Làm thế nào để sách Việt Nam được bạn bè quốc tế đón nhận rộng rãi?
Một trong những giải pháp để sách Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn là phải cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, phát hành.
Làm thế nào để sách của Việt Nam bước ra thế giới, được bạn bè quốc tế đón nhận bằng nhiều cách là khát vọng và trăn trở lớn của các nhà xuất bản, cơ quản lý Nhà nước.
Vấn đề trên được nhấn mạnh tại Hội thảo Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, phát hành nhằm đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra sáng 9/10 do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức.
Xuất bản điện tử cần được quan tâm hơn
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thông qua những Hội chợ sách quốc tế như Hội chợ sách Frankfurt, Cục Xuất bản đang nỗ lực có nhiều hoạt động để biến khát vọng đưa sách Việt Nam vươn tầm thế giới trở thành hiện thực.
Bên cạnh việc thúc đẩy các hoạt động để đưa sách Việt Nam tới bạn bè quốc tế thì cũng cần chú trọng đến chất lượng sách. Vì vậy, không thể xóa bỏ quyết định phát hành sách, bởi nếu không thực hiện công đoạn này, chúng ta sẽ thả nổi chất lượng sách. Việc làm của các cơ quan, nhà xuất bản là cải thiện thủ tục để rút ngắn thời gian cấp quyết định phát hành sách.
Ngoài ra, xuất bản điện tử là vấn đề mà Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung trong thời gian tới. Theo đó, phải tạo điều kiện để các nhà xuất bản tham gia sân chơi này. Hiện nay với sự phát triển của các công cụ như smart phone, máy tính bảng… thì phải triển khai thế nào để chỉ cần mỗi smart phone có một cuốn sách thì chúng ta đã có 60 triệu sách.
Về đầu tư hỗ trợ xuất bản, ông Nguyễn Nguyên cho biết đang xem xét theo phương pháp Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hiện nay đã có tập đoàn trích 2% doanh thu một năm để hỗ trợ xuất bản. Nhiều dự án xuất bản khác cũng đang xem xét triển khai.
Việc xuất bản sách điện tử cũng sẽ giúp cho sách của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, ông Trần Chí Đạt, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Thông tin và Truyền thông cho rằng, khó khăn trong việc xuất bản sách điện tử xuất phát từ nhiều khúc mắc.
Hiện nay, một nhà xuất bản muốn làm sách điện tử phải đầu tư rất nhiều trang thiết bị, tốn kém, trong khi tiềm lực của nhiều nhà xuất bản không đủ đáp ứng. Đầu tư nhân lực công nghệ thông tin cũng đòi hỏi cao, trong khi nhân lực của nhà xuất bản về công nghệ còn yếu.
Trước những bất cập trên, ông Trần Chí Đạt đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước có thể cho các nhà xuất bản thuê hạ tầng, thuê dịch vụ làm sách điện tử từ công ty công nghệ. Như vậy các nhà xuất bản mới có thể tháo gỡ làm sách điện tử thuận lợi.
Cần đơn giản hóa thủ tục hành chính
Đề cập việc hỗ trợ các nhà xuất bản quảng bá sản phẩm sách, ông Nguyễn Kiểm, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, nguyên Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nêu quan điểm: Nhà nước nên cụ thể hóa cơ chế chính sách hỗ trợ các nhà xuất bản như cần có chính sách hỗ trợ với việc quảng bá xuất sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài.
Indonesia có dự án chi 4 triệu USD để dịch nhiều sách của họ giới thiệu ở Hội chợ sách Frankfurt. Việt Nam có thể tham khảo cách thức để đầu tư quảng bá cho sách Việt.
Nhìn nhận thực tiễn việc xuất bản trên thế giới, bà Trần Phương Thảo, Phó Tổng giám đốc công ty Thái Hà Books cho rằng, thị trường xuất bản toàn cầu 2018-2022 dự kiến đạt doanh thu khoảng 356 tỷ USD vào năm 2022. Xu thế ngày càng phổ biến là các nhà xuất bản chỉ in sách sau khi nhận được đơn đặt hàng.
Một xu thế đang phát triển mạnh mẽ đó là tự xuất bản sách qua Amazon. Tự xuất bản, tác giả tự quyết định khi nào sẽ ra sách. Họ không cần thông qua nhà xuất bản, công ty mà chỉ cần mã ISBN để tự xuất bản. Vì thế các nhà xuất bản cung cấp nền tảng thu hút các tác giả tự làm sách.
Ở Mỹ - quốc gia số một về xuất bản có audio book đang tăng trưởng mạnh mẽ, khi năm 2018 tăng 181,8% doanh thu so với 5 năm qua. Ở nước Anh, doanh thu audio book cũng tăng.
Phần lớn các nước trên thế giới, không cần bất cứ giấy phép nào từ phía nhà nước để cho phép xuất bản sách. Nhà xuất bản chỉ tập trung vào việc xuất bản sách phục vụ độc giả.
Các đơn vị xuất bản phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với sách mình làm ra. Chính phủ kiểm soát nội dung xuất bản phẩm bằng cách ban hành luật, chỉ rõ những nội dung bị cấm trên xuất bản phẩm.
Với việc xuất bản ở nước ta, bà Trần Phương Thảo đưa ra kiến nghị bỏ giấy phép phát hành, bỏ hợp đồng ba bên giữa nhà in - nhà xuất bản - đơn vị liên kết.
Bà Trần Phương Thảo mong muốn cơ quan quản lý nhà nước đơn giản hóa các thủ tục hành chính, xây dựng quỹ hỗ trợ dịch thuật. Phía các nhà Xuất bản In và Phát hành, Hội In, Hội Xuất bản đưa ra những quy chế hoạt động cho các đơn vị thành viên, bảo vệ các hoạt động kinh doanh lành mạnh của các thành viên trong hội và phía các kênh truyền thông thì tiếp cận thông tin một cách đa chiều./.