Lầm tưởng về thuốc cắt cơn hen phế quản
Hen phế quản là bệnh hô hấp mạn tính có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các nước thu nhập thấp và trung bình. Thông tin từ Hội Hô hấp Việt Nam cho biết, mỗi năm trên thế giới ghi nhận hơn 250.000 ca tử vong do bệnh hen.
Theo Hội Hô hấp Việt Nam: Bệnh hen phế quản gây co thắt phế quản, làm cản trở sự lưu thông của không khí trong phổi. Bệnh có đặc điểm tái đi tái lại nhiều lần. Người mắc bệnh hen phế quản có thể xuất hiện cơn khó thở nặng, suy hô hấp và tử vong ở bất kỳ thời điểm nào. Tại nước ta, hầu hết bệnh nhân hen đều phát hiện muộn khi bệnh đã nặng, đến viện cấp cứu do lên cơn hen cấp.
Mặc dù được đánh giá là bệnh nếu kiểm soát tốt có thể giúp người bệnh có chất lượng sống tốt và 85% người bệnh tránh được tử vong. Thế nhưng, đa số người mắc bệnh hen vẫn chưa tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết và thuốc điều trị. Cụ thể, chỉ có 29,1% bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp dự phòng hen, hơn 70% người bệnh còn lại chưa hiểu biết đúng và chưa biết cách chăm sóc kiểm soát bệnh.
Theo số liệu từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế: Tại Việt Nam, khoảng 4% dân số mắc bệnh hen nhưng có tới gần 70% người bệnh chưa được kiểm soát. Trong số điều trị, 36% bệnh nhân tự đánh giá kiểm soát tốt bệnh nhưng thực tế con số này chỉ chiếm 9%.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá: “Quản lý tốt bệnh hen là một trong những ưu tiên của Chính phủ và ngành y tế Việt Nam. Năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn quốc gia về chẩn đoán và điều trị hen phế quản người lớn và trẻ em trên 12 tuổi, trong đó cảnh báo việc sử dụng thường xuyên hoặc quá mức thuốc cắt cơn có thể làm tăng nguy cơ nhập viện và gây tử vong cho người bệnh. Tuy nhiên, để cải thiện việc kiểm soát hen đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của cơ quan quản lý các cơ sở khám chữa bệnh mà còn ý thức của cả cộng đồng. Hiện vẫn còn tới gần 70% người mắc hen chưa được quản lý, điều trị”.
Các chuyên gia y tế cho rằng, nỗ lực kiểm soát tốt bệnh hen tại Việt Nam đang đứng trước nhiều rào cản. Một trong những thách thức đáng kể là tình trạng phụ thuộc quá mức vào liệu pháp cắt cơn (bình xịt giãn phế quản tác dụng ngắn). Thuốc cắt cơn tác dụng ngắn giúp bệnh nhân tạm thời giảm triệu chứng hen, nhưng việc chỉ sử dụng thuốc này trong thời gian dài sẽ làm giảm sự bảo vệ của phế quản, tăng phản ứng quá mức của đường thở dẫn đến nguy cơ vào đợt cấp hen phế quản.
PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM cho biết: “Dữ liệu sơ bộ từ chương trình SABINA được thực hiện tại nhà thuốc năm 2020 từ 14 tỉnh thành phố ở Việt Nam cho thấy có đến 68% bệnh nhân đã mua từ 3 bình thuốc cắt cơn trở lên trong năm vừa qua”.
PGS Lan cảnh báo, nếu sử dụng 3 bình thuốc cắt cơn trong 1 năm có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện do bệnh hen. Thống kê cho thấy, khoảng 30% bệnh nhân hen phế quản phải nhập viện khám khẩn cấp.
PGS Lan cho biết, nếu bệnh nhân hen phế quản tuân thủ điều trị, dù hen nặng bậc 4 cũng chỉ mất 4-5 triệu đồng/năm và điều trị ngay tại tuyến quận. Tuy nhiên nếu để lên cơn hen cấp, chi phí có thể lên tới 21 triệu đồng/đợt chưa kể các chi phí khác như thiết bị, vật tư y tế trong bệnh viện, các xét nghiệm theo dõi, hỗ trợ dinh dưỡng, tái khám.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thuốc điều trị hen dài hạn được chia thành 3 loại chính, bao gồm: Thuốc kiểm soát hen, thuốc cắt cơn hen và thuốc điều trị phối hợp đối với hen nặng. Trong đó, tất cả những bệnh nhân ngay khi chẩn đoán mắc hen cần được dùng thuốc kiểm soát hen càng sớm càng tốt.
Vẫn theo PGS Lan, hiện mới có 1/3 bệnh nhân hen tại Việt Nam sử dụng thuốc ngừa cơn hen liên tục. Đây là thuốc giúp kiểm soát cơn hen, nếu dùng liên tục sẽ kiểm soát được bệnh, không cần dùng thuốc cắt cơn. Trường hợp bệnh nhân có triệu chứng và phải dùng thuốc cắt cơn khi đó tình trạng hen đang không được kiểm soát. Lúc này, bệnh nhân nên đi khám để kiểm tra lại, bác sĩ sẽ có chỉ định và kê đơn phù hợp. Người bệnh tuyệt đối không tự ý ra nhà thuốc mua bình xịt cắt cơn về dùng.
BS Nguyễn Ngọc Uyển- Khoa Cấp cứu- BVTƯ QĐ 108 cho biết, cơn hen phế quản đặc trưng bởi các dấu hiệu như khò khè, khó thở, đau hoặc cảm thấy nặng ngực hay ho. Các dấu hiệu này xuất hiện đột ngột, thường xảy ra sau một yếu tố kích thích như gắng sức quá mức, tiếp xúc với các chất dị ứng (khói thuốc lá, khói bụi, các hóa chất tẩy rửa, thuốc, thức ăn,..) thay đổi thời tiết, hay nhiễm virus hô hấp.
Những triệu chứng báo trước một cơn khó thở do hen phế quản sắp xuất hiện là ngứa họng, ngứa mũi, hắt hơi, ho, chảy nước mắt, nước mũi. Sau những dấu hiệu đó, cơn hen phế quản xuất hiện với các triệu chứng như khò khè nặng cả khi người bệnh hít vào lẫn thở ra, ho liên tục, thở rất nhanh. Nếu nhận biết và điều trị kịp thời triệu chứng khó thở sẽ cải thiện sau vài phút đến vài giờ.
Nếu chậm trễ, các triệu chứng nặng hơn như đau ngực, nặng ngực, nói khó, cảm giác lo âu, bất an, mặt nhợt nhạt, vã mồ hôi, tím môi và đầu ngón. Tình trạng trên nếu kéo dài, người bệnh sẽ bị giảm oxy máu, dẫn đến thiếu máu não và bị ngất, mất ý thức… và có thể tử vong.
Các chuyên gia y tế cho rằng, nỗ lực kiểm soát tốt bệnh hen tại Việt Nam đang đứng trước nhiều rào cản. Một trong những thách thức đáng kể là tình trạng phụ thuộc quá mức vào liệu pháp cắt cơn (bình xịt giãn phế quản tác dụng ngắn). Thuốc cắt cơn tác dụng ngắn giúp bệnh nhân tạm thời giảm triệu chứng hen, nhưng việc chỉ sử dụng thuốc này trong thời gian dài sẽ làm giảm sự bảo vệ của phế quản, tăng phản ứng quá mức của đường thở dẫn đến nguy cơ vào đợt cấp hen phế quản.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lam-tuong-ve-thuoc-cat-con-hen-phe-quan-551133.html