Lận đận các dự án cải tạo kênh, rạch trên địa bàn TP. HCM
Kế hoạch di dời, cải tạo nhà ở trên các kênh rạch và chỉnh trang các dòng kênh, rạch là mục tiêu mà lãnh đạo TP. HCM đưa vào nhiệm vụ trọng tâm hầu hết các kỳ đại hội nhằm thay đổi bộ mặt đô thị. Thế nhưng, đến nay tất cả vẫn đang 'dậm chân tại chỗ'.
Những dòng kênh chết
Có hàng loạt kênh rạch trên địa bàn TP. HCM, mỗi khi nhắc đến cái tên người dân phải rùng mình bởi sự ô nhiễm nặng nề của nó. Để giải quyết, chính quyền TP. HCM đã lập những dự án với kinh phí đầu tư hàng ngàn tỉ đồng nhằm cải tạo, di dời... tuy nhiên, tất cả đều "lỡ hẹn".
Rạch Xuyên Tâm ô nhiễm nghiêm trọng giữa lòng TP. HCM. Ảnh: Thái Sơn
Cụ thể, kênh Hy Vọng (phường 15, Q. Tân Bình), đảm nhận tiêu thoát cho toàn bộ diện tích phía Tây và Bắc sân bay Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng bị lấn chiếm, dòng chảy thu hẹp, môi trường ô nhiễm.
Mới đây được lập hồ sơ đầu tư với tổng chi phí hơn 1.980 tỉ đồng. Theo kế hoạch, đến năm 2025 phải hoàn thành.
Kênh A41 (quận Tân Bình) hiện cũng đang trong tình trạng bị lấn chiếm, dòng chảy thu hẹp, môi trường ô nhiễm.
Trước đó, dự án cải tạo kênh A41 đã có chủ trương đầu tư từ năm 2016 với kinh phí hơn 500 tỉ đồng. Tuy nhiên vướng mắc chính liên quan giải phóng mặt bằng khiến dự án chưa triển khai.
Người dân xả thải rác sinh hoạt đầy mặt kênh. Ảnh: Thái Sơn
Rạch Xuyên Tâm kéo dài từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, chảy qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Con rạch có 3 tuyến nhánh dài gần 2 km gồm: Cầu Sơn, Bình Triệu, Bình Lợi.
Trong 20 năm qua, rạch Xuyên Tâm luôn trong những tình trạng ô nhiễm nặng nề. Có kế hoạch cải tạo và được UBND TP. HCM phê duyệt từ tháng 5/2002, với kinh phí khoảng 123 tỉ đồng thời điểm đó.
Tuy nhiên, dự án vẫn nằm im bất động. Đến tháng 8/2017, tổng mức đầu tư dự án được nâng lên 8.600 tỉ đồng và hiện là 9.300 tỉ đồng cho đề xuất triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025.
Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối từ TP. HCM, tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn) có mức đầu tư hơn 8.200 tỉ đồng.
Mới đây, HĐND TP. HCM đã thông qua chủ trương đầu tư dự án, trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng 4.000 tỉ đồng, còn lại là ngân sách thành phố đối ứng là 4.200 tỉ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Bao giờ dòng kênh chết hồi sinh?
Theo Sở Xây dựng TP. HCM, trong thời gian qua, các dự án cải tạo kênh rạch bị "lỡ hẹn" là do vấn đề giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ dân lấn chiếm trên kênh rạch không đủ điều kiện để tái định cư; nhiều dự án tái định cư triển khai không hiệu quả...
Trong giai đoạn 2016 - 2021, có 65 dự án (22.861 căn) bồi thường và di dời nhưng chỉ thực hiện được 2.479/20.000 căn, đạt 12,4% so với chỉ tiêu.
Chỉ tiêu khiêm tốn có dấu hiệu lặp lại trong giai đoạn 2021 - 2025 khi Sở Xây dựng báo cáo về việc cân đối ngân sách của TP. HCM hạn chế so với tổng nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm, dự án cấp bách do sở ngành, quận huyện đề xuất.
Số lượng nhà làm tạm bợ trên kênh rạch khá lớn. Ảnh: Thái Sơn
Theo kiến trúc sư Trần Tuấn, sở dĩ việc di dời nhà trên, ven kênh rạch và chỉnh trang đô thị kênh rạch gặp khó khăn bởi số lượng nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP quá lớn.
Ngoài ra, Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP đã không còn quy định về hình thức Hợp đồng Xây dựng - chuyển giao. Điều này phần nào gây khó khăn khi TP. HCM kêu gọi nhà đầu tư tham gia, lĩnh vực cải tạo, di dời nhà trên kênh.
"Để làm được các dự án này, nhà nước nên đứng ra giải phóng mặt bằng sau đó đem đấu giá quỹ đất hai bên kênh, rạch. Có như vậy mới mong giải quyết được căn cơ bài toán chỉnh trang kênh rạch trên địa bàn TP”, kiến trúc sư Trần Tuấn nói.
Nhiều hộ dân không đủ điều kiện được tái định cư theo quy định. Ảnh: Thái Sơn
Về những khó khăn vướng mắc, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP. HCM thừa nhận chương trình cải tạo nhà ở ven kênh rạch đã được TP.HCM chú trọng thực hiện trong hơn 20 năm qua, mặc dù nỗ lực nhiều nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn.