Làm thế nào để vượt qua được 'bẫy' giảm giá?

Vừa qua, tại Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2023, trích dẫn báo cáo mới nhất về hành vi tiêu dùng, khảo sát của Nielsen IQ Việt Nam cho thấy đa phần người tiêu dùng đều có xu hướng mua sắm nhiều nhất vào các ngày sale lớn và tìm đến sàn thương mại điện tử vì các mã giảm giá.

Các gian hàng tại Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2023. Ảnh: Ngô Sơn

Các gian hàng tại Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2023. Ảnh: Ngô Sơn

Khách hàng sẵn sàng đợi đến ngày siêu sale để mua hàng

Tại Việt Nam, ngành hàng sức khỏe và sắc đẹp là nhóm sản phẩm được săn sale nhiệt tình nhất. Về ngành hàng, có 34% người tiêu dùng Việt sẽ ưu tiên lựa chọn sản phẩm quần áo/thời trang để mua sắm trong ngày hội siêu sale. Ngành hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp là nhóm sản phẩm được săn đón nhiều nhất.

Các yếu tố góp phần thúc đẩy hành vi mua hàng không chỉ có khuyến mãi đặc biệt mà còn phải kể đến giao hàng miễn phí, đa dạng mẫu mã và giá sản phẩm, quảng cáo sản phẩm. Cũng theo Nielsen IQ Việt Nam, tăng trưởng FMCG - ngành hàng tiêu dùng nhanh trong năm nay chỉ còn ở mức một con số, so với các năm trước. Áp lực về tăng giá và lạm phát khiến người tiêu dùng chi tiêu ít đi, tìm kiếm tới các kênh mua sắm có nhiều ưu đãi giảm giá nhiều hơn, cụ thể là kênh thương mại điện tử.

Năm nay, người tiêu dùng có xu hướng mua các mặt hàng thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, đồ uống nhiều hơn trên các nền tảng thương mại điện tử. Điều này trái ngược với 5 - 6 năm trước khi thương mại điện tử mới nổi, thường chỉ được dùng để mua đồ thời trang hay công nghệ.

Tuy nhiên, có một vấn đề khá đau đầu đối với DN. Đó là việc người tiêu dùng tìm đến kênh thương mại điện tử vì mã giảm giá chứ không hẳn là lựa chọn hàng đầu của họ. Theo nghiên cứu của Nielsen IQ, 96% người được khảo sát cho biết họ đã từng tham gia các sự kiện mua sắm. Trong đó, có 64% người tham gia ngày sale double-day (ngày trùng tháng như 11/11), 14% tham gia sale hàng tháng, 12% mua sắm trong ngày được trả lương.

Ông Lê Hoàng Long - Trưởng bộ phận nghiên cứu bán lẻ FMCG của Nielsen IQ Việt Nam cho rằng, liệu các chương trình giảm giá có phải là một chiến lược bền vững? Thực tế đã chứng minh rằng nếu dừng giảm giá, người tiêu dùng sẽ không chọn mua sắm trên nền tảng đó nữa. Vậy thì làm sao để chúng ta vượt qua cái bẫy giảm giá?

Để giải quyết được điều này, các nhãn hàng cần tập trung giải quyết khúc mắc của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ giao hàng và độ tin cậy của người bán. Nhãn hàng cần sáng tạo và đổi mới, tìm cách mang tới nhiều giá trị cho khách hàng nhiều hơn, chẳng hạn xu hướng mua sắm qua livestream là một ví dụ.

Các thương hiệu nên phát triển nhiều nền tảng chứ không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Một người tiêu dùng trung bình biết tới 5 nền tảng thương mại điện tử và họ giao dịch trung bình trên 4 nền tảng, điều đó cho thấy nhãn hàng phải có chiến lược phát triển phù hợp, đa nền tảng.

Những nguyên tắc tối thiểu để không bị sập bẫy khuyến mãi ảo

Đối với người tiêu dùng, trong cơn bão khuyến mãi đến từ các DN, sẽ có rất nhiều cửa hàng, đơn vị kinh doanh ồ ạt tung khuyến mãi, thu hút người tiêu dùng.

Do đó, người tiêu dùng vẫn cần lưu ý những nguyên tắc tối thiểu để đảm bảo không bị sập bẫy khuyến mãi ảo, khuyến mãi gian dối, bị lừa mua hàng bởi các thông tin dụ dỗ, lừa dối, chế độ bảo hành không như cam kết... đến từ những đơn vị kinh doanh thiếu uy tín.

Trước hết, khi đã xác định được mặt hàng cần mua, người tiêu dùng cần truy cập vào các trang so sánh giá như Topgia.vn, Websosanh.vn… để biết được mức giá mới nhất của cùng một sản phẩm đang được bán trên thị trường.

Sau đó, người tiêu dùng cần gọi điện trực tiếp tới địa chỉ bán hàng, gặp nhân viên bán hàng để hỏi kỹ về giá cuối cùng cũng như các khuyến mãi đi kèm. Lý do là hiện nay nhiều DN thường để giá bán trên website không phải là giá bán cuối cùng tốt nhất.

Khi đã lựa chọn được địa chỉ có giá bán tốt nhất, cần kiểm tra thêm đó có phải là địa chỉ uy tín, có thương hiệu hay không.

Lựa chọn tìm hiểu kỹ về cửa hàng, đơn vị kinh doanh uy tín rất quan trọng để có thể hạn chế việc quyền lợi bị xâm phạm về sau (như sản phẩm chất lượng kém không đúng với quảng cáo, không được bảo hành, bị DN phủi trách nhiệm ngay sau khi hàng được bán ra).

Khi tiến hành thanh toán, nếu chưa tin tưởng vào DN bán hàng, người tiêu dùng có thể lựa chọn hình thức trả tiền sau khi nhận hàng (COD), không thanh toán ngay qua kênh online để tránh tình trạng DN làm ăn chụp giật giao hàng kém chất lượng, sản phẩm không đúng với mặt hàng đã đặt mua.

Bên cạnh đó, giữa cơn bão khuyến mãi hấp dẫn đang đổ bộ dịp cuối năm, người tiêu dùng nên tính toán để mua sắm thông minh hơn, cần tập trung vào những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thực sự cần thiết, thay vì mạnh tay chi tiền chỉ vì sản phẩm được giảm giá.

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/lam-the-nao-de-vuot-qua-duoc-bay-giam-gia-362406.html