Làm sao giải tỏa sức nóng cho các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp?
Phụ huynh chen lấn, thậm chí xô đẩy nhau trước cổng các trường THPT ngoài công lập tại Hà Nội là hình ảnh quen thuộc trong những ngày qua.
Tình trạng trên khiến dư luận đặt câu hỏi về việc quy hoạch hệ thống trường công lập cũng như đầu tư cho hệ thống trường ngoài công lập, trung tâm GDTX-NN của thành phố.
Trắng đêm giành suất vào lớp 10
Trong kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập vừa qua, con trai của chị Mai Anh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đạt 40.5 điểm. Sau khi có thông tin điểm chuẩn, cả gia đình ngỡ ngàng khi hay tin con trượt cả 2 nguyện vọng. Lo lắng cho tương lai của con, chị Mai Anh vội vàng lên các hội nhóm, nhờ bạn bè tư vấn để tìm một trường tư thục phù hợp với nguyện vọng của con và điều kiện kinh tế.
Sau khi tham khảo, chị chọn Trường THCS&THPT Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Nhà trường không cho biết cụ thể chỉ tiêu xét tuyển năm nay. Theo thông báo đưa ra ngày 2/7, trường nhận hồ sơ từ 8h sáng ngày 5/7 và dừng tiếp nhận khi đủ chỉ tiêu. Do đó, để chắc suất, chị đã mang hồ sơ đến xếp hàng trước cổng trường từ tờ mờ sáng ngày 5/7 và giành được suất học cho con sau hơn 5 tiếng chờ đợi. Chị Mai Anh chia sẻ: “Trường này là nguyện vọng cuối cùng của con nên vất vả đến đâu tôi cũng cam lòng".
Không may mắn như chị Mai Anh, chị Lê Minh Loan (quận Hai Bà Trưng) tay trắng ra về mặc dù cũng xếp hàng từ sớm. Chị không ngờ chỉ chậm chân một chút đã bị loại khỏi cuộc đua vào ngôi trường này.
Cảnh phụ huynh vây quanh cổng, xếp hàng từ nửa đêm để đăng ký tuyển sinh vào lớp 10 cho con không chỉ xảy ra ở Trường THCS&THPT Tạ Quang Bửu mà còn tại Trường THPT Phan Huy Chú, THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội)...
Những ngày này, phụ huynh còn được chứng kiến sự “nhảy múa” của điểm chuẩn ở các trường. Tại Trường THPT Hoàng Cầu, điểm chuẩn tăng từ 37 lên 38/50 điểm trong vài tiếng buổi sáng do số lượng hồ sơ nộp vào quá đông. Cuộc chạy đua giành suất vào lớp 10 tại Hà Nội năm nay vì vậy nóng hơn bao giờ hết.
Nóng từ cổng trường đến nghị trường
Chiều 5/7, trả lời chất vấn HĐND TP Hà Nội về việc phụ huynh xếp hàng từ sớm nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 trường tư, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định, chỗ học ở thành phố không thiếu, riêng một số trường uy tín nên phụ huynh tin tưởng xếp hàng từ sớm để gửi gắm con vào đó.
"Hà Nội có 2.845 trường học phân cấp ở 30 quận, huyện, thị xã và số lượng trường sẽ tăng theo từng năm. Trung bình mỗi năm Hà Nội tăng 30 - 35 trường học mới đủ chỗ cho học sinh học trong giai đoạn hiện nay. Lãnh đạo thành phố đang quyết liệt chỉ đạo xây dựng thêm các trường học đáp ứng nhu cầu người dân trong bối cảnh hiện nay", ông Cương nói.
Cũng theo ông Trần Thế Cương, năm 2016, sở GD&ĐT được thành phố cho phép sáp nhập 30 cơ sở giáo dục thường xuyên, 16 cơ sở giáo dục tổng hợp thành 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, hiện nay theo phân cấp đã giao về cho các quận, huyện, thị xã quản lý.
Thế nhưng thực tế, phụ huynh nào cũng muốn cho con vào các trường công lập, tư thục thay vì chọn các trường nghề, trung tâm GDTX. Điều này cho thấy, công tác phân luồng tại Hà Nội chưa thực sự hiệu quả.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định, tình trạng quá tải trường lớp tại Hà Nội xuất phát từ 2 nguyên nhân. Trước hết, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, tốc độ gia tăng dân số của Hà Nội rất nhanh, không chỉ về mặt tự nhiên mà còn tăng nhanh do nhập cư. Trong khi đó, việc phân bố trường học chưa đúng quy mô dân số. Hàng loạt dự án chung cư, khu đô thị mọc lên, song vấn đề xây dựng các thiết chế xã hội như trường học lại chưa thực sự được quan tâm đúng mức, tương xứng.
"Áp lực còn đến từ chính mong cầu của phụ huynh, khi muốn con có thể vào trường THPT công lập tốt, trường chất lượng cao dẫn đến cuộc đua vào lớp 10 càng căng thẳng”, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ nêu quan điểm.
Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, để giải tỏa sức nóng cho các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội, trước mắt cần quan tâm, đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, phòng học để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Còn về lâu dài, Hà Nội cần ưu tiên đầu tư xây dựng trường học ở cả nội thành lẫn ngoại thành, đặc biệt là nơi có mật độ dân số đông.
Bên cạnh việc phát triển hệ thống trường công, các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ học sinh ngoài công lập; thúc đẩy xã hội hóa, tạo điều kiện cho các cá nhân, đơn vị đủ điều kiện được mở trường.
“Hà Nội phải ưu tiên quỹ đất, bố trí nguồn lực xây dựng trường học. Cắt bớt công trình xét thấy chưa cần thiết. Bởi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, vì lợi ích lâu dài, không thể vì nguồn lợi trước mắt mà bỏ qua những giá trị bền vững”, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ nhấn mạnh.
Còn theo quan điểm của GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, giữa Thủ đô Hà Nội - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước lại để xảy ra tình trạng thiếu trường, lớp là điều khó có thể chấp nhận.
Theo ông Dong, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo các quận, huyện, thị xã mà trên hết là lãnh đạo TP Hà Nội.
“Các dự án xây dựng trường học bị chậm tiến độ, kéo dài trong nhiều năm, chủ đầu tư chưa thực hiện đúng thời gian xây dựng. Vì vậy, Hà Nội cần kiên quyết xử lý những đơn vị, chủ đầu tư xây dựng chung cư, khu đô thị cố tình né tránh, không xây dựng đủ trường học theo đúng quy hoạch phê duyệt ban đầu’’, ông Dong nói.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2022 - 2023, TP có 2.835 trường/70.000 lớp học với trên 2,2 triệu học sinh các cấp mầm non, phổ thông. Trong năm 2022, Hà Nội đã xây dựng thêm 51 phòng học mới, với kinh phí trên 2.800 tỉ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường học, với kinh phí trên 5.000 tỉ đồng.
Dù vậy, với số lượng học sinh tăng quá nhanh, năm học 2022 - 2023, tình trạng quá tải trường lớp cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn tại Hà Nội. Vì thiếu trường lớp, phụ huynh phải bốc thăm may mắn để giành suất vào Trường Mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, xếp hàng xuyên đêm chờ mua hồ sơ trải nghiệm vào lớp 1 Trường Marie Curie, quận Nam Từ Liêm. Mới đây, hàng trăm phụ huynh chen lấn, xô đẩy, thậm chí giằng co nhau đến rách cả áo vì xếp hàng, tranh suất học ở Trường Tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông.