Làm thế nào để giảm thiểu tình trạng đạo văn?
Có thể nói rằng đạo văn không phải là câu chuyện mới mẻ gì trong đời sống văn học hiện nay. Năm nào cũng vậy, ít thì vài vụ bị phát hiện, nhiều thì cả chục vụ.
Đạo văn không phải là chuyện mới
Và các hình thức đạo văn cũng có muôn hình muôn vẻ, có những trường hợp thì đạo nguyên cả tác phẩm chỉ thay mỗi tên tác giả bằng chính tên mình mà thôi; còn có những trường hợp dùng cả một đoạn văn, một vài câu thơ của người khác nhưng “quên” để trong dấu ngoặc kép và dẫn nguồn hoặc dẫn sai nguồn; rồi đạo văn dịch; đạo văn “xào nấu”; nhận vơ tác phẩm...
Một vấn đề nữa là đội ngũ và thành phần xuất thân của những “tên đạo chích” cũng muôn hình muôn vẻ, nó không chỉ rơi vào những đối tượng là người viết nghiệp dư, những người ít nổi tiếng, ít am hiểu về đời sống văn học nghệ thuật mà trong đội ngũ “đạo chích” đó có cả những nhà văn, nhà thơ, nhà lí luận phê bình, thạc sỹ, tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư… cũng dính nghi án đạo văn. Rồi chuyện thầy đạo của trò, trò đạo của thầy, rồi thầy trò thông đồng cho đủ tiêu chuẩn để nhận một cái danh hiệu gì đấy…
Cuốn sách “Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của TS Vũ Thị Trang vừa bị Hội nhà văn Việt Nam tạm thời thu hồi giải thưởng.
Làm thế nào để triệt tiêu tình trạng đạo văn là vấn đề không tưởng, nhưng làm thế nào để giảm thiểu được nó thì là vấn đề khả dĩ có thể làm được. Trong chuyên đề tuần này, Báo Văn nghệ Công an cùng với nhà thơ Đỗ Trung Lai, Lê Thiếu Nhơn và nhà văn Uông Triều thử bàn về một vấn đề đang nóng, đang thời sự trong đời sống văn học hiện nay nhân việc Hội Nhà văn Việt Nam đã ra thông báo tạm rút Giải thưởng Tác giả trẻ 2021 của tiến sĩ Vũ Thị Trang vì cuốn sách “Phê bình phân tâm học, phía của những ám ảnh nghệ thuật” dính nghi án đạo văn. Rất mong nhận được sự phản hồi và hiến kế từ bạn đọc với mong muốn làm sao ngày càng trong sạch hơn đời sống văn học nghệ thuật của nước nhà.
Nhà văn Uông Triều - Đạo văn là lười biếng và kém cỏi
Văn chương không giống như các mặt hàng khác, nó không giấu được. Một khối bê tông có lõi tre thì rất khó biết hoặc một viên gạch làm bằng loại đất gì cũng khó nhận ra nhưng văn chương thì không thế. Đặc điểm của văn chương là phải có người đọc, càng nhiều người đọc càng tốt, vậy nên đạo văn chính là hình thức rất dễ bị phát hiện, bởi anh đạo văn nhưng anh vẫn cần có người đọc. Thế nên đạo văn chính là hình thức “lạy ông tôi ở bụi này”!
Theo tôi những người đạo văn vì họ kém cỏi, họ không có ý tưởng để viết nên mượn ý tưởng người khác, mượn suy nghĩ, mượn lao động của người khác. Tôi cho rằng hai đặc điểm chính của đạo văn là lười biếng và kém cỏi. Lười biếng nên không muốn lao động thực sự, kém cỏi bởi không thể tạo ra những thứ khả dĩ nên đi “mượn” của người khác.
Đạo văn để kiếm tiền cũng có nhưng ít và không phải mục đích chính vì ai cũng biết văn chương mang lại rất ít tiền bạc, hầu như không đáng kể gì. Theo tôi lí do quan trọng nhất để đạo văn là hiếu danh, là mong mình nổi tiếng, có bài đăng đâu đó, có bài in sách với một hi vọng mù quáng là không ai phát hiện ra mình. Nói thật, tôi thấy người Việt rất hiếu danh, đặc biệt là về văn chương. Cái danh xưng “nhà văn” vẫn còn quá hấp dẫn dù cơ bản nó không mang lợi lộc gì nhưng người ta luôn thích khoe nó ra, trưng diện. Và hình như ai đó có bài được đăng đâu đấy thì ai cũng muốn khoe, khoe cũng tốt thôi nhưng cái gì cũng khoe thì hơi lố và mặt nào đó nó kích thích người khác lao vào cuộc truy tìm hư danh, và trong cuộc truy tìm danh vọng này người ta rất dễ mắc phải sai lầm.
Tôi nghĩ rằng mọi chuyện ăn cắp đều phải bị ngăn chặn, thì đạo văn cũng thế nhưng để ngăn chặn được đạo văn trong đời sống văn học hiện nay cũng vô cùng khó vì số lượng tác giả, tác phẩm ngày càng nhiều, xuất phát từ thực trạng đó, trước mắt chúng ta hãy làm tốt việc ngặn chặn đạo văn xảy ra ở các cuộc thi văn chương, ở các giải thưởng…
Muốn làm được điều đó, đầu tiên là ra quy chế rõ ràng, tác giả phải chịu trách nhiệm về tác phẩm và bản quyền của chính mình, thậm chí phải phạt tiền hoặc chịu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm. Những quy định không rõ ràng, hình phạt nhẹ không đủ tính răn đe.
Lại nữa có thể công khai các tác phẩm vào chung khảo, các tác phẩm triển vọng trước khi trao giải để đông đảo độc giả đánh giá và cũng là kênh phát hiện các hành vi sai trái. Nói chung nếu biết dựa vào dân thì muôn việc sẽ thành vì Ban Giám khảo dù có ba đầu sáu tay cũng không thể đọc hết được tất cả các sáng tác từ Đông Tây kim cổ. Một người chỉ đọc được 10 cuốn sách nhưng một trăm người thì sẽ gấp lên một trăm lần và vì vậy sẽ khả dĩ ngăn chặn được tình trạng “lọt lưới” những sản phẩm ăn cắp.
Và điều cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh rằng, tại sao tất cả các hành vi ăn cắp khác đều đã được luật định, nhưng hình như đạo văn thì chưa có. Như tôi đã nói ở trên, cần tăng hình thức xử phạt, đơn cử như việc tham gia giao thông, nếu anh vi phạm theo luật, cảnh sát giao thông có quyền giữ bằng lái, phạt tiền, tịch thu phương tiện... Văn chương cũng có thể treo bút được chứ, tùy theo hình thức vi phạm mà có thể cấm xuất bản trong thời gian nào đó, cấm tham gia các hội đoàn, phạt tiền, thậm chí khép tội làm hàng giả và căn cứ theo luật hình để xử.
Nhà thơ Đỗ Trung Lai - Phải hiểu biết ở tầm thẩm mĩ cao để phân biệt được đạo văn hay không đạo văn
+ Bàn về chuyện “đạo văn” (chuyện “ăn cắp” trong Văn nghệ), trước hết có lẽ nên tìm hiểu khái niệm “Đoạt thai hoán cốt”!
“Đoạt thai hoán cốt” hay “Hoán cốt đoạt thai”, vốn là một “thuật” trong nhiều “thuật” của Đạo giáo Trung Hoa. Theo đó, các đạo sĩ cao tay có thể “hô biến”, làm cho người ta thoát khỏi “Phàm thai tục cốt” mà thành ra “Thánh thai tiên cốt”!
Theo thời gian, nó chuyển nghĩa (hoặc gồm thêm nghĩa), để trỏ những việc mà người sau, tuy học theo người trước nhưng lại có thêm nhiều sáng tạo mới, khiến “dấu vết” của người trước không còn nữa hoặc nếu còn, thì rất mờ nhạt. Riêng trong văn nghệ, nó trỏ cái việc người sau “hô biến” tác phẩm của người trước, từ “Phàm trần” thành ra “Tiên thánh”, nói gọn là “Thành tiên”!
Nhà nghiên cứu Đào Duy Anh chính là người đầu tiên chọn thành ngữ “Đoạt thai hoán cốt” để trỏ việc Nguyễn Du đã “hô biến” “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân thành ra “Truyện Kiều”.
Không ai nói, Nguyễn Du “đạo văn” cả!
Lấy mấy ví dụ xa: Không có những người đi kể miệng thần thoại Hy - La khắp các thành bang Địa Trung Hải xưa, lấy gì cho Homere “Đoạt thai hoán cốt” để có “Iliad và Odyssey?”.
Không ai nói, Homere “đạo văn” cả!
Không có những người đi kể chuyện “Tam quốc” rong ở Trung Hoa bao đời, sao La Quán Trung có thể “Đoạt thai hoán cốt” chúng mà có “Tam quốc diễn nghĩa?”.
Không ai nói, La Quán Trung “đạo văn” cả!
Chính Shakespeare đã “Đoạt thai hoán cốt” chuyện chàng Romeo và nàng Juliet mãi từ tít nước Ý, để tạo nên vở kịch Anh “kinh điển”, “cổ điển” của mình.
Không ai nói, Shakespeare “đạo văn” cả!
+ Không có “Kinh thánh”, lấy đâu ra việc Leonardo da Vinci, Mikellangelo, Rafael de Santi… “Đoạt thai hoán cốt” để có các bức họa trứ danh theo các đề tài trong Kinh thánh?
Không ai nói, Leonardo da Vinci, Mikellangelo, Rafael de Santi... “đạo văn” cả!
v.v… và v.v…
Giờ lấy thêm mấy ví dụ gần:
Trong bài “Hoàng hạc lâu”, Thôi Hiệu viết: “… Nhật mộ hương quan hà xứ thị - Yên ba giang thượng sử nhân sầu”, thì khi Tản Đà dịch là: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”, ông đã “Đoạt thai hoán cốt” một lần. Sau, thơ Huy Cận (trong bài “Tràng giang”): “Làng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” là lại “Đoạt thai hoán cốt” lần thứ hai. “Ngôn ngoại” thì đã mờ đi, nhưng “Ý tại” thì y hệt!
Không ai nói, Tản Đà và Huy Cận “đạo văn” cả!
Trong bài “Phong Kiều dạ bạc”, Trương Kế viết: “Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”, Tản Đà đã “Đoạt thai hoán cốt” lần một, để có: “Thuyền ai đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San” bằng lục bát Việt. Sau, nhà thơ Hồ Chí Minh (trong bài “Nguyên tiêu”) viết: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền” (“Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”) thì thơ chữ Hán của Bác và bản dịch hai câu thơ này của Xuân Thủy, lại kế tiếp nhau, “Đoạt thai hoán cốt” “Phong Kiều dạ bạc” một lần nữa.
Không ai nói, Bác Hồ và Xuân Thủy “đạo văn” cả! v.v... và v.v...
Tại sao lại thế? Có hai nguyên nhân làm cho việc “Đoạt thai hoán cốt” không bị coi là “đạo văn” :
Người sau, tuy có dùng tác phẩm - ý - tứ - câu chữ - hình tượng của người trước, nhưng không nhằm “tô vẽ” cho mình và văn chương mình, mà chỉ “Đoạt thai hoán cốt” hoặc dùng chúng như một “phương tiện”, để xây dựng (thành công) những tác phẩm mới vĩ đại hoặc tốt đẹp và nhằm tới những mục đích lớn (trong trường hợp của Homere, La Quán Trung, Shakespeare, Leonardo da Vinci, Mikellangelo, Rafael de Santi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh...).
Người sau, tuy dùng ý - tứ - câu chữ - hình tượng của người trước nhưng làm một cách tinh tế/ nhẹ nhàng để tôn vinh người trước và tạo thêm một chút ý vị mới trong tác phẩm của mình (trong trường hợp của Tản Đà và Huy Cận...).
Trong các nguyên nhân/ trường hợp vừa nói, người ta không gọi là “đạo văn” mà thường gọi là “dụng điển” (sử dụng những điển tích, điển cố, tác phẩm - ý - tứ - câu chữ - hình tượng cũ/ có trước).
Xưa kia, vì những “điển” ấy, ai có chữ cũng biết, cho nên không cần chú thích/ chú giải, và... “không có vấn đề gì” cả!
Thế là, việc “Đoạt thai hoán cốt” trong văn chương - nghệ thuật xưa, vốn là việc thông thường. Những người tài giỏi thì “Thành tiên”, những kẻ ngược lại thì “Thành tục”!
Ngày nay, việc hiểu biết “điển cố” không còn được thạo như xưa, nhiều khi, chỉ “hơi một tý” đã mắng nhau là “đạo văn”! Cho nên theo tôi, tốt nhất là, nếu định “đoạt thai hoán cốt” hoặc “dụng điển”, thì người viết nên chú thích/ chú giải để tránh mang tiếng là “đạo văn” (ở đây, không bàn tới những trường hợp cố tình “đạo văn” một cách vụng về, trắng trợn).
- Vừa qua Hội Nhà văn Việt Nam đã ra thông báo tạm rút Giải thưởng Tác giả trẻ 2021 vì nghi án đạo văn, ông có bình luận gì về vấn đề này?
+ Tôi không liên quan gì đến Hội Nhà văn nữa, cho nên đây chỉ là việc của Hội Nhà văn, tôi không dám bàn!
- Theo ông thì thời gian tới nên tổ chức các cuộc thi văn chương thế nào để tránh xảy ra hiện tượng thí sinh đưa “đồ ăn cắp” đi dự giải? Và có những cuộc thi nhiều khi chính người trong Ban tổ chức tiến cử chứ không phải người có tác phẩm tham gia dự thi.
+ Từng tham gia nhiều “Ban giám khảo” Văn nghệ, tôi biết khá rõ “vài con đường” đi tới các giải Văn nghệ đương thời. Tôi chỉ muốn nói, để một giải văn nghệ thành công nhất định phải có hai yếu tố:
Một là: Hiểu biết với tầm thẩm mỹ cao. Có thế mới phân biệt được, đâu là “đoạt thai hoán cốt” và “dụng điển” và đâu là “đạo văn”; đâu là thẩm mỹ “tinh hoa” và đâu là thẩm mỹ “hạ lưu”.
Hai là: Công tâm. Có thế mới tránh được sự lũng đoạn, bè phái, chạy chọt (bằng tiền hoặc quen biết - thân sơ).
Tôi chỉ lấy một trong nhiều ví dụ: Một vị Trưởng ban Văn học của Hội Nhà văn bảo tôi: “Trong Ban, chỉ có ông và cậu X. là nhà thơ. Cho nên, ông không cần đọc các tác phẩm văn xuôi dự giải, chúng tôi bảo thế nào thì ông nghe thế. Ngược lại, chúng tôi không cần đọc các tác phẩm thơ dự giải, ông bảo thế nào thì chúng tôi nghe thế”.
Đến khi họp Ban, trong những tác phẩm văn xuôi được dự kiến đưa vào danh sách đoạt giải, lại có quá nhiều những tác phẩm của ông ấy và bạn bè (mà các tác phẩm dự giải, chủ yếu là văn xuôi)! Thấy thế, tôi đề nghị hoãn họp và yêu cầu mọi thành viên trong Ban, ai cũng phải đọc hết mọi tác phẩm dự giải, cả văn xuôi và thơ, rồi mới bỏ phiếu và tất nhiên, việc ấy đã giúp loại khỏi danh sách đoạt giải, nhiều tác phẩm không xứng đáng! Và, từ đó, tôi cũng xin rút khỏi mọi thứ “Ban” kiểu ấy!
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - Đạo văn phần nào phản ánh lối sống cơ hội và chụp giật
+ Bằng chút ít kinh nghiệm bản thân, tôi thấy rằng, trường hợp đạo văn lại rơi vào những tác phẩm không mấy bán chạy. Hầu như tôi chưa từng thấy tác phẩm in vài ngàn bản trở lên nào mà tác giả lại đạo văn. Ngược lại, tác phẩm bị phát hiện đạo văn thường in vài trăm bản và phát hành theo kênh khá bí mật. Nói chung, tác phẩm đạo văn trực tiếp phơi bày phẩm chất nghiệp dư của tác giả, trong mắt các đồng nghiệp.
- Hành vi ăn cắp nào cũng sẽ hướng đến một mục đích nào đó ví như vì tiền, vì danh… trong khi đạo văn không phải để bán lấy tiền, cũng không phải để quảng bá tác phẩm lấy danh (vì như ông nói “thường in vài trăm bản và phát hành theo kênh khá bí mật”). Vậy sao, người ta vẫn “dại dột” đi đạo văn?
+ Có nhiều lý do để đạo văn, có cả yếu tố danh hão và yếu tố lợi còm. Tuy nhiên, theo tôi, phần lớn đạo văn đều xuất phát từ những phút giây bốc đồng, muốn nhanh chóng có tác phẩm nhưng lại ái ngại phải trải qua dặm dài suy tư và sáng tạo. Đấy là sự “lóe sáng” kỳ lạ của lòng tham con người.
Người ta đạo văn để thỏa mãn ham muốn nhất thời về sự sở hữu tác phẩm. Tôi nghĩ, có khi chính kẻ đạo văn cũng không thể rành mạch về mục đích của hành vi đạo văn. Vì có đoạn văn hoặc câu thơ được “đạo” khá tầm thường, chứ không phải xuất sắc lắm. Thật trớ trêu, khi kẻ đạo văn có tâm lý an ủi đáng sợ là, chính mình còn không đọc lại tác phẩm thì chẳng bạn đọc nào quan tâm đâu!
- Và hình như ở Việt Nam ta tình trạng đạo văn xảy ra nhiều hơn ở các nước khác, bởi hình như không có năm nào là văn đàn không “dậy sóng” về những vụ đạo văn.
+ Đạo văn trở nên phổ biến vì kẻ đạo văn đủ tinh khôn để nhận ra người Việt Nam bây giờ rất ngại đọc. Sao chép một đoạn văn hay sao chép một trang sách, được xem như một sự tiện tay, có món hàng tạm hài lòng lọt vào tầm mắt thì cầm lấy luôn cho công việc đang làm thêm phần thuận lợi. Đạo văn phần nào phản ánh lối sống cơ hội và chụp giật của thị dân hôm nay.
- Các cuộc thi văn chương phải tổ chức như thế nào để nâng cao chất lượng và giảm thiểu được tình trạng đạo văn?
+ Muốn giảm thiểu đạo văn thì chỉ có cách tăng tính công khai tác phẩm ứng thí. Ban Giám khảo dù có ba đầu sáu tay, cũng không thể đọc hết hàng triệu trang sách và trang báo được in hàng năm, chưa kể còn có bao nhiêu công trình nghiên cứu khác. Hiện nay, độc giả chỉ thực sự sâu sát với lĩnh vực của họ đang theo đuổi, nên một tác phẩm đạo văn viết về nghề y thì giới văn chương chưa chắc tinh ý phát hiện bằng giới bác sĩ. Cộng hưởng sự liêm chính của xã hội thì may ra mới có sự liêm chính trong học thuật, liêm chính trong văn chương.
- Nên xử lý thế nào đối với tội danh đạo văn
+ Tội danh đạo văn chưa bị xử lý hình sự, nhưng lại gây tổn thương không nhỏ cho công chúng. Xử lý đạo văn, trước hết cần sự nghiêm khắc của những cơ quan chuyên môn, sau đó phải hy vọng vào sự tự trọng của kẻ đạo văn. Khi bị phát hiện sao chép gần như nguyên xi bài thơ của người khác, mà kẻ đạo văn vẫn dương dương “tôi viết trước in sau” thì hết thuốc chữa. Bởi lẽ, khi ấy “đạo văn” đã thành “đạo tặc”.