Làm sao giảm áp lực mùa tựu trường?

Mùa tựu trường đã đến, mang theo niềm vui, sự phấn khởi và cả những gánh nặng không nhỏ đối với nhiều gia đình, đặc biệt là những phụ huynh thuộc nhóm lao động thu nhập thấp. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc chi trả các khoản phí học tập cho con em trở thành một áp lực lớn, khiến nhiều người phải mất ăn, mất ngủ.

Đầu năm học, phụ huynh phải “gồng gánh” nhiều khoản phí, từ học phí, sách giáo khoa, đồng phục đến hàng loạt chi phí khác. (Ảnh minh họa - Nguồn: Tiin)

Đầu năm học, phụ huynh phải “gồng gánh” nhiều khoản phí, từ học phí, sách giáo khoa, đồng phục đến hàng loạt chi phí khác. (Ảnh minh họa - Nguồn: Tiin)

Phụ huynh rối bời

Mỗi khi tiếng trống khai giảng vang lên, niềm vui khi con em bước vào năm học mới cũng đồng thời đi kèm với những lo toan về tài chính. Dù cho phụ huynh có điều kiện hay với những phụ huynh thuộc nhóm thu nhập thấp, những khoản tiền này đều là một gánh nặng đáng kể.

Theo ước tính, mỗi năm học, phụ huynh phải chi trả từ vài triệu đồng cho đến vài chục triệu, tùy vào khu vực và loại trường, cho các khoản phí học tập bao gồm học phí, tiền sách vở, đồng phục, các khoản phí phụ trợ như tiền bảo hiểm y tế, tiền ăn bán trú và các chi phí phát sinh khác. Khi cộng dồn lại, con số này không hề nhỏ, đủ làm oằn vai phụ huynh.

Chị Nguyễn Tố Quỳnh, ngụ TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh có hai con, cháu lớn học tại một trường công lập có tiếng trên địa bàn TP, cháu nhỏ học trường tư thục. Chị cho biết, năm nay, nhận được phiếu báo chi phí đóng tiền học của các con mà chị lo lắng vô cùng. Ngoài học phí là “khoản cứng” đầu năm, còn vô số các khoản tiền khác cần đóng như tiền đồng phục cho hai con hết gần 4 triệu đồng, quỹ lớp 2 triệu đồng, tiền sách giáo khoa gần 2 triệu đồng. Ngoài ra còn có tiền quỹ xây dựng trường, tiền tham quan dã ngoại, quỹ hội phụ huynh trường, tiền khuyến học, tiền mua dụng cụ học tập cho lớp năng khiếu, tiền phí lắp máy lạnh cho lớp học của con... Tổng số tiền mà chị Quỳnh đóng cho hai con đi học gần 20 triệu đồng.

Chị Quỳnh chia sẻ: “Tôi kinh doanh tự do, chồng thì làm trong ngành xây dựng. Những năm trước, hai vợ chồng thu nhập cũng xấp xỉ 60 - 70 triệu/tháng nên các khoản chi phí cho con ăn học không phải là chuyện gì quá sức. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, tình hình kinh tế khó khăn kéo theo thu nhập của tôi giảm sút, còn công việc của chồng trở nên bấp bênh, thu nhập giảm hơn một nửa. Thế nên, học phí cho con giờ đây là một gánh nặng lớn đối với hai vợ chồng. Mà tiền đóng học đầu năm đâu phải hết. Hàng tháng còn có tiền ăn uống, bán trú cho con, tiền con học thêm ngoại ngữ, toán ở Trung tâm...

Có lẽ hết năm học này vợ chồng tôi buộc phải ngồi lại tìm một giải pháp, hoặc xin chuyển con nhỏ đến một trường khác có mức học phí thấp hơn mới kham nổi, cho dù rất lo lắng con đổi trường sẽ thay đổi môi trường, khó thích nghi, nhưng khó khăn tài chính nên đành phải vậy”.

Gia đình chị Quỳnh là những người có thu nhập thuộc dạng trung bình khá, thế nhưng đã phải “đau đầu” trước áp lực tiền học đầu năm, huống chi là những phụ huynh lao động, thuộc nhóm thu nhập thấp. Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu đều là công nhân Khu công nghiệp Mỹ Phước ở Bình Dương. Thu nhập cả hai vợ chồng mỗi tháng bao gồm cả tăng ca dao động từ 11 - 16 triệu đồng. Hai vợ chồng có hai con gái, bé lớn năm nay vào lớp 6, bé nhỏ vào lớp 4.

Đầu năm học này, tổng cộng các khoản tiền cho con vào học, vị chi hai con hết 11 triệu đồng. Số tiền xấp xỉ thu nhập một tháng của hai vợ chồng khiến chị... “méo mặt”. Vốn dĩ, với số tiền thu nhập không cao mỗi tháng, phải chi cho sinh hoạt phí, nhà trọ, nuôi con học..., cả hai vợ chồng đã chẳng dư dả được chút gì.

Hàng tháng, ông bà nội, ngoại ở quê thường phải đóng gói thực phẩm quê như thịt, cá, rau củ, trứng... gửi lên để các cháu bồi bổ và giảm gánh nặng sinh hoạt phí cho các con nên hai anh chị mới có thể không quá khó khăn. Tuy nhiên, đến đầu năm học này, anh chị vẫn buộc phải gọi về hai nhà nội, ngoại vay mỗi bên một ít để có tiền đóng học phí cho con. “Những năm gần đây, tình hình công ty làm ăn khó khăn, không tăng ca nhiều. Năm ngoái có đợt nghỉ cả nửa tháng không có thu nhập. Thế nên mấy năm trở lại đây vợ chồng tôi đều phải mượn tiền đóng học phí cho con, rồi trong năm làm lụng ki cóp, được dịp thì tăng ca để trả nợ”, chị Thu cho biết.

Một bảng chụp khoản phí đầu năm của phụ huynh học sinh. (Ảnh minh họa: NVCC)

Một bảng chụp khoản phí đầu năm của phụ huynh học sinh. (Ảnh minh họa: NVCC)

Nhà trường có “thấu”?

Trong tình hình kinh tế hiện nay, có thể thấy các khoản chi phí đầu năm học đang là một nỗi lo lớn của phụ huynh, từ thu nhập trung bình khá cho đến thu nhập thấp. Không ít phụ huynh chia sẻ rằng, họ phải làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm hoặc nhận thêm nhiều công việc khác nhau để có thể tích cóp đủ số tiền đóng học đầu năm cho con cũng như duy trì các khoản phí suốt năm học. Có những gia đình phải vay mượn để có đủ chi phí trang trải, dẫn đến áp lực nợ nần trong thời gian dài.

Không chỉ ảnh hưởng đến phụ huynh, những khó khăn về tài chính còn có thể tác động tiêu cực đến tâm lý và học tập của các em học sinh. Đối với một số gia đình, con trẻ có thể phải cắt giảm các khoản chi phí cho việc học, cha mẹ dẫu bận cũng phải đưa đi đón về các buổi, không dám cho con học bán trú, hoặc chuyển đến trường có điều kiện thấp hơn, hoặc cắt giảm các lớp ngoại ngữ, năng khiếu, chấp nhận con thiệt thòi để “gồng gánh” qua giai đoạn khó khăn này.

Hiện nay, trong bối cảnh khó khăn vẫn có tình trạng nhiều trường học, đặc biệt là các trường tư thục “vẽ” ra nhiều khoản phí vô lý khiến phụ huynh bức xúc. Năm ngoái, nhiều phụ huynh đã đăng lên mạng các khoản phí của nhà trường với một danh sách dài toàn những khoản phí nghe rất lạ lẫm, chi li khiến nhiều phụ huynh phải “khóc thét”, như danh sách phí đầu năm của một trường cấp 2 khu vực phía Bắc: Học phí, tiền gửi xe, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế, vở ghi, ghế ngồi, thẻ học sinh, nước uống, vệ sinh, quỹ hội phụ huynh, đồng phục, sổ liên lạc điện tử, khảo sát, kiểm tra chung, tivi, xã hội hóa, quỹ học bổng...

Chị Lê Thị Mai Hoa, ngụ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, có ba con nhỏ, năm học này chi số tiền hơn 20 triệu đồng đóng các khoản phí cho các con bày tỏ: “Tôi nghĩ, tiền học cho các con dù phải vay mượn, làm thêm cực khổ thì cũng phải lo. Nhưng tôi nghĩ, giá mà người ta biết thông cảm hơn cho phụ huynh, giá mà đừng có nhiều khoản phí lạ và vô lý như thế thì phụ huynh đỡ khổ biết mấy. Có năm, phụ huynh chúng tôi dù “hiền” lắm mà cũng phải lên chất vấn nhà trường, tại sao năm ngoái đóng tiền máy lạnh, tiền làm bảng led cho con rồi, thế mà sang năm cháu nhỏ vào trường, lại phải đóng tiếp, thế thì các khoản đóng năm ngoái đi đâu?”.

Chị Nguyễn Thị Thu, công nhân Khu Mỹ Phước, Bình Dương thì trăn trở: “Dẫu biết là mỗi thời mỗi khác, thế nhưng tôi vẫn cứ thắc mắc, tại sao ngày xưa còn nghèo khó nhưng con cái đi học cha mẹ không khốn khổ như bây giờ? Nhà có ba chị em, đứa này mặc lại đồng phục cũ của đứa kia, chỉ tháo chỉ khâu tên ra rồi khâu lại. Sách vở, dụng cụ học tập cũng vậy, em dùng lại đồ của chị, vừa tiết kiệm mà cha mẹ đỡ nặng gánh. Ngày nay người ta cải cách giáo dục, cứ mỗi năm các con phải mua trọn một bộ sách mới gần triệu đồng, đến cả cái bao bì từng khối cũng khác màu, không thể tận dụng lại, học xong là bỏ, chẳng thể để lại cho đứa sau, có quyển mua về tôi còn chẳng thấy con học đến. Đồng phục cũng vậy, nhà trường bán cho học sinh từ đầu năm, mua bên ngoài cũng không có, in ấn tên lên áo, đứa em làm sao mặc lại của đứa anh, đứa chị được nữa. Cứ mỗi năm học nhìn mớ đồ cũ của con mà thấy xót tiền”.

Có thể thấy, bên cạnh những gánh nặng còn có nỗi thắc mắc, trăn trở và cả bức xúc. Để giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh trong hành trình nuôi dạy con, nên chăng cần tăng cường hơn nữa những biện pháp hỗ trợ thiết thực từ phía Nhà nước và các tổ chức xã hội, như chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ sách giáo khoa, hoặc các quỹ học bổng dành cho học sinh nghèo...

Ngoài ra, sự thấu hiểu và chia sẻ từ phía nhà trường cũng là điều rất quan trọng. Việc linh hoạt trong các khoản thu, tạo điều kiện cho phụ huynh được trả góp, hoặc giảm nhẹ các khoản phí không cần thiết cũng sẽ là những biện pháp thiết thực để giảm bớt áp lực tài chính cho các gia đình. Mỗi đơn vị, mỗi người thấu hiểu hơn, chung tay một chút, sẽ giúp cho mùa tựu trường vẫn luôn là khoảng thời gian để các em học sinh và gia đình cùng nhau đón chào một khởi đầu mới với niềm vui và hy vọng như nó vốn vậy, để mỗi em nhỏ đều có cơ hội học tập trong một môi trường tốt nhất, bất kể hoàn cảnh gia đình.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/lam-sao-giam-ap-luc-mua-tuu-truong-post522950.html