Làm sao kéo dòng tiền ngoại trở lại thị trường chứng khoán năm 2025

Khối ngoại đã lập kỷ lục bán ròng trong năm 2024. Tuy nhiên, nhà đầu tư ngoại có thể giải ngân trở lại vào năm 2025 khi những yếu tố hỗ trợ dần xuất hiện.

Trong suốt 24 năm lịch sử hoạt động, chưa khi nào thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến giá trị bán ròng của khối ngoại cao như năm nay. Tính đến giữa tháng 12, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 11 tháng liên tiếp, với giá trị bán tổng cộng 95.000 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với năm ngoái.

Đáng chú ý, dòng tiền ngoại chủ yếu rút khỏi các cổ phiếu trụ nằm trong rổ VN30 như VHM (-19.000 tỷ đồng), VIB (-8.300 tỷ đồng), FPT (-6.300 tỷ đồng), MSN (-6.000 tỷ đồng), VRE (-5.800 tỷ đồng) hay HPG (-5.000 tỷ đồng)...

Một số mã từng được mua ròng ồ ạt hàng nghìn tỷ đồng giai đoạn cuối năm 2023 đầu năm 2024 như MWG đến nay cũng bị nhóm nhà đầu tư này chốt lời mạnh tay.

Khối ngoại có thể trở lại trong năm 2025?

Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Trần Đình Minh, chuyên gia phân tích từ New World Group, dự báo khối ngoại có thể duy trì xu hướng bán ròng vào năm 2025.

Theo ông Minh, chỉ khi những yếu tố hỗ trợ như kế hoạch giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đà phục hồi của kinh tế Việt Nam và cơ hội từ các chính sách thương mại quốc tế trở nên rõ ràng hơn, nhóm nhà đầu tư nước ngoài mới có khả năng điều chỉnh lại chiến lược.

Có góc nhìn tích cực hơn, ông Nguyễn Tấn Phát, chuyên gia phân tích khác từ New World Group kỳ vọng 2025 sẽ là một năm khởi sắc của thị trường chứng khoán Việt Nam.

"Dù Fed tỏ ra tương đối thận trọng với kế hoạch điều hành năm sau, nền lãi suất hạ xuống mức thấp sẽ thu hẹp đáng kể rủi ro tỷ giá so với năm 2024", ông Phát nói.

Về cơ cấu chuyển dịch của dòng vốn nước ngoài, nhà đầu tư ngoại có thể giảm đà bán ròng tại Việt Nam, đồng thời gia tăng tỷ trọng trong danh mục ngày một nhiều hơn khi thị trường Việt Nam chính thức được FTSE thông qua việc nâng hạng.

Tuy nhiên, ông Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học tại Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên gia kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), cho rằng việc nâng hạng thị trường là điều kiện nhưng không phải là tất cả để thu hút dòng vốn ngoại.

“Nâng hạng chỉ là chất xúc tác dựa trên những điều kiện khác như tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định. Yếu tố quan trọng khác có thể giúp thu hút vốn ngoại quay trở lại thị trường chênh lệch lãi suất", vị chuyên gia cho biết và đặt vấn đề liệu chính sách lãi suất của Mỹ có thể giảm mạnh mẽ về mức 2% như trước đây.

Theo ông, việc lãi suất Mỹ có hạ về mức 2% hay không sẽ phụ thuộc vào câu chuyện lạm phát, vấn đề thị trường lao động, cũng như giá nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới có ổn định không.

Thêm nữa, nhà đầu tư phải theo dõi thêm chính sách thuế quan. Nếu các bên có thể ngồi vào bàn đàm phán và không có chính sách gây sức ép lẫn nhau, ông Thế Anh tin rằng đến một lúc nào đó dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hiện nay, các thị trường tài sản đang ở mức định giá rất cao. Mặt khác, một trong những tiềm năng lớn của Việt Nam là duy trì ở nền định giá thấp và đang thực hiện hàng loạt chính sách cải cảnh.

Do đó, khi thị trường Mỹ không còn hấp dẫn, lãi suất hạ xuống thì dòng vốn vào cổ phiếu lẫn trái phiếu Mỹ sẽ đảo chiều, khi đó dòng tiền sẽ trở lại các thị trường mới nổi như Việt Nam.

Cần thêm hàng hóa, dịch vụ hấp dẫn

Bà Nguyễn Thị Thảo Như, Giám đốc cao cấp Khách hàng cá nhân tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho rằng nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam khi các yếu tố hấp dẫn về đầu tư được cải thiện, bao gồm cả các yếu tố nội tại của thị trường lẫn chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Để thu hút dòng vốn quốc tế thông qua kênh chứng khoán, bà Như cho rằng Việt Nam cần tạo ra những lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các nước trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn đầu tư toàn cầu ngày càng khốc liệt.

Trong đó, Chính phủ cần đẩy mạnh các cải cách như nâng cao tính minh bạch, cải thiện cơ sở hạ tầng giao dịch (điển hình như hệ thống KRX), đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường lên nhóm mới nổi và triển khai thêm các sản phẩm tài chính hiện đại như bán khống, giao dịch T+0.

Đồng thời, cần có các chính sách cụ thể để hỗ trợ các ngành trọng điểm, tháo gỡ khó khăn pháp lý và cải thiện môi trường kinh doanh để gia tăng niềm tin của nhà đầu tư quốc tế.

“Khi tất cả yếu tố này được cải thiện đồng bộ, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn và là lựa chọn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á”, đại diện VDSC cho hay.

Nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam khi các yếu tố hấp dẫn về đầu tư được cải thiện đáng kể, bao gồm cả các yếu tố nội tại của thị trường lẫn chính sách hỗ trợ từ Chính phủ

Bà Nguyễn Thị Thảo Như, Giám đốc cao cấp Khách hàng cá nhân VDSC

Cùng quan điểm, chuyên gia chứng khoán Trần Bình Minh cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều việc phải làm nếu muốn thu hút sự chú ý của nhà đầu tư quốc tế.

Bên cạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế và quảng bá thị trường, việc xem xét thay đổi giới hạn sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp niêm yết cũng giúp khối ngoại có cơ hội giải ngân nhiều hơn và sớm đạt đủ các tiêu chí nâng hạng thị trường.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chủ chốt như công nghệ cao, sản xuất và dịch vụ tài chính cũng giúp nhà đầu tư ngoại có nhiều lựa chọn hơn trong danh mục.

Cùng với câu chuyện nâng hạng, ông Nguyễn Tấn Phát cho biết xu hướng chuyển dịch sản xuất ngoài Trung Quốc cũng là khía cạnh mà khối ngoại quan tâm.

“Nếu chúng ta tận dụng tốt những lợi thế này, đồng thời kết hợp thêm quảng bá hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua việc xúc tiến thêm các hợp đồng hợp tác chiến lược toàn diện thương mại quốc tế, nhất định một ngày không xa, chúng ta sẽ thật sự ra biển lớn và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ càng minh bạch, hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Phát nhấn mạnh.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/lam-sao-keo-dong-tien-ngoai-tro-lai-thi-truong-chung-khoan-nam-2025-post1519862.html