Làm thế nào để xây dựng văn hóa giao thông?

Văn hóa giao thông được cho là biện pháp quan trọng nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Bên cạnh sự nỗ lực của các ngành, địa phương, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm để góp phần xây dựng văn hóa giao thông.

Việc tuyên truyền về an toàn giao thông cần được đổi mới nội dung, phù hợp từng đối tượng. Trong ảnh: Hội thi "Bé với an toàn giao thông" cấp mầm non năm học 2022-2023 cụm Thái Học (Bình Giang)

Việc tuyên truyền về an toàn giao thông cần được đổi mới nội dung, phù hợp từng đối tượng. Trong ảnh: Hội thi "Bé với an toàn giao thông" cấp mầm non năm học 2022-2023 cụm Thái Học (Bình Giang)

Văn hóa giao thông được hình thành từ ý thức tự giác, tinh thần thượng tôn pháp luật, cách ứng xử đúng mực khi tham gia giao thông. Đây được cho là biện pháp quan trọng nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.

Văn hóa "lùn"

Chỉ trong tháng 2, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông do va chạm với ô tô dừng đỗ bên đường khiến 3 người tử vong. Vụ thứ nhất xảy ra lúc 23 giờ 20 ngày 2.2 tại km 43 + 300, quốc lộ 5 chiều Hải Phòng - Hà Nội thuộc địa phận thị trấn Lai Cách khiến nam thanh niên sinh năm 2001 ở thị trấn Cẩm Giang (cùng huyện Cẩm Giàng) tử vong.

Vụ thứ 2 xảy ra vào 6 giờ 20 ngày 3.2 tại km 15+700, đường tỉnh 390 thuộc địa phận phường Ái Quốc khiến một phụ nữ sinh năm 1976 ở xã Quyết Thắng (cùng TP Hải Dương) tử vong. Vụ thứ 3 xảy ra vào 22 giờ ngày 7.2 tại km 23 +200 đường tỉnh 390 thuộc thôn Đông Phan, xã Tân An khiến thanh niên sinh năm 1991 ở khu 7, thị trấn Thanh Hà (cùng huyện Thanh Hà) tử vong.

Theo quy định khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải có tín hiệu báo cho người khác biết; cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình. Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết.

Trong 3 vụ tai nạn giao thông kể trên, chỉ có 2 lái xe có đèn cảnh báo khi dừng ven đường, còn vụ ở thị trấn Lai Cách là do xe ô tô dừng đỗ sai quy định.

Không chỉ vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông (ATGT), nhiều trường hợp khi va chạm giao thông đã mất đi nét “thanh lịch”. Ngày 13.2 vừa qua, dân mạng xôn xao về một vụ việc xảy ra ngay gần trụ sở UBND phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương). Sau cú va chạm với ô tô, một người phụ nữ mở cửa xe, tát lái xe ô tô rồi mắng sa sả. Sau cái tát đầu, người đàn ông lặng lẽ quay lại xe nhưng vẫn bị người phụ nữ lao tới lôi lại và tát liên tiếp vào mặt. Đoạn clip khi đăng tải khiến nhiều người bày tỏ thái độ bức xúc trước hành vi ứng xử thiếu văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông của người phụ nữ.

Người phụ nữ tát tới tấp vào mặt lái xe ô tô (Ảnh cắt từ clip)

Người phụ nữ tát tới tấp vào mặt lái xe ô tô (Ảnh cắt từ clip)

Tuy nhiên sau đó, một đoạn clip khác được đăng tải đã giúp mọi người có cái nhìn thấu đáo hơn. Đoạn video này ghi lại cảnh trước đó, tại một khúc cua, người lái xe ô tô đã có pha chèn ép người phụ nữ trên khiến tay lái của người phụ nữ loạng choạng. Cú va chạm tại nơi dừng chờ đèn đỏ sau đó là "giọt nước tràn ly" khiến người phụ nữ này không thể chịu đựng thêm nữa.

Nhiều người không khỏi thở dài ngao ngán trước trình lái xe quá tệ của người đàn ông lái ô tô. Song cũng có ý kiến cho rằng, khi xảy ra sự cố trong quá trình tham gia giao thông, mọi người cần bình tĩnh hơn, không nên dùng bạo lực để xử lý.

Chị Vũ Thị Hồng Thu ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) chia sẻ: “Hiện nay, văn hóa tham gia giao thông của một số người còn kém. Tôi đã nhiều lần chứng kiến người tham gia giao thông cố tình vượt đèn đỏ dù chỉ còn vài giây. Nhiều người vừa đi vừa nghe điện thoại, không tập trung lái xe. Có trường hợp khi xảy ra va chạm thì bỏ trốn, hoặc cãi vã, gây gổ đánh nhau…”.

Tuyên truyền đi đôi với xử lý

“Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” là chủ đề năm ATGT 2023. Với ý nghĩa đó, trong kế hoạch năm ATGT 2023, Ban ATGT tỉnh tiếp tục đặt trọng tâm vào đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả. Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, ATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Văn Tùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh, triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn tỉnh năm 2023, Ban ATGT tỉnh đề nghị các sở, ngành, đoàn thể là thành viên Ban ATGT tỉnh; Ban ATGT các địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và nhân dân; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Tập trung tuyên truyền về ý thức chấp hành pháp luật giao thông, cách ứng xử văn hóa, xử lý tình huống an toàn đối với người lao động, thanh thiếu niên, học sinh thường xuyên tham gia giao thông…

Cùng với công tác tuyên truyền, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tiếp tục được lực lượng chức năng thực hiện nghiêm. Đặc biệt là những hành vi vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, chở hàng quá tải, cơi nới thành thùng xe… Trong 2 tháng đầu năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 2.038 trường hợp vi phạm trật tự, ATGT, xử phạt gần 5,9 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 533 trường hợp, tạm giữ 580 phương tiện. Lực lượng Thanh tra giao thông và Trung tâm Điều hành và Giám sát giao thông vận tải Hải Dương phát hiện 93 trường hợp vi phạm, xử phạt 561 triệu đồng.

Cùng với tuyên truyền, lực lượng chức năng tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong ảnh: Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn lái xe

Cùng với tuyên truyền, lực lượng chức năng tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong ảnh: Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn lái xe

Để xây dựng văn hóa giao thông, bên cạnh sự nỗ lực của các ngành, địa phương, bản thân mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông, không chỉ vì lợi ích bản thân mà còn vì sự an toàn của những người khác.

HÀ NGA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/giao-thong---do-thi/lam-the-nao-de-xay-dung-van-hoa-giao-thong-228514