Lấn chiếm vỉa hè ở TP.HCM diễn ra liên tục, không phân biệt ngày đêm
Hiện nay, tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở TP.HCM diễn ra nhanh, liên tục và không phân biệt ngày đêm.
Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về giải pháp quản lý và phát triển kinh tế vỉa hè ở TP.HCM. Trong đó, có đề cập đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở TP.HCM diễn ra liên tục, không phân biệt ngày đêm.
Chưa phân biệt lấn chiếm và không lấn chiếm
Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết hiện TP chưa áp dụng công cụ quản lý vỉa hè một cách đồng bộ, toàn diện và chế tài hiệu quả, từ việc ngăn cấm đến cho phép.
Đồng thời, hiện nay TP chưa có cơ chế phân biệt giữa đối tượng lấn chiếm và đối tượng không lấn chiến, nên không thể xử lý đại trà, dứt điểm.
Cụ thể, hiện chưa tách bạch khu vực cho phép, chưa tách bạch đối tượng nào là lấn chiếm, đối tượng nào cần xử lý triệt để.
TP cũng chưa tổ chức giám sát, kiểm tra hiệu quả để xác định đối tượng vi phạm, hình thức vi phạm về lấn chiếm, sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường. Do đó, việc lấn chiếm vỉa hè ở TP.HCM thường diễn ra nhanh, liên tục và không phân biệt ngày đêm.
Đánh giá lại việc quản lý vỉa hè
Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng hiện TP.HCM đang triển khai một số mô hình khai thác vỉa hè. Vì vậy, trước khi TP có đề xuất mô hình mới thì cần rà soát, tổng kết lại một số thực tiễn đã và đang triển khai.
Trong đó, TP cần đánh giá một số tiêu chí như: doanh thu từ người trong cuộc và đóng góp cho chính quyền địa phương quản lý, các lợi ích vô hình và phát sinh bất cập ...
Bên cạnh đó, TP cần phân chia các khu vực riêng biệt như khu vực cấm toàn phần các hoạt động kinh doanh, dừng đỗ xe, chỉ dành không gian cho người đi bộ; Khu vực vỉa hè cho thuê để dừng đỗ xe, kinh doanh buôn bán lâu dài, phải trả tiền thuê, phí vệ sinh..
TP cũng cần nghiên cứu, xây dựng phát triển không gian vỉa hè gắn các địa điểm tham quan du lịch trong TP, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch phù hợp chức năng chính của vỉa hè.
Quản lý vỉa hè cần gắn với du lịch
TP.HCM cũng cần nghiên cứu tạo dựng các khu phố có hình ảnh đẹp và thương hiệu riêng, hấp dẫn khách du lịch. Từ đó, nhằm quảng bá du lịch TP.
Hiện nay, TP tổ chức nhiều chương trình, lễ hội ở phố đi bộ Nguyễn Huệ và Công viên Bến Bạch Đằng. Kết hợp với Đề án phát triển kinh tế đêm đang được thực hiện, TP cần có một số tuyến phố đi bộ kết hợp quảng trường phục vụ hoạt động vui chơi giải trí về đêm xây dựng các tuyến đường tham quan, trải nghiệm du lịch.
TP cũng cần nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, mô hình vận dụng phương thức PPP cho TP, đặc biệt là các quận có các công trình di tích văn hóa - lịch sử kiến trúc nghệ thuật trên địa bàn. Từ đó, TP vừa tôn tạo, trùng tu các di tích, vừa xây mới các không gian công cộng bên ngoài, tạo thành môi trường tham quan hấp dẫn, ý nghĩa cho du khách.
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng cho rằng việc quy hoạch bờ sông, xây dựng và cải tạo kè sông, rạch sẽ tạo cảnh quan đẹp dọc hai bên bờ sông và các kênh rạch, góp phần phát triển du lịch đường thủy.
Các khu vực Cảng Ba Son, Cảng Sài Gòn và Công viên Bến Bạch Đằng cũng có ý nghĩa văn hóa lịch sử đối với sự phát triển của TP, đồng thời thuận lợi để phát triển du lịch đường thủy.
Hơn nữa, các khu vực này có khả năng kết nối rất cao với tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ - là địa điểm thường xuyên tổ chức các lễ hội, sự kiện lớn của TP.
Việc kết hợp không gian khu vực cảng, không gian vỉa hè, các tuyến phố đi bộ với sản phẩm du lịch đường thủy sẽ tạo thành các điểm thu hút khách tham quan, du lịch hấp dẫn.
Kinh tế vỉa hè tạo công ăn việc làm cho 30% dân cư Theo Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM hầu hết các tuyến đường ở trong nội thành đều có các hoạt động kinh doanh trên vỉa hè.
Trong đó, có đến 40,7% diện tích vỉa hè tại khu vực trung tâm TP được sử dụng bãi đậu xe, 23,3% là buôn bán, 18,9% là cửa hàng và 12,1% là ăn uống, 4,9% là dịch vụ.
Kinh tế vỉa hè đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 30% dân cư trong TP bao gồm cả nhập cư và cơ học.