Làm tốt công tác quy hoạch để phân bổ lại không gian phát triển, sắp xếp lại nguồn lực
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung trong năm 2022 để tạo bước phát triển mới cho các ngành, các vùng và quốc gia trong giai đoạn tới.
Hoàn thành tốt, có chất lượng các nhiệm vụ được giao của năm 2021
Sáng 10/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp giao ban dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhằm đánh giá kết quả công tác năm 2021 và bắt tay vào triển khai ngay các nhiệm vụ trong quý I/2022 và cả năm 2022.
Theo Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm 2021-2025 về phát triển kinh tế - xã hội; các kế hoạch 5 năm về đầu tư công, cơ cấu lại nền kinh tế... nhưng đất nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ dịch bệnh Covid-19, hệ quả và những ảnh hưởng từ áp dụng biện pháp phòng, chống dịch, tác động sâu rộng, toàn diện tới tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội.
Trong bối cảnh đó, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động nghiên cứu, dự báo tình hình, xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế, kịp thời đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo an sinh xã hội, tranh thủ thời cơ phục hồi và phát triển nền kinh tế. Nhiều nhiệm vụ khó, lớn, chưa từng có tiền lệ đã được Bộ chủ động thực hiện, hoàn thành, đảm bảo tiến độ và chất lượng với một số điểm nổi bật.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp giao ban sáng 10/2 (Ảnh: Đức Trung)
Theo đó, trong năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng, cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành các văn bản quan trọng như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, ban hành 05 Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với một số tỉnh, thành phố.
Bộ cũng đã đề xuất sửa đổi 06 luật, trình Chính phủ 12 Nghị định sửa đổi bổ sung và 09 Nghị quyết..., chủ trì xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đến năm 2023; Chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình; Đề án thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc0 lập và một số cơ chế, chính sách đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Đặc biệt, Bộ đã tham mưu nhiều giải pháp mạnh, có trọng tâm, trọng điểm nhưng linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngoài công tác chuyên môn, các tổ chức, đơn vị trong Bộ đã nỗ lực thực hiện và hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng trong công tác đảng, công đoàn, tổ chức cán bộ, cải cách hành chính, văn phòng...
Các ý kiến của chuyên gia, thành viên Tổ tư vấn của Bộ trưởng tại cuộc họp đánh giá, Bộ đã hoàn thành tốt, có chất lượng các nhiệm vụ được giao của năm 2021; thực hiện tốt công tác xây dựng Chương trình công tác của Bộ, hoàn thành nhiều đề án, báo cáo lớn theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Vói số lượng đề án được giao luôn nhiều nhất, Bộ đã hoàn thành toàn bộ 64/64 đề án được giao (đạt tỷ lệ hoàn thành 100%), chiếm khoảng 14% tổng số đề án Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ (466 đề án, nhiệm vụ) trong Chương trinh công tác năm 2021.
Làm tốt công tác quy hoạch để tạo bước phát triển cho giai đoạn tới
Phát biểu về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh một số vấn đề.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-BKHĐT ngày 10/01/2022 để quán triệt tổ chức khẩn trương triển khai thực hiện với phương châm hành động là “Phục hồi hiệu quả, Phát triển bền vững”. Theo đó, cần tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được của giai đoạn vừa qua, nỗ lực đổi mói, sáng tạo, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, tập trung triển khai 17 nhóm nhiệm vụ trọng tâm với 72 chương trình, đề án, nhiệm vụ cụ thể.
Trước hết là thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù Bộ đã bắt tay cùng các bộ ngành để triển khai, song đây là nhiệm vụ vô cùng khó.
Thứ hai là công tác quy hoạch với một khối lượng công việc khổng lồ, Quốc hội đã yêu cầu trong năm 2022 phải hoàn thành tất cả quy hoạch các cấp, từ quốc gia, 6 vùng kinh tế, 38 ngành, 63 tỉnh thành.
“Vai trò, trách nhiệm của Bộ chúng ta với chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch, chúng ta có điều phối, điều hòa, tham mưu cho Chính phủ, các cấp các ngành thực hiện được không? Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát chuyên đề về công tác quy hoạch, do đó cần tập trung vào chất lượng. Đây là cơ hội để sắp xếp lại, phân bổ lại không gian phát triển, sắp xếp lại nguồn lực để thực hiện bước phát triển mới cho các ngành, các vùng và quốc gia trong giai đoạn tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ ba là vấn đề thể chế, cũng là vấn đề Thủ tướng quan tâm, đó là làm thế nào để khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, bao gồm cả đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và đầu tư công. Chúng ta đã, đang làm và phải tiếp tục làm.
Thứ tư là phát triển doanh nghiệp, các thành phần kinh tế. “Doanh nghiệp nhà nước đã phát triển tương xứng chưa? Doanh nghiệp tư nhân còn yếu, năng lực, sức cạnh tranh, liên kết, tham gia chuỗi giá trị, không kết nối được với doanh nghiệp FDI. Hộ kinh doanh, hợp tác xã còn manh mún, chưa có đường hướng phát triển”, Bộ trưởng đặt vấn đề.
Thứ năm là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. “Những hạn chế, yếu kém nội tại của chúng ta chủ yếu xoay quanh vấn đề này”, Bộ trưởng nói.
Thứ sáu là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bộ trưởng yêu cầu cần tập trung trong thời gian tới.
Về dài hạn, cần tập trung triển khai các nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tận dụng FTA, tận dụng thời kỳ dân số vàng, gắn kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.
“Tại sao tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng, tại sao năng suất chưa cao, cơ cấu còn chậm, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa đạt yêu cầu, khoa học công nghiệp chưa tương xứng, đáp ứng kỳ vọng?”
Những câu hỏi này nằm trên vai người làm công tác kế hoạch, nghiên cứu, tham mưu tổng hợp chiến lược, để tham mưu cho được, giúp Đảng, Nhà nước, Chính phủ giải những bài toán này, như thế mới xứng đáng với vai trò, vị trí của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cũng trong sáng 10/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thủ tướng ghi nhận những thành quả đạt được của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2021 (Ảnh: Đức Trung)
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, ghi nhận những thành quả đạt được của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2021; đánh giá cao sự đoàn kết thống nhất, chấp hành rất nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, trong đó có Quốc hội, Chính phủ và sự nỗ lực của mỗi cá nhân vượt qua khó khăn để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Với vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp, Bộ đã thực hiện khối lượng công việc lớn, các nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19; chủ trì soạn thảo văn kiện và cụ thể hóa Chương trình hành động để thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Chủ trì xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đã được các cấp thẩm quyền ban hành (Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ).
Đề cập đến những khó khăn, thách thức trong 2022 và những nhiệm vụ trọng tâm như triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; thực hiện các nhiệm vụ tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các các cân đối lớn; thu hút đầu tư nước ngoài; công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng; hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng nền kinh tế xanh, chuyển đổi xanh về năng lượng…, Thủ tưởng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn, tập thể lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cán bộ công chức, viên chức, người lao động của ngành nói chung và của Bộ nói riêng tiếp tục cố gắng hơn, nỗ lực, đoàn kết thống nhất hơn nữa để hoàn thành công việc nặng nề của năm 2022.