Làm sao nhận biết chân con bị vòng kiềng?

Bạn đọc TRẦN THANH VÂN (36 tuổi, ngụ Tây Ninh) hỏi: Con tôi được 3 tuổi rưỡi. Tôi có tìm hiểu một số thông tin thì nhận thấy có khả năng bé bị chân vòng kiềng. Vì khi bé đứng khép chân, từ đầu gối xuống bàn chân hướng ra ngoài thành chữ V. Xin bác sĩ cho biết như vậy có phải con tôi bị chân vòng kiềng? Nếu bị, tôi cần điều trị cho bé như thế nào?

Bác sĩ TRƯƠNG ANH MẬU, Phó trưởng Khoa Chỉnh hình Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), trả lời: Chân cong sinh lý là từ dùng để chỉ tình trạng cong của cẳng chân trẻ bao gồm 2 xương là xương chày và xương mác. Tình trạng này thường xuất hiện ở trẻ dưới 2 tuổi, đối xứng 2 bên chân. Nguyên nhân là do tư thế nằm trong bào thai của trẻ.

Tình trạng chân cong sinh lý sẽ tự cải thiện khi bé đi đứng và chân sẽ trở lại bình thường vào khoảng 3-4 tuổi.

Một số trường hợp, khi trẻ 3-4 tuổi, xương chân điều chỉnh quá mức lại tạo thành chân chữ X. Tức là 2 gối trẻ quá sát vào nhau. Tuy nhiên, cơ thể trẻ cũng sẽ tự điều chỉnh để trở về trục xương bình thường khi lên 7-8 tuổi. Sau đó, trục cẳng chân này sẽ giữ như vậy cho đến khi trẻ lớn.

Riêng chân vòng kiềng thường dùng để chỉ tình trạng bệnh lý khi bé đã lớn trên 3 tuổi mà trục xương cẳng chân (chân có hình dáng chữ O) vẫn còn vẹo nhiều. Những trường hợp này liên quan nhiều đến bệnh lý xương như thiếu vitamin D, bệnh còi xương, bệnh Blout (phát triển bất thường ngay vùng sụn tiếp hợp). Nếu có tình trạng này thì đòi hỏi phải làm thêm một số xét nghiệm, chụp X-quang... vì bệnh cảnh khác nhau sẽ có cách điều trị khác nhau. Do đó, chị nên cho bé đến khám phòng khám chuyên khoa chỉnh hình tại bệnh viện nhi để được chẩn đoán đúng và có hướng điều trị thích hợp.

Liên Anh ghi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/lam-sao-nhan-biet-chan-con-bi-vong-kieng-20230630204459124.htm