Làm thêm trong mùa thực tập: Sinh viên phải chọn giữa tiền bạc và sức khỏe
Tại Hà Nội, nhiều sinh viên năm cuối đang bước vào mùa thực tập giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình học tập. Nhưng thay vì chỉ tập trung cho chuyên môn, không ít người còn phải gồng gánh thêm một 'công việc phụ' đi làm thêm, để tự nuôi chính mình. Giữa bài học nghề nghiệp và bài toán tài chính, sức khỏe và thời gian của những sinh viên này đang bị bào mòn từng ngày.
Khi kỳ thực tập trở thành gánh nặng tài chính của sinh viên
Thực tập - về lý thuyết là giai đoạn sinh viên được tiếp cận với môi trường nghề nghiệp để thực hành, nhằm vận dụng kiến thức đã học vào công việc. Tuy nhiên, trong thực tế, đặc biệt với những ngành đặc thù như y tế, sư phạm, báo chí, công tác xã hội…, thực tập đang vô hình bị biến thành một dạng lao động không công kéo dài. Sinh viên làm việc toàn thời gian trong môi trường áp lực, đảm nhận nhiều đầu việc như một nhân sự chính thức, nhưng không nhận được bất kỳ thù lao hay hỗ trợ tài chính nào.
Mặc dù không được trả lương, nhiều sinh viên còn phải tự chi trả các khoản phí phát sinh như: đi lại, ăn uống, in ấn tài liệu, mua đồng phục, dụng cụ hỗ trợ thực hành… dẫn đến áp lực tài chính ngày càng lớn. Theo một khảo sát nhỏ được thực hiện với 30 sinh viên năm cuối đến, có đến 18 người đang phải đi làm thêm trong suốt thời gian thực tập, trong số đó, 12 người cho biết họ thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng kéo dài.

Nhiều sinh viên áp lực, mệt mỏi kéo dài trong thời điểm nhạy cảm năm cuối đại học (Ảnh: Mỹ Phương)
Hà Trang (sinh viên năm cuối ngành Quản trị kinh doanh) chia sẻ: "Thực tập toàn thời gian nhưng mình không được hỗ trợ gì. Một tháng mình tiêu gần 6 triệu cho tiền ăn, trọ, xăng xe, tài liệu. Gia đình chỉ giúp được một phần nhỏ, còn lại mình phải tự xoay. Không đi làm thêm thì mình không đủ sống, không đủ đóng tiền nhà."
Thực tập và làm thêm cùng lúc khiến sinh viên kiệt sức
Vừa phải hoàn thành công việc thực tập, vừa gồng gánh thêm việc làm ngoài để trang trải chi phí khiến không ít sinh viên rơi vào tình trạng kiệt sức. Thiếu ngủ, ăn uống thất thường, mất khả năng tập trung là những biểu hiện phổ biến. Đặc biệt, áp lực "hai đầu" giữa nhiệm vụ học tập và nhu cầu tài chính, khiến họ liên tục phải chọn hy sinh một trong hai: hoặc bỏ việc làm thêm để kịp hoàn thành báo cáo, hoặc vắng mặt ở nơi thực tập để duy trì thu nhập.
Minh Nghĩa (sinh viên ngành Công nghệ thông tin tại một trường đại học công lập) kể lại: "Tôi từng ngất xỉu ngay trong buổi thực tập vì không ngủ suốt hai đêm liền. Vừa phải lập trình, vừa đi làm thêm, người thì mệt mà vẫn không dám nghỉ."
Trong bối cảnh áp lực chồng chất, một số sinh viên đã chọn cách đối phó: xin xác nhận thực tập "khống", sao chép báo cáo từ bạn bè, hoặc chỉ "điểm danh lấy lệ". Đây là hệ quả trực tiếp của sự thiếu đồng bộ giữa yêu cầu học thuật và thực trạng kinh tế của người học. Khi yêu cầu thực tập quá nặng nề, trong khi hỗ trợ gần như bằng không, không khó hiểu khi sinh viên buộc phải tìm lối thoát bất chấp rủi ro đạo đức học đường.
Giải pháp: Hỗ trợ thực chất, không chỉ nằm trên giấy
Một số trường đại học ở Hà Nội đã có những bước đầu nhận diện vấn đề. Chẳng hạn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từng thí điểm cấp suất ăn trưa cho sinh viên thực tập tại các trường vùng xa, tuy nhiên chương trình chỉ kéo dài trong một học kỳ và với số lượng giới hạn. Đại học Y Hà Nội từng đề xuất hỗ trợ sinh viên thực tập bệnh viện bằng hình thức cấp học bổng theo năng lực, nhưng chưa đủ để bù chi phí tối thiểu.

Một số doanh nghiệp đã chủ động đưa thêm phúc lợi cho sinh viên (Nguồn: Ảnh chụp màn hình)
Về phía doanh nghiệp, một số đơn vị trong lĩnh vực truyền thông, marketing đã bắt đầu áp dụng mô hình "thực tập có hỗ trợ" với mức chi trả từ 1-3 triệu đồng/tháng, kèm theo phụ cấp ăn trưa. Tuy nhiên, điều này hiếm khi xảy ra với các lĩnh vực như giáo dục và y tế – nơi sinh viên thực tập thường kéo dài từ 3 đến 6 tháng và khối lượng công việc cao.
Đã đến lúc cần có cái nhìn nghiêm túc và suy xét hơn đối với hoạt động thực tập. Nhà trường cần tính đến các chính sách hỗ trợ thiết thực, như trợ cấp tối thiểu, liên kết với doanh nghiệp có trả lương, hoặc tạo điều kiện linh hoạt về thời gian. Đồng thời, cơ quan tiếp nhận sinh viên cần được khuyến khích hoặc ràng buộc trong việc hỗ trợ kinh phí, không chỉ đơn thuần xem sinh viên như nguồn nhân lực "tình nguyện".
Thực tập là một bước quan trọng trong hành trình đào tạo sinh viên, giúp họ tiếp cận thực tiễn nghề nghiệp trước khi chính thức bước vào thị trường lao động. Việc thiếu vắng cơ chế hỗ trợ cụ thể đang đẩy sinh viên vào thế phải "tự xoay", tự gồng gánh giữa yêu cầu học thuật và mưu sinh hàng ngày.
Khoảng thời gian quý báu này không nên là cuộc đánh đổi mất cân đối giữa kỳ vọng và điều kiện. Nếu mong muốn một thế hệ sinh viên được chuẩn bị tốt cho tương lai, ta cần bắt đầu bằng việc tạo cho họ một môi trường học tập và thực hành công bằng và có thể chịu đựng được.