Làm tốt công tác dự báo để kiểm soát lạm phát

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội đã xảy ra tình trạng tăng giá cục bộ. Về cơ bản hiện tượng này đã được ngăn chặn. Cơ quan chức năng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá; làm tốt công tác dự báo...

Có tình trạng tăng giá cục bộ

Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, hàng hóa thiết yếu tăng đẩy CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 7 tăng 0,62%. Nếu so với tháng 12/2020, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2021 tăng 2,25% và tăng 2,64% so với tháng 7/2020. Tính chung 7 tháng năm 2021, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Giảm tiền điện sinh hoạt 10 - 15%
trong 2 tháng

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giảm tiền điện cho các khách hàng dùng điện sinh hoạt ở các tỉnh, thành phố đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16 với mức giảm 10 - 15% trong 2 tháng. Đây là đợt thứ 4 giảm giá tiền điện để hỗ trợ người dân kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 đến nay. Tập đoàn điện lực Việt Nam dự tính, tổng số tiền giảm trong lần thứ 4 này khoảng 2.500 tỷ đồng. Tính chung 4 đợt, tổng số tiền hơn 16.300 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, giá lương thực, thực phẩm tăng tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội; giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; điện sinh hoạt tăng theo nhu cầu là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,62% so với tháng 6. Một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 nên người dân có tâm lý lo ngại thiếu hàng hóa đã tăng mua tích trữ, đẩy CPI tháng 7 tăng.

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, vừa qua, thời điểm một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 đã xảy ra hiện tượng tăng giá một số mặt hàng, chủ yếu do nguồn cung bị gián đoạn và nhu cầu mua sắm tích trữ nhu yếu phẩm của người dân tăng cao nên tại một số thời điểm chưa kịp đáp ứng đủ nhu cầu. Tình hình này đã kịp thời được ngăn chặn, các cơ quan chức năng quản lý thị trường đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết và xử lý nghiêm các hiện tượng tăng giá bất hợp lý; qua đó, kịp thời bảo đảm đời sống người dân trong tình trạng dịch bệnh.

Đây chỉ là hiện tượng mang tính cục bộ tại một số địa phương. Tuy nhiên, cùng với việc phải giãn cách, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu cầu thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh; không để thiếu hàng hóa, ách tắc lưu thông.

Những gói hỗ trợ kịp thời

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông. Các doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ gói dịch vụ viễn thông lên tới gần 10 ngàn tỷ đồng. Gói hỗ trợ này sẽ được triển khai từ ngày 5/8/2021 và kéo dài trong 3 tháng.

Một tin vui nữa là Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giảm tiền điện cho các khách hàng dùng điện sinh hoạt ở các tỉnh, thành phố đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16 với mức giảm 10 - 15% trong 2 tháng. Đây là đợt thứ 4 giảm giá tiền điện để hỗ trợ người dân kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 đến nay. Tập đoàn điện lực Việt Nam dự tính, tổng số tiền giảm trong lần thứ 4 này khoảng 2.500 tỷ đồng. Tính chung 4 đợt, tổng số tiền hơn 16.300 tỷ đồng.

Đến nay, đã có một số địa phương quyết định giảm giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn, hỗ trợ người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là tại các nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, việc giãn cách khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập giảm sút. Chính vì vậy, việc giảm tiền điện, tiền nước cho các hộ gia đình, khu vực cách ly có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ một cách kịp thời, nhanh chóng đối với người dân vùng dịch. Ông cũng đánh giá cao đến việc giảm 100% tiền điện cho những cơ sở điều trị, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Đối với tiền nước, có ý kiến đề nghị nên miễn, giảm 100% tiền nước cho các hộ nghèo, cận nghèo và các khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian 3 tháng.

Việc triển khai kịp thời các gói hỗ trợ trong bối cảnh hiện nay sẽ góp phần quan trọng giảm đà tăng của CPI. Ở đâu đó, vẫn còn một số nơi do nguồn cung hàng hóa khó khăn bởi yêu cầu giãn cách xã hội ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, nên giá cả tăng cục bộ. Nhưng về cơ bản, các trường hợp vi phạm nếu bị phát hiện các cơ quan quản lý đều xử phạt nghiêm minh.

Tăng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân

Thời gian qua, với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) đã kịp thời tham mưu triển khai công tác quản lý, điều hành giá trên quan điểm thận trọng, đảm bảo hài hòa các mục tiêu chung; phấn đấu thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa giữ bình ổn mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về cơ bản, 7 tháng qua, các mặt hàng do Nhà nước định giá tiếp tục được giữ ổn định, chưa xem xét tăng giá nhằm tạo điều kiện cho công tác kiểm soát lạm phát. Một số hàng hóa dịch vụ quan trọng thiết yếu tiếp tục được đề xuất giảm giá để hỗ trợ nền kinh tế như: kéo dài quy định miễn thu hoặc giảm giá đối với một số dịch vụ chứng khoán, giảm giá tiền điện cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid 19; tăng chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc thực hiện các giải pháp bình ổn giá các mặt hàng có xu hướng tăng cao như thép xây dựng, phân bón... và gần đây là việc tăng giá cục bộ tại một số địa phương. Qua đó, các giải pháp đã giữ cho mặt bằng giá 7 tháng đầu năm ở mức hợp lý, tạo dư địa thuận lợi cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2021 ở mức dưới 4%, theo mục tiêu Quốc hội đặt ra.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, trong thời gian còn lại của năm 2021, công tác điều hành giá vẫn phải chủ động, linh hoạt, giữ lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới do xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược. Dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể tác động làm giá cả một số mặt hàng biến động cục bộ tại một số thời điểm tại địa phương bị ảnh hưởng.

Các giải pháp trọng tâm cần triển khai đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá chỉ đạo, nhất quán từ đầu năm. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt khâu tổ chức thực hiện để đạt được kết quả cao; Chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch bệnh cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đánh giá, cập nhật kịch bản điều hành giá cho nửa cuối năm để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là việc tính toán, điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2021-08-06/lam-tot-cong-tac-du-bao-de-kiem-soat-lam-phat-108834.aspx