Làm thế nào để Luật Thanh niên 2020 sớm đi vào cuộc sống?
Luật Thanh niên 2020 có nhiều đổi mới về cơ chế, tạo thuận lợi để thanh niên phát triển, cống hiến nhiều hơn, giữ vai trò rường cột nước nhà. Vậy làm thế nào để luật mới sớm đi vào cuộc sống, phát huy tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ Việt Nam?
Ngày 28/9, tại TP Đà Lạt, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai Luật Thanh niên 2020 cho 30 tỉnh, thành thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam.
Nhiều điểm mới
Ông Doãn Đức Hảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) cho hay, Luật Thanh niên năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện luật được ban hành năm 2005. Luật được kết cấu gồm 7 chương, 41 điều với nhiều nội dung mới. Chẳng hạn, quy định rất cụ thể vai trò, trách nhiệm của thanh niên; nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; Tháng Thanh niên và trách nhiệm đối thoại với thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của tổ chức thanh niên; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, nhà trường, gia đình đối với thanh niên.
Đặc biệt, Luật quy định nội dung quản lý nhà nước về thanh niên với 8 nhiệm vụ cụ thể, trong đó giao trách nhiệm cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên; quy định 8 nhiệm vụ của Bộ Nội vụ - cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên theo ngành và lĩnh vực; trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên và việc tổ chức triển khai chính sách, pháp luật đối với thanh niên tại địa phương.
Phát triển toàn diện thanh niên Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, giữ vai trò rường cột nước nhà; việc chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó việc ban hành Luật Thanh niên 2020 có ý nghĩa chính trị, pháp lý sâu sắc, hướng tới các mục tiêu phát triển toàn diện đối với thanh niên Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay.
Theo ông Trần Minh Lý, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đồng Tháp, Luật Thanh niên năm 2005 chưa thể hiện được đầy đủ nhận thức coi thanh niên là trụ cột, chủ nhân tương lai của đất nước, lực lượng xung kích trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Những đổi mới trong Luật Thanh niên năm 2020 có thể giúp khắc phục những hạn chế, bất cập này. “UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ trình HĐND ban hành nghị quyết về phát triển thanh niên; phân bổ dự toán ngân sách để tổ chức thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên tại địa phương, nhằm bảo đảm đưa Luật Thanh niên đi vào cuộc sống một cách thực chất”, ông Lý nói.
UBND các cấp “cầm lái” thực hiện chính sách
Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) khẳng định, UNFPA cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để đảm bảo thanh niên có thể phát huy hết tiềm năng to lớn của mình. Bà Naomi Kitahara cho rằng UBND các tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Luật Thanh niên, do đó lãnh đạo tỉnh cần hiểu về quyền của thanh niên một cách đầy đủ và tính cần thiết của việc lồng ghép công tác thanh niên trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi nhân khẩu học. Chúng ta có lực lượng dân số trẻ lớn nhất từ trước đến nay và đây là cơ hội hiếm có để tận dụng thời kỳ dân số vàng”, bà Naomi Kitahara nói.
Cũng theo bà Naomi Kitahara, thanh niên không phải là một nhóm đồng nhất nên không có một giải pháp nào phù hợp cho tất cả thanh niên. Vì vậy các tỉnh cần cố gắng đáp ứng các nhu cầu cụ thể của các nhóm thanh niên đa dạng như thanh niên khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên đồng tính, thanh niên nhập cư, phụ nữ và trẻ em gái…
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng Ndu Ha Biên cho rằng Luật Thanh niên 2020 đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó UBND các cấp có vai trò “cầm lái” trong việc thực hiện các chính sách đối với thanh niên. Nhờ vậy các tổ chức Đoàn và bản thân mỗi thanh niên có điều kiện phát triển tốt hơn.
Phó Bí thư Tỉnh Ðoàn Lâm Ðồng Ndu Ha Biên cho rằng thanh niên sẽ có nhiều cơ hội để khởi nghiệp, làm giàu, bởi Luật Thanh niên 2020 khuyến khích thành lập quỹ khởi nghiệp cho thanh niên; ưu đãi vay vốn từ các tổ chức tín dụng; cung cấp thông tin về thị trường; hỗ trợ pháp lý, khoa học và công nghệ…