Làm thế nào để nâng cao sức cạnh tranh hàng Việt?
Ngày 29/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn 'Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các hiệp định thương mại thế hệ mới'.
Hiện nay, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã trở thành một xu thế chung trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa, đồng thời là xu hướng mở rộng hợp tác kinh tế được nhiều quốc gia lựa chọn. Trước thời cơ, thách thức từ các hiệp định thương mại thế hệ mới, làm sao để các sản phẩm Việt Nam có thể cạnh tranh trong nước cũng như xuất bán ra thế giới là vấn đề được cả hệ thống chính trị, công đồng doanh nghiệp và người dân quan tâm.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Việt Nam hiện là thành viên của nhiều FTA, trong số 13 hiệp định đã có hiệu lực và đang triển khai, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tiếp theo đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Việc tham gia các FTA đã giúp thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA...
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ: “Cùng với việc gia nhập WTO từ năm 2007, việc tham gia các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%”.
Trong khi dịch bệnh Covid-19 đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia phải phong tỏa vì dịch bệnh, khiến nguồn cung cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì bán lẻ hàng hóa nổi lên là một trong những điểm sáng của kinh tế vĩ mô nước ta.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III/2020 ước tính đạt 1.305,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với quý II/2020 và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2020 đạt 2.907,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng Việt vẫn đang được đánh giá cao và được các nhà phân phối, bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trên quầy kệ. Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao. Cụ thể, hàng hóa Việt ở Co.opmart chiếm 90-93%, Satra 90-95%, Vinmart 96%, Vissan 95%, Hapro 95%…
Những kết quả nêu trên thể hiện rõ vai trò, khả năng cung cấp hàng hóa nội địa trong các bối cảnh dịch bệnh, thiên tai diễn biến khó lường. Đồng thời thể hiện rõ vai trò của hàng Việt tại thị trường nội địa khi ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, yên tâm sử dụng.
Mặt khác, bên cạnh những lợi ích do các FTA mang lại, các doanh nghiệp Việt cũng đứng trước nhiều thách thức khi hàng hóa của nhiều quốc gia sẽ tăng nhập khẩu vào Việt Nam nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan.
Trong khi đó, hiện nay, trình độ phát triển của Việt Nam vẫn đang ở mức trung bình và thấp. Việc Việt Nam mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác khiến thị trường trong nước không còn là khái niệm “sân nhà”. Đặc biệt, đối với những nhóm ngành hàng mà Việt Nam có sức cạnh tranh yếu như nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và một số ngành dịch vụ sẽ gặp không ít những thách thức.
Theo ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế và chiếm tới gần 98% tổng số doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp vừa và lớn chiếm tỉ trọng quá ít (khoảng 3%), tạo thành chỗ khuyết thiếu cơ cấu nghiêm trọng. Do quy mô nhỏ bé nên khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao trình độ quản lý... của doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế.
Đến nay, rất ít doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia được vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài. Theo tổng hợp của dự án LinkSME, các công ty Nhật Bản, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, mua sắm khoảng 32,4% các dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương. Con số này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI của Nhật tại các nước trong khu vực ASEAN (45-57%), Trung Quốc (76%). Mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, giữa các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp lớn là không đáng kể và còn hạn chế.
Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam, các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý tại diễn đàn đã chỉ ra một số điểm quan trọng, đó là tiếp tục kiến tạo thể chế, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân để thúc đẩy những con đại bàng Việt Nam cất cánh ra thế giới.
Theo thống kê của Ban thư ký WTO, tính đến ngày 17/1/2020, cả thế giới đã có 303 hiệp định FTA có hiệu lực trong tổng số 483 hiệp định FTA được các nước thành viên thông báo lên WTO.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/lam-the-nao-de-nang-cao-suc-canh-tranh-hang-viet-582434.html