Lận đận mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp
HTX và doanh nghiệp được coi là hai chủ thể chính trong chuỗi liên kết giá trị. Vẫn có những HTX, doanh nghiệp liên kết với nhau bền chặt và mang lại nhiều hiệu quả nhưng cũng có HTX và doanh nghiệp không đi được với nhau trên con đường xây dựng chuỗi.
Thực tế cho thấy, việc nhiều nông sản đang rơi vào cảnh trồng- chặt, chặt- trồng một phần là do chưa hình thành được mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp một cách lâu dài.
Chưa tìm được tiếng nói chung
Thực tế cho thấy, nhiều HTX và doanh nghiệp đã từng ký kết hợp đồng, đã từng làm việc với nhau hoặc có chung ý tưởng phát triển nông sản nhưng do chưa hài hòa lợi ích nên vẫn xảy ra tình trạng “đường ai nấy đi”.
Ông Nguyễn Hữu Tho, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thoại Sơn (An Giang), cho biết rất nhiều lý do khiến doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng với HTX và ngược lại. Đã có trường hợp HTX và doanh nghiệp ký hợp đồng và thỏa thuận đến thời điểm thu hoạch, mức giá mua bán sẽ thực hiện dựa trên mức giá bình quân của thị trường thông qua khảo sát một vài nơi.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đưa ra mức giá thu mua thấp hơn giá bình quân của thị trường nên gây khó cho HTX. Nếu HTX không bán thì rất khó tiêu thụ vì hợp đồng liên kết thường được ký trên diện tích và sản lượng lớn. Còn nếu bán với giá thấp thì không mang lại sự công bằng cho người dân, thành viên.
Thực tế vẫn có trường hợp doanh nghiệp ký giá cố định với HTX trong quá trình làm hợp đồng liên kết. Nhưng khi đến vụ thu hoạch, giá thị trường vụt lên cao, cao hơn cả giá doanh nghiệp ký kết với HTX thì nông dân lại tự ý bán nông sản cho thương lái. Ngược lại, khi giá thị trường xuống thấp hơn giá doanh nghiệp đã ký thì nhiều HTX lại rơi vào cảnh bị doanh nghiệp trì hoãn thời gian bao tiêu, thu mua.
Ông Trương Phú Quốc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thuận Tiến (Hậu Giang), thừa nhận rằng nông dân, thành viên HTX có lúc chạy theo thị trường nhưng thực tế cũng không ít doanh nghiệp chưa thực sự chia sẻ lợi ích với người nông dân, HTX. Trong đó có những lý do khách quan phát sinh nằm ngoài hợp đồng nhưng nếu doanh nghiệp không thực sự không vì mục tiêu chung, không hướng đến hợp tác lâu dài thì rất khó đi được với nhau.
Chính vì những lý do trên mà có nhiều HTX từng hợp tác với nhiều doanh nghiệp nhưng chưa thực sự hình thành được những mối liên kết bền chặt. Trong kết nối tiêu thụ nông sản giữa HTX và doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, phần lớn nông sản hiện nay vẫn rơi vào cảnh khó khăn về đầu ra.
Ngay như thống kê của Bộ NN&PTNT, mới chỉ có hơn 12% tổng sản lượng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long được doanh nghiệp thu mua trực tiếp sau đó sơ chế, chế biến phục vụ xuất khẩu. Điều này cũng chứng minh phần nào sự lận đận trong liên kết, ký kết hợp đồng giữa HTX và doanh nghiệp.
Cân bằng lợi ích
Trong ngành nông nghiệp, hiện đã có những HTX liên kết, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thành công như HTX bưởi da xanh Bến Tre (Bến Tre), HTX Evergrowth (Bến Tre)… Tuy nhiên, những hợp đồng liên kết này chủ yếu là trên hình thức HTX cung cấp nguyên liệu, sản phẩm thô cho doanh nghiệp thực hiện chế biến sâu. Lúc này, HTX được hỗ trợ một số vật tư đầu vào (phân, thuốc, thức ăn chăn nuôi), kỹ thuật… còn thành viên HTX sẽ chịu chi phí về điện nước, ao nuôi, đất đai, tiền công lao động...
Nhiều HTX cho rằng, cách thức liên kết trên mang lại hiệu quả đối với những mô hình sản xuất quy mô nhỏ hoặc vừa phải. Còn đối với những HTX có diện tích lớn, số thành viên và hộ liên kết lên đến hàng trăm, hàng nghìn người thì rất khó thành công vì không tìm được hướng đi chung.
Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp nên hỗ trợ vật tư đầu vào, đồng hành cũng thành viên HTX trong quá trình sản xuất, chế biến và phân phối. Phần lợi nhuận phân chia theo tỷ lệ góp vốn, bao gồm cả đất và tài sản trên đất… thì sẽ bền vững hơn thay vì hợp tác theo kiểu mua đứt, bán đoạn. Vì nhược điểm của sản xuất nông nghiệp là bị ảnh hưởng lớn từ khí hậu, thời tiết, trong khi đây là những khâu do trực tiếp nông dân, thành viên HTX tham gia nên hay bị thiệt thòi dù đã ký hợp đồng với doanh nghiệp.
Chẳng hạn, doanh nghiệp muốn có 50 tấn thanh long để chế biến thì doanh nghiệp nên ứng trước 50-60% tiền vật tư đầu vào cho thành viên HTX. Nếu HTX đảm bảo được chất lượng và vượt số lượng thanh long mà doanh nghiệp giao thì giá bán sẽ được 2 bên thỏa thuận. Hiện nay, có trường hợp HTX không được tham gia thỏa thuận giá khi ký hợp đồng liên kết nên gây ra nhiều bất lợi.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ HTX trong việc biên soạn, giám sát quy trình ký hợp đồng liên kết. Trong đó, cần tính toán đến việc ngoài những sản phẩm đủ tiêu chuẩn thu mua phục vụ thị trường, vẫn có tình huống nông sản không đáp ứng tiêu chuẩn (loại 2, loại 3) thì phía doanh nghiệp cần có phương án hỗ trợ người dân, HTX để tránh tình trạng dù đã ký hợp đồng hợp tác nhưng lợi ích của phía HTX, người dân không cao và tình trạng khó tiêu thụ nông sản vẫn xảy ra.