Làm sao định giá đất sát với thị trường?
Đó là nội dung được nhiều người quan tâm trong diễn đàn do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức ngày 18/10.
Nhiều tồn tại trong định giá
Tại diễn đàn “Phát hiện những nút thắt trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, công tác quản lý và sử dụng đất còn không ít tồn tại, hạn chế.
Một số quy định pháp luật về giá đất không còn hiệu quả trong thực tiễn, bộc lộ hạn chế, ví dụ một số phương pháp xác định giá đất chưa phù hợp điều kiện thực tế về thông tin thị trường quyền sử dụng đất, công tác quản lý nhà nước về giá đất, trong bối cảnh cơ sở dữ liệu về giá đất chưa hoàn thiện. Quy định về nội dung, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá có điểm chưa phù hợp, chưa cụ thể dẫn đến có trường hợp một thửa đất áp dụng các phương pháp khác nhau cho các kết quả khác nhau khiến địa phương lúng túng.
“Bảng giá đất tại một số địa phương còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Quy định về việc lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất phải căn cứ vào kế hoạch định giá đất cụ thể, tuân thủ pháp luật về đấu thầu, dẫn đến một số trường hợp không lựa chọn được đơn vị tư vấn thực hiện, kéo dài thời gian, làm chậm tiến độ định giá đất”, ông Chính nói.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội Mai Trọng Thái cho rằng việc áp dụng giá đất ở để xác định đơn giá thuê đất cho các đơn vị sự nghiệp đã chuyển sang tự chủ tài chính theo quy định tại Điểm d, Khoản 3 Nghị định 44/NĐ-CP không còn phù hợp.
Ông Thái cũng cho rằng cần đảm bảo bảng giá đất sát giá thị trường, tăng cường kiểm tra, thu hồi các dự án chậm triển khai, vi phạm pháp luật.
Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình Doãn Quang Hưng, bảng giá đất được UBND tỉnh xây dựng, trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu ký. Tuy nhiên với quy trình như thế, bảng giá đất phải qua nhiều cơ quan mới được ban hành, trong khi cứ có đường mới, khu dân cư mới, giá đất lại biến động. “Ví dụ giá đất cụ thể cao hơn bảng giá đất 1,8 đến 2 lần, và không chỉ ở phạm vi nhỏ mà là cả khu vực” - ông Hưng nói.
Hoàn thiện quy định về tài chính đất đai
Để hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất cho rằng, cần thể chế hóa tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phải theo thị trường, tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục.
Ông Đào Trung Chính cho rằng, dự thảo luật quy định thông tin đầu vào để xác định giá đất phải đảm bảo giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng được công chứng, chứng thực. Giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
“Đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai thì thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát, thông tin về doanh thu, chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất theo thị trường” - ông Chính nói và cho biết, những đổi mới trong các quy định về tài chính đất đai, giá đất sẽ là nền tảng giúp khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả, hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch, từ đó có kế hoạch xây dựng theo quy hoạch, tổ chức thực hiện theo quy hoạch. “Khâu quy hoạch rất phức tạp và quan trọng trong triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phải nhất quán, có tính nguyên tắc, tránh tùy tiện để tránh quy hoạch treo, đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá đất” - ông Quyền nói.
Tại chuyên đề thảo luận “Đầu tư công: Những nút thắt và giải pháp từ góc nhìn của KTNN” diễn ra cùng ngày, Phó tổng KTNN Doãn Anh Thơ đề nghị tiếp tục rà soát để xử lý triệt để những bất cập, hạn chế, những xung đột, chồng chéo, những khoảng trống pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan, trong đó cần tập trung một số vấn đề như việc phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm; công tác định giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; công tác quy hoạch; trình tự, thủ tục; cơ chế, chính sách thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lam-sao-dinh-gia-dat-sat-voi-thi-truong-5741654.html