Làm tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ người lao động
Chăm lo toàn diện đời sống người lao động
(HNM) - Tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động có nhiều thách thức, đòi hỏi chủ tịch công đoàn cơ sở phải có đủ năng lực, bản lĩnh.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toto Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long) Phạm Thị Bích Hải cho rằng, hằng năm, Công đoàn phối hợp tổ chức hội nghị người lao động, thảo luận các chính sách, pháp luật mới, đề xuất kiến nghị của đoàn viên.
Bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động
Tuy vậy, ở nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước khác, việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động là không dễ. Điển hình là trường hợp Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Công nghiệp KYB Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long) Đoàn Hiệp Thường. Trước khi bị thuyên chuyển làm công nhân trực tiếp sản xuất, chị Thường làm việc ở bộ phận quản lý. Tuy nhiên, ngày 6-5 vừa qua, chị gửi thư điện tử nội bộ tới 12 địa chỉ của Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn công ty và các trưởng phòng, đề nghị tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người lao động, trong đó có việc công ty không tổ chức hội nghị người lao động, không ký thỏa ước lao động tập thể. Vì hành động này, chị Thường bị đánh giá là “chỉ trích, bình luận, phát ngôn bừa bãi, thông tin bịa đặt, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến trật tự sản xuất”, bị thuyên chuyển làm việc chân tay, trái với quy định tại các Điều 125, Điều 192 Bộ luật Lao động năm 2012, Điều 24 Luật Công đoàn năm 2012.
Trước sự việc trên, để bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, cán bộ công đoàn, Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Công nghiệp KYB Việt Nam thu hồi quyết định kỷ luật với chị Đoàn Hiệp Thường. Dù vậy, đến nay Ban Giám đốc doanh nghiệp này vẫn im lặng.
Tiến sĩ Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, khi chủ tịch công đoàn cơ sở lĩnh lương của chủ sử dụng lao động thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người lao động. Vì vậy, để làm tốt chức năng, bên cạnh nỗ lực của chủ tịch công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên cần bám sát, tư vấn, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần nhiều hơn.
Tại kỳ họp lần thứ tư (khóa XII), Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện nay có những hạn chế nhất định do thiếu kỹ năng, kinh nghiệm… Từ đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xem xét dự thảo chương trình “Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cho rằng, trong xu hướng phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, đội ngũ người lao động Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng, đòi hỏi cấp thiết đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước có năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn cơ sở. Đây sẽ là giải pháp cho chủ tịch công đoàn cơ sở làm tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.