Làm tốt giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ công trình điện

Theo thống kê của ngành điện Bình Dương, hiện có 73% sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh phục cho sản xuất công nghiệp. Ngành điện đã chủ động đầu tư trạm biến áp, đường dây để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao hàng năm nhưng do vướng công tác giải phóng mặt bằng nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án công trình điện.

Giải pháp trước mắt hiện nay của ngành điện là vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, sử dụng các thiết bị trong giờ thấp điểm cũng như cam kết điều chỉnh phụ tải phi thương mại (DR), dịch chuyển phụ tải để kịp thời xử lý trong trường hợp cần thiết.

Hơn 30% máy biến áp 110kV hoạt động đầy tải

Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, 73% sản lượng điện trên địa bàn tỉnh phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Hiện Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD) đang quản lý, vận hành hệ thống điện đường dây 110kV với 61 tuyến, tổng chiều dài 451 km, 29 trạm biến áp (TBA) 110kV, tổng dung lượng 3.406 MVA và 9 TBA của khách hàng với tổng dung lượng 842 MVA. Công ty còn quản lý 4.905km đường dây 22kV, 5.034km đường dây hạ thế, 25.474 TBA phân phối…

Lễ ký kết triển khai thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ giữa Công ty Điện lực Bình Dương và Sở Công thương tỉnh Bình Dương

Ông Lê Minh Quốc Việt, Giám đốc PCBD cho biết, từ đầu năm đến nay công suất Pmax hệ thống có thời điểm đạt 2.805 MW, tăng 11,68 % so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng điện lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 đạt gần 6,7 tỷ kWh, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Trước nhu cầu điện sử dụng tăng cao hàng năm, hiện có 19/62 MBA 110kV vận hành đầy tải và 90/277 phát tuyến 22kV vận hành đầy tải.

Để bảo đảm vận hành lưới điện an toàn, thông suốt, PCBD làm việc với khách hàng thuộc đối tượng đã ký kết thỏa thuận tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải DR, dịch chuyển phụ tải. PCBD đã thông tin về tình hình cung cấp điện khó khăn trong thời điểm nắng nóng vừa qua, vận động khách hàng đã ký kết thỏa thuận và cả khách hàng lớn khác tham gia tự điều tiết phụ tải điện theo công suất tiết giảm trong khung thời gian do Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) phân bổ.

Chương trình DR đã nhận được sự hưởng ứng của 1.961 khách hàng, tiềm năng tiết giảm công suất max được 155,9 MW với sự kiện DR có kế hoạch (thông báo trước 24 giờ) và 45,3 MW với sự kiện DR có khẩn cấp (thông báo trước 2 giờ).

Tuy vậy, trong 5 tháng đầu năm 2024, PCBD bảo đảm cung ứng điện ổn định, không có sự kiện DR diễn ra phải cắt điện. Bên cạnh đó, PCBD triển khai ký phụ lục hợp đồng dịch chuyển phụ tải với 1.776 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh trở lên để dịch chuyển công suất từ 5% - 10% công suất đỉnh của khách hàng trong khung giờ từ 14 giờ - 16 giờ hàng ngày vào các khung giờ khác và tránh các khung giờ 9 giờ 30 phút - 11 giờ 30 phút và 17 giờ - 22 giờ hàng ngày từ tháng 4 đến tháng 7-2024 nhằm giảm áp lực quá tải lên hệ thống điện.

Thực hiện hiệu quả tiết kiệm điện

Ông Lê Hồng Khanh, Phó Giám đốc PCBD cho biết, trong những ngày qua, tình hình tiêu thụ điện trên toàn quốc đạt kỷ lục, hơn 1 tỷ kWh/ngày. Riêng tại Bình Dương, sản lượng điện tiêu thụ đạt khoảng 55 triệu kWh/ngày. Nguyên nhân do nắng nóng kéo dài cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất phục hồi đã kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, số khách hàng thuộc nhóm đối tượng thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh là 39.917 khách hàng, tương ứng 219,84 triệu kWh.

Đến nay, PCBD đã ký thỏa thuận tiết kiệm điện với 20.711 khách hàng, góp phần thực hiện tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm áp lực cho phụ tải các công trình điện trên địa bàn. Đối với công tác kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng điện tiết kiệm của khách hàng, PCBD đã chỉ đạo các điện lực trực thuộc triển khai ngay giải pháp phối hợp với địa phương kiểm tra tình hình sử dụng điện của khách hàng, đặc biệt là khách hàng hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, quảng cáo ngoài trời…

Công ty Điện lực Bình Dương vừa đưa vào vận hành máy biến áp 110kV Kiến Điền (TP.Bến Cát) góp phần cung ứng điện phục vụ sản xuất công nghiệp

Song song đó, PCBD còn tăng cường kiểm tra, giám sát và ghi nhận hình ảnh các trường hợp chưa tiết kiệm điện, có văn bản gửi báo cáo địa phương; giám sát mọi tuyến đường chiếu sáng kịp thời phát hiện các trường hợp bật đèn chiếu sáng không phù hợp, chiếu sáng vào ban ngày.

Để công tác tiết kiệm điện đạt hiệu quả, PCBD đã phối hợp với Sở Công Thương triển khai kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng điện tiết kiệm của các doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh…

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án điện

Tại buổi làm với lãnh đạo UBND tỉnh mới đây, ông Lê Minh Quốc Việt cho biết, để bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, PCBD đề nghị các bên liên quan phối hợp đẩy nhanh tiến độ đóng điện các công trình nguồn lưới 110 -220kV trên địa bàn hiện đang bị vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, cũng như các công trình theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hỗ trợ ngành điện thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để sớm đóng điện các công trình mang tính cấp bách, như: TBA 110kV Cổng Xanh (cấp điện cho Khu công nghiệp Tân Bình).

Hiện UBND tỉnh thống nhất chủ trương điều chỉnh hướng tuyến qua Khu dân cư Phương Trường An 6 (huyện Phú Giáo), EVNSPC đang đôn đốc đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh hướng tuyến khu dân cư gửi lại để thỏa thuận điều chỉnh đường điện cho phù hợp.

Ngành chức năng kiến nghị huyện Phú Giáo sớm hoàn tất khảo sát và phê duyệt giá đất cụ thể cho 7 vị trí móng trụ còn lại trên đất các hộ dân quản lý đã được hoàn tất kiểm kê; đẩy nhanh giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công công trình.

Đối với công trình TBA VSIP II MR II cung cấp điện cho Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II và II-A, hiện vẫn đang chờ Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa thanh lý cây cao su để bàn giao mặt bằng thi công tại 16 vị trí trụ đã hoàn tất chi trả tiền bồi thường…

Có thể nói, đứng trước nhu cầu điện tăng cao phục vụ sản xuất công nghiệp, việc tích cực thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng hiệu quả trong sản xuất là rất cần thiết. Bên cạnh đó, ngành điện vận động khách hàng ký kết điều chỉnh phụ tải DR khi cần thiết để bảo đảm an toàn cho hệ thống điện.

Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài đòi hỏi các cơ quan liên quan, các địa phương có dự án, công trình điện phối hợp thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ thực hiện các công trình điện. Qua đó góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, chủ động phòng tránh các nguy cơ quá tải gây mất điện làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, hoạt động của doanh nghiệp.

Minh Duy

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/lam-tot-giai-phong-mat-bang-de-day-nhanh-tien-do-cong-trinh-dien-a323617.html