Làm việc từ xa: Lợi hay hại?
Dường như chúng ta đang ở trong kỷ nguyên làm việc từ xa, với những viễn cảnh sẽ còn khoa học viễn tưởng hơn nữa. Ngày làm việc có thể bắt đầu bằng cách tải kế hoạch và mục tiêu trong ngày lên bản sao thực tế ảo của mình và điều đi dự các cuộc họp trực tuyến.
"Bản sao số của tôi có thể làm việc với các khách hàng và nhân viên vòng quanh thế giới một cách liên tục. Tôi ra lệnh cho nó nhưng nó cũng có quyền tự ra quyết định trong chừng mực nào đó" - ông James Canton, Giám đốc điều hành của Viện Tương lai toàn cầu (Mỹ), phác họa.
Các nghiên cứu mới cho thấy số người làm việc từ xa ở Mỹ tăng 115% trong giai đoạn 2005-2017. Đến tháng 9-2017, số người sử dụng chương trình trò chuyện trực tuyến Slack hằng ngày tăng lên hơn 6 triệu người. Trong khi đó, nghiên cứu của Công ty YouGov (Anh) năm 2015 chỉ ra có đến 30% nhân viên văn phòng ở Anh cảm thấy làm việc hiệu quả hơn nếu không đến công ty.
Theo đài BBC, nhiều nhân viên tỏ ra vui mừng khi không phải chạm mặt đồng nghiệp mỗi ngày song chúng ta lại là những sinh vật có tính xã hội cao. Do đó, xu hướng làm việc một mình có thể tác động xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên cũng như cách thức hoạt động của các công ty, thậm chí có thể phải hình thành môi trường riêng cho những đối tượng này.
Một số chuyên gia cho rằng làm việc từ xa càng nhiều sẽ dẫn đến cảm giác chán chường và tệ hơn là trầm cảm. Theo ông David Ballard, bác sĩ của Hiệp hội Tâm lý Mỹ, dù công nghệ 3D Hologram hỗ trợ trong các cuộc họp từ xa khá sinh động thì vẫn rất khó để nhân viên và cấp trên xây dựng bất kỳ ý tưởng hợp tác nhóm nào. "Tình đồng nghiệp sẽ khó gắn kết khi bạn không có cơ hội dùng chung bữa trưa, dẫn đến giảm sự năng động" - ông Ballard nói với đài BBC.
Không gì có thể thay thế sự tương tác và kết nối trực tiếp. Những cuộc gặp đối mặt với đồng nghiệp và quan sát ngôn ngữ cơ thể, ngữ điệu, cảm giác... của họ là những lợi ích chỉ có được tại công sở mà công nghệ không thể mang lại cho người ngồi nhà. Bà Kate Lister, Chủ tịch Công ty Phân tích Global Workplace Analytics (Mỹ), nhìn nhận chỉ số EQ của con người đang giảm dần, "một phần vì họ ngồi máy tính nhiều hơn là ra sân chơi cùng nhau".
Về phía các công ty, thoạt đầu có vẻ họ sẽ tiết kiệm được hàng triệu USD và chỉ có lợi khi cho phép nhiều nhân viên làm việc linh hoạt. Theo Global Workplace Analytics, mỗi công ty có thể tiết kiệm 11.000 USD/nhân viên mỗi năm, từ việc tiết kiệm chi phí thuê văn phòng, doanh thu và hóa đơn điện.
Dù chưa có nhiều cơ sở để khẳng định các công ty sẽ tổn thất tiền bạc nhưng việc để một lực lượng lớn nhân viên ở bên ngoài văn phòng có thể gây nhiều thiệt hại khó đoán, như làm việc kém hiệu quả hoặc thiếu trung thành
. Năm 2017, công ty công nghệ IBM phải đảo ngược chính sách làm việc linh hoạt, buộc nhân viên quay lại văn phòng. Yahoo! làm điều tương tự vào năm 2013, sau khi có báo cáo chỉ ra những quyết định tốt nhất lại đến từ "các cuộc thảo luận trên hành lang, khu thư giãn của công ty hay các cuộc họp nhóm ngẫu hứng trong văn phòng".
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/lam-viec-tu-xa-loi-hay-hai-20180205220244142.htm