Làm thế nào để quản lý thuế đối với hộ kinh doanh?
Theo quy định, đối với hộ kinh doanh thì hiện có 3 khoản thuế và lệ phí phải nộp chủ yếu. Tuy nhiên, làm thế nào để công khai, minh bạch trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh khi mà số hộ muốn chuyển lên thành doanh nghiệp ngày càng ít dần.
Các loại thuế, phí phải nộp khi kinh doanh hộ gia đình
Trong quá trình sản xuất, Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải nộp thuế, lệ phí theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn. Các loại lệ phí, thuế hộ kinh doanh phải nộp gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và lệ phí môn bài (thuế môn bài).
Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và điểm c, khoản 1, Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP thì mức thu lệ phí môn bài đối với hộ kinh doanh cá thể được tính dựa theo doanh thu bình quân hàng năm. Cụ thể như sau:
a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;
b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;
c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.
Theo Điều 3 Nghị định nói trên thì cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống; hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định; sản xuất muối; nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá thì được miễn lệ phí môn bài.
Ngoài ra, kể từ ngày Nghị định 22/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (25/02/2020) thì các chủ thể trên được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo quy định tài khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
Đối với trường hợp có doanh thu trên 100 triệu đồng thì thuộc đối tượng phải chịu thuế GTGT và thuế TNCN.
Có 3 hình thức tính thuế phổ biến thường được áp dụng là: phương pháp kê khai; tính theo từng lần phát sinh; phương pháp khoán.
- Phương pháp kê khai áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề có căn cứ xác định được doanh thu theo xác nhận của cơ quan chức năng thì không phải thực hiện chế độ kế toán.
- Phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh áp dụng đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định. Kinh doanh không thường xuyên được xác định tùy theo đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng lĩnh vực, ngành nghề và do cá nhân tự xác định để lựa chọn phương pháp khai thuế theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Địa điểm kinh doanh cố định là nơi cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh như: địa điểm giao dịch, cửa hàng, cửa hiệu, nhà xưởng, nhà kho, bến, bãi hoặc địa điểm tương tự khác.
Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh bao gồm:
a) Cá nhân kinh doanh lưu động;
b) Cá nhân là chủ thầu xây dựng tư nhân;
c) Cá nhân chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam;
d) Cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số nếu không lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh không bắt buộc phải thực hiện chế độ kế toán, nhưng phải thực hiện việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và xuất trình kèm theo hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh.
Phương pháp khoán được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (Hộ khoán) không phải thực hiện chế độ kế toán. Hộ khoán sử dụng hóa đơn lẻ phải lưu trữ và xuất trình cho cơ quan thuế các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp khi đề nghị cấp, bán lẻ hóa đơn theo từng lần phát sinh.
Vì sao hộ kinh doanh không muốn chuyển lên thành doanh nghiệp?
Hầu hết các hộ kinh doanh đều không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp. Mặc dù, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) có nhiều chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, nhưng sau 4 năm Luật đi vào cuộc sống, có rất ít hộ kinh doanh chuyển lên thành doanh nghiệp. Tại Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ - những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đáng ra số lượng hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp phải nhiều hơn, nhưng thực tế, hộ kinh doanh không “thiết tha”, “mặn mà” làm chủ doanh nghiệp. Nguyên nhân của thực trạng này phải nói đến:
Thứ nhất, mục đích của hộ kinh doanh khi không chuyển đổi lên doanh nghiệp là nhằm "né" nghĩa vụ nộp thuế, không ký hợp đồng với các lao động, dù biết chuyển đổi lên doanh nghiệp, các hộ kinh doanh được nhận nhiều ưu đãi, hỗ trợ hơn.
Đồng thời sau khi chuyển đổi, nghĩa vụ pháp lý sẽ nhiều hơn. Đơn cử như các loại giấy phép về môi trường. Đồng thời việc tiếp các cuộc thanh tra, kiểm tra; thủ tục kê khai, quyết toán thuế; thuê mướn thêm kế toán,… sẽ làm gia tăng chi phí gián tiếp. Nếu thành lập doanh nghiệp thì hộ kinh doanh phải chịu rất nhiều ràng buộc, tốn nhiều thời gian, nhân lực và chi phí như buộc phải duy trì sổ sách kế toán; phải có bộ máy kế toán, thủ quỹ chuyên nghiệp, không được hoạt động kiêm nhiệm.
Bên cạnh đó, một số hộ kinh doanh cũng có nguyện vọng làm ăn lớn, mở rộng quy mô, kinh doanh chuyên nghiệp hơn, nhưng lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng quản trị trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp thiếu tự tin, chấp nhận “nằm im” để kinh doanh an toàn.
Thứ hai,những hỗ trợ trong Luật Hỗ trợ DNVVN còn nhiều điểm chưa hợp lý. Ví dụ, Theo Luật Hỗ trợ DNVVN, khi chuyển thành mô hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài 3 năm; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền sử dụng đất có thời hạn. Tuy nhiên, với mô hình hộ kinh doanh thì đa số không phải đóng thuế hoặc nộp thuế khoán với số thuế “tượng trưng” nên chính sách miễn, giảm thuế không hấp dẫn. Hiếm có hộ kinh doanh nào được thuê đất của Nhà nước nên chính sách miễn, giảm tiền thuê đất cũng không hữu dụng. Còn thuế (lệ phí môn bài) hàng năm DNVVN phải đóng rất thấp nên có miễn hay không cũng không có nhiều tác dụng.
Thứ ba, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến các doanh nghiệp siêu nhỏ gần như không có dù trong bối cảnh đại dịch. Điều này khiến các hộ kinh doanh nếu chuyển lên doanh nghiệp chủ yếu ở mức doanh nghiệp siêu nhỏ và không được hỗ trợ thì tâm lý e ngại là điều tất yếu.
Quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
Theo số liệu quản lý thuế của Tổng cục Thuế, cả nước có 3,1 triệu hộ và cá nhân kinh doanh; trong đó, số lượng hộ kinh doanh có địa điểm cố định là 1,9 triệu hộ, bao gồm 1,8 triệu hộ khoán và 90 nghìn hộ kê khai.
Cùng với đó, số lượng cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh là 74,8 nghìn; số lượng cá nhân cho thuê tài sản là 77,7 nghìn; số lượng cá nhân kê khai, nộp thuế qua các tổ chức xổ số, bảo hiểm, bán hàng đa cấp là 1 triệu. Ngoài ra, số lượng cá nhân phát sinh thu nhập là khoảng 29 triệu, trong đó có số thuế thuộc diện khấu trừ là khoảng 7 triệu.
Hiện công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế như tình trạng trốn thuế, gian lận thuế và nợ đọng thuế gây thất thu ngân sách nhà nước. Để hạn chế thực trạng này, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh với mục tiêu phù hợp thực tế, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cụ thể: hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người và tổng doanh thu của năm từ 3 tỷ đồng; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người và tổng doanh thu của năm từ 10 tỷ đồng.
Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh do Bộ Tài chính xây dựng hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ kinh doanh là cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam; cá nhân có tài sản cho thuê tại lãnh thổ Việt Nam; cá nhân chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam.
Người nộp thuế theo dự thảo hướng dẫn tại Thông tư này bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh bao gồm cả một số trường hợp sau: Hành nghề độc lập trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật; Làm đại lý bán đúng giá đối với đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, đại lý bán hàng đa cấp của cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với doanh nghiệp xổ số, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp...
Trước tình trạng này, Tổng cục Thuế cho biết thời gian qua đẩy mạnh quản lý rủi ro tuân thủ, đây là quản lý và nâng cao tuân thủ về các nghĩa vụ chính của người nộp thuế như: đăng ký thuế, kê khai đúng hạn, khai báo chính xác và nộp thuế đúng hạn.
Chương trình quản lý rủi ro tuân thủ cung cấp cách tiếp cận có cấu trúc để nhận diện các rủi ro, đánh giá rủi ro tuân thủ, xây dựng các biện pháp xử lý của cơ quan thuế đối với các hành vi tuân thủ khác nhau, khuyến khích tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.
Với xu hướng số lượng người nộp thuế ngày một gia tăng, hoạt động kinh tế phát sinh ngày càng phức tạp, ngành thuế đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro nhằm nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế; đồng thời, phòng chống gian lận gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Nổi bật là, thứ nhất, rà soát danh sách cảnh báo sử dụng hóa đơn vượt ngưỡng an toàn.
Ngày 14/6/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 2392/TCT-QLRR hướng dẫn các Cục Thuế tổ chức kiểm tra “Danh sách người nộp thuế thuộc diện giám sát xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn” theo hệ số K tại ứng dụng hóa đơn điện tử.
Qua báo cáo kết quả rà soát của cơ quan thuế các cấp trong 6 tháng triển khai cuối năm 2023, toàn ngành thực hiện rà soát số lượng lớn người nộp thuế, xác định các trường hợp vượt hệ số K có rủi ro cao như: kê khai sai, dừng hoạt động, bỏ trốn, chuyển cơ quan điều tra...
Cảnh báo theo Hệ số K được áp dụng đối với người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử, bao gồm cả hóa đơn điện tử từ máy tính tiền.
Thứ hai, rà soát đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử và tờ khai.
Tổng cục Thuế xây dựng ứng dụng đối chiếu tờ khai và hóa đơn đối với người nộp thuế là doanh nghiệp và hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai trên phạm vi cả nước.
Theo công văn hướng dẫn, từ ngày 15/5/2023 triển khai chức năng ứng dụng hỗ trợ thực hiện đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử và tờ khai thuế giá trị gia tăng giúp giảm tải công việc cho cán bộ thuế cũng như nâng cao hiệu quả công tác giám sát quá trình sử dụng hóa đơn điện tử của người nộp thuế.
Tính đến ngày 31/12/2023, theo báo cáo của các cục thuế, số thuế giá trị gia tăng mà người nộp thuế đã thực hiện kê khai bổ sung là hàng nghìn tỷ đồng.
Thứ ba, nghiên cứu phát hiện rủi ro qua chuỗi mua bán hóa đơn.
Cơ quan thuế nghiên cứu áp dụng một số công nghệ mới AI, big data để phân tích trên dữ liệu hóa đơn điện tử thông qua thiết lập chuỗi mua bán tinh bột sắn, dăm gỗ, điện thoại di động, máy tính bảng trên toàn quốc và chuỗi mua bán trên địa bàn Hà Nội.
Nhờ đó giúp nhận diện tên hàng hóa dịch vụ, phục vụ phân loại hóa đơn; tìm giá bất thường, phân tích giá bất thường giúp cơ quan thuế phát hiện những giao dịch đáng ngờ của người nộp thuế để tiến hành các biện pháp quản lý nghiệp vụ tiếp theo; xây dựng chuỗi doanh nghiệp có hoạt động mua bán liên quan đến hàng hóa, dịch vụ cụ thể sau khi tiến hành nhận diện tên hàng hóa dịch vụ.
Trong quá trình phân tích các chuỗi mua bán thử nghiệm, đối với mặt hàng tinh bột sắn, cơ quan thuế phát hiện chuỗi doanh nghiệp có rủi ro cao về xuất khống hóa đơn, trong đó có cả nhóm người nộp thuế là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Thứ tư, xây dựng công cụ hỗ trợ quản lý rủi ro về thuế của cá nhân thông qua tổ chức trả thu nhập.
Công cụ hỗ trợ cơ quan thuế rà soát thông tin người phụ thuộc trường hợp rủi ro, rà soát cá nhân có thu nhập chưa được khấu trừ thuế, chưa khai quyết toán thuế...; công cụ hỗ trợ sẽ tổng hợp thông tin toàn quốc của người nộp thuế để thông báo tổ chức trả thu nhập rà soát lại với cá nhân có thu nhập, kịp thời phát hiện rủi ro, xử lý vi phạm nếu có.