Làm từ thiện có bị 'gây khó'?
Từ thiện là việc làm xuất phát từ cái tâm, hy vọng sẽ không vì những quy định của Nghị định 93 mà khiến một số cá nhân nản lòng...
Tôi có cô bạn thường xuyên làm từ thiện. Từ trước tới nay, cũng như nhiều cá nhân khác, các hoạt động thiện nguyện của cô xuất phát từ tấm lòng nhân ái, sự cảm thông, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn.
Chỉ có điều, do cách làm còn khá "tự do", thiếu sự phối hợp của chính quyền, đoàn thể nên chính bản thân cô cũng nhận thấy một số bất cập, nhất là việc tổ chức trao tiền, hiện vật hỗ trợ có lúc chưa kịp thời, chỗ nhiều, chỗ ít; đôi khi cũng nảy sinh những thắc mắc của dư luận về tính công khai, minh bạch...
Vậy nhưng, khi biết Nghị định số 93/2021/NĐ-CP mới được ban hành quy định một số nội dung nhằm khắc phục tình trạng này, như khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động, không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận; phải thông báo với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ; thực hiện công khai kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật... Người bạn tôi lại kêu khó và bày tỏ băn khoăn: "Như thế thì còn ai làm từ thiện nữa(!?)".
Có thể hiểu tâm lý của một số người làm từ thiện như cô bạn tôi không muốn bị ràng buộc bởi những quy định chặt chẽ để có thể hoạt động thiện nguyện theo hướng bản thân cho là hợp lý, nhưng nếu không đưa ra các quy định như vậy thì những bất cập, ví dụ lùm xùm "sao kê" thời gian qua liệu có chấm dứt?
Nghị định 93 đã chính thức cho phép cá nhân kêu gọi ủng hộ từ thiện. Đây là quy định hết sức đúng đắn, cần thiết vì từ thiện không phải việc riêng của các tổ chức, đoàn thể mà là của tất cả những tấm lòng nhân ái, của cả xã hội.
Điều này vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng về hoạt động thiện nguyện của mỗi cá nhân, vừa huy động được nguồn lực rộng rãi trong xã hội, đồng thời góp phần nhân lên tinh thần tương thân tương ái, sự đoàn kết, yêu thương trong cộng đồng.
Cũng phải khẳng định rằng, hoạt động từ thiện, đặc biệt là đối với trường hợp cá nhân đứng ra vận động, trước hết dựa trên cơ sở lòng tin, bởi có lòng tin thì người dân mới sẵn sàng đóng góp từ thiện. Tuy nhiên, chỉ lòng tin thôi là không đủ, cần phải có sự điều chỉnh, quản lý của pháp luật để phòng ngừa, hạn chế những bất cập, tiêu cực có thể nảy sinh, làm tổn thương cộng đồng.
Đương nhiên, khi pháp luật điều chỉnh sẽ không được “tự do” như trước, nhưng chắc chắn nhờ đó mà về lâu dài, hoạt động từ thiện cá nhân sẽ phát triển một cách bền vững, hiệu quả.
Từ thiện là việc làm xuất phát từ cái tâm, hy vọng sẽ không vì những quy định của Nghị định 93 mà khiến một số cá nhân nản lòng.
Xã hội luôn trân trọng và mong muốn ngày càng có nhiều hơn nữa tập thể, cá nhân, nhất là những người nổi tiếng, “người của công chúng” tham gia hoạt động này.
Để làm được điều đó, bên cạnh tấm lòng, sự nỗ lực của mỗi tập thể, cá nhân thì cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể cần phải chủ động hỗ trợ, tạo điều kiện hết mức để hoạt động từ thiện được diễn ra thuận lợi, đồng thời cần kịp thời điều chỉnh những quy định chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho hoạt động đầy ý nghĩa này.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lam-tu-thien-co-bi-gay-kho-676441