Làm thế nào để 'Thanh niên sống khỏe'?
ĐTO - Làm thế nào để “Thanh niên sống khỏe”? là nội dung được các đại biểu tập trung tham luận, thảo luận, chia sẻ thông tin tại Hội nghị chuyên đề “Thanh niên sống khỏe” năm 2024 do Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Tháp tổ chức vào ngày 24/9/2024.
“Thanh niên sống khỏe” có thể hiểu là cách sống lành mạnh cả về thể chất và tinh thần. Trong đó, mỗi thanh niên cần thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao; có chế độ ăn uống cân bằng và duy trì cân nặng hợp lý; ngủ đủ giấc, hạn chế sử dụng chất kích thích và giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ; tích cực học hỏi để mở mang kiến thức, duy trì tâm trạng tích cực và phát triển các kỹ năng sống; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện để tạo ra giá trị cho bản thân và cộng đồng.
Các yếu tố tác động đến thể chất và tinh thần của thanh niên
Lực lượng thanh niên đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhiều năm qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Tháp đã và đang triển khai các hoạt động, phong trào cách mạng như: “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”... Các phong trào này được cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa. Song song đó, thanh niên tỉnh nhà đã tích cực tham gia các nhiệm vụ chính trị, cống hiến trí tuệ, sức lực của mình vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay - thời đại công nghệ số, nhất là mạng xã hội (MXH) phát triển như vũ bão đã mang lại nhiều tiện ích cho xã hội nói chung và lực lượng thanh niên nói riêng, nhưng MXH cũng kéo theo nhiều áp lực đối với cuộc sống của giới trẻ, nhất là thanh niên từ sinh hoạt, học tập và các mối quan hệ xã hội... Do đó, đòi hỏi mỗi thanh niên phải tìm giải pháp để cân bằng, thích nghi, phát triển lành mạnh cả thể chất và tinh thần.
Chia sẻ những vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần (hay sức khỏe tinh thần) của thanh niên hiện nay, tại Hội nghị chuyên đề “Thanh niên sống khỏe” năm 2024, BS.CK2 Trần Văn Vinh - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đồng Tháp cho rằng, có 3 vấn đề về sức khỏe thể chất đáng lo ngại trong thanh niên hiện nay, đó là: Thứ nhất, thực trạng thanh niên ít vận động (theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ có 24,1% học sinh thực hiện hoạt động thể chất ít nhất 60 phút/ngày từ 5 ngày trở lên mỗi tuần. So với khuyến cáo này, nhiều thanh niên Việt Nam vẫn chưa đạt được mức độ hoạt động thể chất cần thiết để duy trì sức khỏe tốt. Hậu quả là sức khỏe thể chất bị ảnh hưởng, tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như béo phì, tiểu đường và các vấn đề về tim mạch). Thứ hai, chế độ ăn uống không lành mạnh, nhất là việc sử dụng quá nhiều đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn và đồ uống có ga đang trở thành một vấn đề sức khỏe đáng quan tâm ở thanh thiếu niên. Điều đáng lo ngại thứ ba là thuốc lá điện tử đang trở nên phổ biến trong giới trẻ và tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng.
Đối với sức khỏe tâm thần, BS.CK2 Trần Văn Vinh cho biết, một số vấn đề đáng quan tâm thường gặp về sức khỏe tâm thần của giới trẻ hiện nay là: áp lực học tập, nhất là vấn đề về điểm số, cùng với đó là những kỳ vọng không hề nhỏ từ phía gia đình sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe tâm thần của thanh niên. Hoặc áp lực đồng trang lứa được thể hiện qua việc so sánh thành tích học tập, sự nghiệp, cuộc sống cá nhân... điều này có thể tạo ra áp lực tâm lý và dẫn đến những hậu quả lâu dài về mặt tâm thần. Bạo lực tinh thần và bạo lực trên mạng như chỉ trích, xúc phạm hay đe dọa, trêu chọc về ngoại hình, kỳ thị cộng đồng... cũng có thể gây tổn thương tâm lý sâu sắc cho các bạn trẻ. Thiếu sự quan tâm từ gia đình sẽ khiến các em khó khăn hơn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ và chia sẻ. Đặc biệt là vấn đề nghiện MXH ở giới trẻ hiện nay (theo thống kê, giới trẻ tại Việt Nam sử dụng MXH trung bình 7 giờ/ngày, chủ yếu để giải trí); nếu sử dụng quá mức MXH sẽ làm giảm sự tương tác trực tiếp giữa con người với nhau, nhiều người trở nên lơ là, ảo tưởng về sức mạnh, khó kiểm soát, thiếu trách nhiệm, lệch lạc trong hành vi, dễ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức... Đồng thời, một số vấn đề sức khỏe tâm thần đang là gánh nặng đối với thanh thiếu niên hiện nay là tự làm hại bản thân như: đánh/đấm vật nhằm gây thương tích cho bản thân; cắt tay, cào mạnh, cạo da, phá hoại quá trình lành vết thương và tự làm bỏng mình, gây thương tích tới các chi, tổn thương mắt hoặc tự cắt bộ phận cơ thể; các triệu chứng của rối loạn tâm thần như lo âu và trầm cảm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý mà còn làm giảm khả năng học tập và phát triển cá nhân của thanh thiếu niên.
Làm thế nào để thanh niên sống khỏe?
Để cải thiện tình hình sức khỏe về thể chất và sức khỏe tâm thần/tinh thần của thanh niên, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ góp phần phát triển nhân cách toàn diện cho thanh niên.
Đồng chí Nguyễn Bình Minh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), cho biết: Thời gian qua, Sở VH,TT&DL đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển phong trào thể dục thể thao (TDTT) cho thanh niên; tổ chức nhiều hoạt động TDTT, rèn luyện sức khỏe từ cơ sở đến tỉnh, xây dựng lực lượng thanh niên là huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên tham dự các giải thể thao khu vực, quốc gia, quốc tế đạt nhiều thành tích tốt và thực hiện phương châm “Mỗi vận động viên là đại sứ hình ảnh Đất Sen hồng”. Sở VH,TT&DL tích cực phối hợp với Tỉnh đoàn tập trung thực hiện đạt các mục tiêu lớn về phát triển TDTT, rèn luyện thể chất và tinh thần, ý chí phấn đấu cho lực lượng thanh niên. Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, Sở VH,TT&DL tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phối hợp với Tỉnh đoàn trong các phong trào TDTT, lấy lực lượng thanh niên làm nòng cốt tham gia tập luyện và thi đấu TDTT nhằm nâng cao sức khỏe để học tập, lao động và bảo vệ Tổ quốc; mỗi thanh niên tự chọn cho mình một môn thể thao yêu thích, tự giác tập luyện phù hợp hàng ngày để rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần cho thanh niên.
Đồng chí Đoàn Tấn Bửu - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp, chia sẻ: Có thể khái quát, sức khỏe có 3 thành tố chính đó là sự an lạc, thoải mái về “sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần và sức khỏe xã hội”. Tuy nhiên, đối với thanh niên hiện nay thường quan tâm đến sức khỏe thể chất là chính mà ít chú ý đến sức khỏe tâm thần, trong khi đó sức khỏe tâm thần là yếu tố rất quan trọng, nó tác động trực tiếp đến kết quả học tập và làm việc của mỗi thanh niên. Do đó, sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần, sức khỏe xã hội có sự gắn kết, đảm bảo hài hòa và thoải mái thì chúng ta mới thích ứng với công việc và học tập. Để thanh niên có trạng thái sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần và sức khỏe xã hội tốt thì có nhiều yếu tố, trong đó, mỗi thanh niên cần phải có chế độ ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc (từ 6 - 8 tiếng/ngày), tập thể lực đều đặn hàng ngày như đi bộ, đạp xe, chơi môn thể thao mà mình yêu thích... Song song đó, mỗi thanh niên phải có suy nghĩ tích cực, không đặt nặng vấn đề quá cao về thành tích học tập, công việc nhằm tạo sự cân bằng, bình tĩnh, thoải mái về tâm lý và chọn lựa những công việc phù hợp với bản thân.
Nâng cao sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần cho thanh niên là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần phối hợp đồng bộ, toàn diện các giải pháp nâng cao nhận thức, tạo môi trường lành mạnh, chăm sóc sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần thông qua mở rộng các dịch vụ tư vấn sức khỏe, tâm lý cho thanh niên. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự nỗ lực của bản thân mỗi thanh niên, sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Tất cả những điều này không chỉ góp phần cải thiện sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của thanh niên mà còn là những bước tiến quan trọng trong xây dựng xã hội khỏe mạnh, năng động và hạnh phúc; mỗi cá nhân đều có cơ hội để phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/suc-khoe/lam-the-nao-de-thanh-nien-song-khoe--126230.aspx