểu là chữa cháy thì thiện nguyện chính là phòng cháy.

“Trong nhiều năm nay, bức tranh hoạt động nhân đạo ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào từ thiện nhân đạo. Điều này cũng cần thiết nhưng nếu không đầu tư chất xám, nguồn lực vào phòng cháy thì không thể chữa cháy mãi được, giống như muối bỏ bể, dã tràng xe cát, đáng tiếc cho nguồn lực. Tất nhiên là cần đến cả hai. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào chữa cháy thì chỉ chữa được phần ngọn”, ông nói.

Theo TS Đặng Hoàng Giang, thiện nguyện rất gần với công việc của tổ chức phi chính phủ (NGO), phần bị bỏ ngỏ vì tâm lý của nhiều người làm từ thiện ở Việt Nam chỉ cần trái tim, thiện chí thay vì có chiến lược.

Ông Giang cho hay ở Mỹ có hàng chục nghìn foundation, quỹ nhưng chỉ có 4-5% là tự đi làm thiện nguyện, còn lại đơn giản đưa tiền cho các tổ chức khác vì họ thông thạo, có thông tin và kết nối tốt hơn với cộng đồng.

“Ngược lại, ở Trung Quốc chỉ có 1% các quỹ đưa tiền cho tổ chức khác, còn lại là tự đi làm. Đó là con đường hoàn toàn sai lầm. Việt Nam hiện nay cũng vậy, từ mạng lưới, tổ chức đông người đến những cá nhân nhỏ lẻ như ca sĩ, diễn viên, đều xắn quần lên đi vào vùng lũ tặng quà, phát tiền. Cái đó không phải là cách tốt”, ông nói.

 Theo TS Đặng Hoàng Giang, việc từ các mạng lưới, tổ chức đông người đến những cá nhân nhỏ lẻ như ca sĩ, diễn viên ở Việt Nam đều tự mình đi làm từ thiện như hiện nay không phải là cách tốt. Ảnh: Thủy Tiên.

Theo TS Đặng Hoàng Giang, việc từ các mạng lưới, tổ chức đông người đến những cá nhân nhỏ lẻ như ca sĩ, diễn viên ở Việt Nam đều tự mình đi làm từ thiện như hiện nay không phải là cách tốt. Ảnh: Thủy Tiên.

Xây dựng hệ sinh thái thiện nguyện

Ông Phạm Quang Tú cho hay qua 2 sự kiện bão lũ ở miền Trung và đại dịch Covid-19 có thể thấy xuất hiện làn sóng thiện nguyện đóng góp, tương hỗ lẫn nhau.

Thực tế, trong mỗi bối cảnh đều có cả từ thiện nhân đạo và thiện nguyện. Ban đầu là charity, sau đó về lâu về dài xu hướng chuyển sang philanthropy.

Theo Phó giám đốc Oxfam tại Việt Nam, xu hướng của Việt Nam về vấn đề từ thiện và thiện nguyện đang tăng lên nhưng có đặc điểm là chưa bền vững. Hoạt động vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, chưa chuyên nghiệp.

Ông giải thích: “Cá nhân đang làm theo phong trào. Các tổ chức xã hội có làm nhưng vẫn ít chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp phần lớn vẫn làm theo trào lưu của doanh nghiệp, ít nhiều cũng có doanh nghiệp làm theo hình thức, đánh bóng tên tuổi. Nhà nước khuyến khích nhưng chưa đủ hệ thống pháp luật để đảm bảo hay kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên, tạo điều kiện tối đa và giao trách nhiệm cho những chính quyền địa phương hỗ trợ, hợp tác chứ không phải là kiểm soát, quản lý các hoạt động này”.

Bên cạnh đó, người thụ hưởng của hoạt động từ thiện hay thiện nguyện vẫn còn thụ động, coi mình là người đáng thương, phải được đến cho, không được tham gia nhiều.

“Khi xây dựng hệ sinh thái thiện nguyện, không chỉ vai trò của doanh nghiệp, Nhà nước và xã hội, còn có 2 khối nữa các cá nhân, mạnh thường quân nhỏ lẻ và người dân được thụ hưởng cũng cần tham gia trong quá trình này. Rõ ràng tất cả bên có liên quan phải có hợp tác, quan hệ với nhau để hoạt động này mang tính hiệu quả, bền vững, chuyên nghiệp hơn”.

 Các chuyên gia cho rằng để xây dựng hệ sinh thái từ thiện và thiện nguyện ở Việt Nam, điều quan trọng là tạo sự tin tưởng, tương hỗ lẫn nhau giữa 3 khối Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội. Ảnh: BTC.

Các chuyên gia cho rằng để xây dựng hệ sinh thái từ thiện và thiện nguyện ở Việt Nam, điều quan trọng là tạo sự tin tưởng, tương hỗ lẫn nhau giữa 3 khối Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội. Ảnh: BTC.

Cụ thể, theo ông Tú, một số yếu tố cần thiết gồm:

- Xây dựng lòng tin dựa trên cách làm của các tổ chức mang tính hệ thống, chuyên nghiệp.

- Sự tham gia của các bên có liên quan: Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, người dân dựa trên điểm mạnh của từng bên.

- Công khai, minh bạch từ quá trình, đối tượng, tiêu chí, đảm bảo thông tin đến đối tượng cần thiết, rà soát hồ sơ, kiểm tra, thực chứng, giúp đỡ…

Về vấn đề xây dựng khung pháp lý đối với hoạt động thiện nguyện, bà Lê Thị Kim Hồng, Tổng thư ký Quỹ HPDF, chia sẻ về ý nghĩa cũng như hạn chế của Nghị định 93.

Theo bà, đây là bước phát triển quan trọng về cơ sở pháp lý so với Nghị định 64 (năm 2008) điều chỉnh một số hoạt động cứu trợ, từ thiện nằm trong phạm vi nhỏ hẹp hơn, cụ thể hơn là mở rộng sang hoạt động phòng chống dịch. Nhìn từ góc độ những hoạt động có tính chất từ thiện, cứu trợ mở ra hành lang pháp lý để các hoạt động này thuận tiện hơn mà còn mở ra những tiền đề cho cả lĩnh vực thiện nguyện.

Bên cạnh những cái có ý nghĩa quan trọng, cũng có một số hạn chế đối với Nghị định. Bởi vậy, khi tiến vào xây dựng khung pháp lý cho hệ sinh thái từ thiện và thiện nguyện cần có sự chung tay rõ ràng hơn từ các khối.

 Không chỉ vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, các cá nhân, mạnh thường quân nhỏ lẻ và người dân được thụ hưởng cũng cần tham gia trong quá trình xây dựng hệ sinh thái thiện nguyện. Ảnh: BTC.

Không chỉ vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, các cá nhân, mạnh thường quân nhỏ lẻ và người dân được thụ hưởng cũng cần tham gia trong quá trình xây dựng hệ sinh thái thiện nguyện. Ảnh: BTC.

Theo Tổng thư ký Quỹ HNDF, có một vài điều cần lưu ý:

- Có nhận định đầy đủ, toàn diện hơn về hệ sinh thái thiện nguyện ở Việt Nam. Đó là những nghiên cứu sâu và đầy đủ cung cấp thông tin, số liệu cập nhật, tổng hợp, đáng tin cậy cho các bên liên quan.

- Việc nghiên cứu kinh nghiệm của những hệ sinh thái thiện nguyện đã trưởng thành để khai thác lợi thế của người đi sau, soi rọi lại hoàn cảnh của Việt Nam và truyền thống của Việt Nam để nhận ra những nét riêng biệt cho hệ sinh thái của mình.

- Với triển vọng khả quan của hệ sinh thái từ thiện và thiện nguyện trong những năm tới ở Việt Nam, rất còn có định hướng, chính sách, khung pháp lý cho hệ sinh thái này, gắn liền với chiến lược, mục tiêu phát triển trung hạn cũng như dài hạn của đất nước trong những năm tới.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-sao-de-tranh-lum-xum-tu-thien-post1284191.html