Làm việc suốt đời, người Nhật vẫn có nguy cơ vừa nghèo vừa già

Hàng triệu người lao động Nhật Bản đang đối diện nguy cơ sống thấp hơn chuẩn nghèo khi về hưu dù họ được hưởng lương hưu đầy đủ và có nhiều phúc lợi xã hội.

 Những người gia nhập thị trường lao động Nhật Bản trong giai đoạn 1993-2004 có nguy cơ sống dưới chuẩn nghèo khi về hưu. Ảnh: Pakutaso.

Những người gia nhập thị trường lao động Nhật Bản trong giai đoạn 1993-2004 có nguy cơ sống dưới chuẩn nghèo khi về hưu. Ảnh: Pakutaso.

Chính phủ Nhật Bản gọi nhóm này là “thế hệ việc làm đóng băng”. Họ bước vào thị trường lao động từ năm 1993 đến 2004. Giai đoạn này diễn ra sau khi bong bóng tài sản ở Nhật Bản sụp đổ, tình trạng suy thoái kéo dài khiến nhiều người khó tìm được việc làm ổn định.

Nhiều người trong nhóm này làm công việc hợp đồng hoặc bán thời gian. Họ có thu nhập thấp trong nhiều năm liên tiếp.

Phần lớn không đủ điều kiện tham gia hệ thống lương hưu dành cho nhân viên công ty và cơ quan nhà nước. Họ chỉ tham gia hệ thống lương hưu cơ bản có mức chi trả thấp hơn hẳn.

Theo quy định, người đóng bảo hiểm đủ 40 năm sẽ được nhận 69.308 yen/tháng (tương đương 484 USD) vào năm 2025. Nhiều người còn không đạt được mức này vì có thời gian không đóng hoặc được miễn do thu nhập quá thấp.

Lương hưu cơ bản là nguồn thu nhập chính của nhóm này khi về già. Tuy nhiên, số tiền này không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn.

Người có thu nhập thấp hơn mức chuẩn sống tối thiểu được quyền xin trợ cấp xã hội. Mức trợ cấp bao gồm hỗ trợ thuê nhà với tổng số tiền 130.580 yen/tháng tại Tokyo.

Người nhận trợ cấp được miễn chi phí y tế và chăm sóc người cao tuổi. Dù vậy, khoảng cách giữa mức trợ cấp và lương hưu cơ bản ngày càng lớn. Đến năm 2057, “thế hệ việc làm đóng băng” sẽ bước vào độ tuổi 70-80, mức lương hưu có thể thấp hơn hiện tại khoảng 30%.

Giáo sư Kohei Komamura, Đại học Keio (Tokyo, Nhật Bản), đề xuất phát triển nhà ở chung dành cho người cao tuổi như một giải pháp cho vấn đề. Mô hình này có thể giúp giảm chi phí sinh hoạt và hỗ trợ người sống một mình.

“Nhóm lao động này có tỷ lệ độc thân cao và không có người thân bên cạnh khi về già. Do đó, việc cải thiện lương hưu cơ bản cần đi cùng các chính sách an sinh xã hội khác để đảm bảo chất lượng sống và an sinh xã hội”, ông chia sẻ.

Đông Tùng

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/lam-viec-suot-doi-nguoi-nhat-van-co-nguy-co-vua-ngheo-vua-gia-post1552345.html