Làm thế nào để không lãng phí các cây cầu vượt bộ hành?
Nhiều năm qua, Hà Nội đã đầu tư xây dựng nhiều cầu vượt bộ hành, mỗi cây cầu từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng, trên các tuyến đường có lưu lượng xe đông với kỳ vọng giúp người dân đi bộ sang đường được thuận tiện, an toàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều cây cầu không phát huy được hiệu quả do chưa đánh giá đúng đối tượng sử dụng để thiết kế cho phù hợp.
Cây cầu vượt bằng thép cho người đi bộ trên đường Giảng Võ, tuyến đường luôn có mật độ giao thông cao. Mặc dù nằm ngay dưới chân điểm dừng xe buýt, nhưng theo người dân tại đây, rất ít người sang đường bằng cây cầu này.
Bà Phan Thu Chinh - đường Giảng Võ, Hà Nội: "Xây cầu này tôi thấy quá cao và gần như không có hiệu quả, không thấy có người đi lại. Ai người ta trèo lên cầu? Chỗ này không đúng điểm".
Trên phố Giảng Võ, cách đó không xa là một cây cầu vượt bộ hành khác cũng rơi vào cảnh tương tự.
Bà Trịnh Thanh Thủy – đường Giảng Võ, Hà Nội: “Người đi bộ người ta không đi qua cầu, vì leo lên leo xuống rất mệt nên người ta không muốn đi”.
Độ dốc và độ cao của bậc thang lên xuống cầu cũng là một hạn chế với người già và người có sức khỏe yếu. Chưa kể, cầu nằm ở khu mật độ dân cư không cao.
Còn đây là một cây cầu vượt nằm trước cổng trường một đại học. Dù đã vào giờ cao điểm, phía dưới đông đúc, nhưng phía trên vẫn vắng bóng người qua lại. Cầu được đặt ngay vị trí có đèn tín hiệu. Vậy nên nhiều sinh viên sang đường vẫn lựa chọn chờ đèn tín hiệu mà “phớt lờ” cây cầu vượt cách đó chỉ vài bước chân.
Sinh viên Nguyễn Thúy Hường – Học viện Ngân hàng: "Em cũng thi thoảng mới đi qua cầu, thường thì em sẽ đợi đèn đỏ rồi qua đường vì đợi cũng chỉ hơn 1 phút, mà thời gian qua cầu tương đương với chờ đèn đỏ, nhưng đi qua cầu rất mệt".
Khẳng định xây dựng các cầu và hầm đi bộ trong các đô thị là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên một kiến trúc sư cho rằng, việc này cần được tính toán đồng bộ với hệ thống mạng lưới giao thông nói chung. Trong đó, vị trí và thời điểm thực hiện xây dựng rất cần sự cân nhắc.
Kiến trúc sư Đặng Tuấn Trung – Công ty CP Kiến trúc PLE: "Cầu đi bộ lẽ ra phải có từ rất lâu, nhưng có những cây cầu đến bây giờ xây dựng 5-10 năm rồi mà cảm giác rất thừa và khi đã không sử dụng thì nó xuống cấp, gây hệ lụy về mặt cảm quan".
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền – đường Trần Khát Chân, Hà Nội: “Nhu cầu và mật độ cư dân ở đây là chưa cần thiết. Ở đây ngã 4 có phân luồng rõ ràng cho người đi bộ sang đường, theo đèn xanh đèn đỏ, ở khu phố trên có công việc, nhiều cư dân đi bộ thì thích hợp hơn”.
Bà Nguyễn Kim Hoa – đường Trần Khát Chân, Hà Nội: “Sắp tới cả một công viên Tuổi trẻ bên này, để phục vụ lợi ích bà con, cộng đồng thì cây cầu nên chuyển phục vụ lợi ích cộng đồng bà con thì hợp lý hơn rất nhiều”.
Tránh việc đầu tư xây dựng quá sớm dẫn đến cầu không được sử dụng thích đáng, lựa chọn vị trí thích hợp và hữu dụng với số đông - đó là mong muốn của người dân Thủ đô và chuyên gia để các cầu tiếp theo được dựng lên thực sự hiệu quả, không lãng phí./.
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/lam-the-nao-de-khong-lang-phi-cac-cay-cau-vuot-bo-hanh