Lận đận tuyển sinh

Dù việc tuyển sinh những năm gần đây có tín hiệu tích cực, nhưng một số ngành đặc thù liên quan đến văn hóa nghệ thuật vẫn rơi vào tình cảnh khó tìm học sinh, sinh viên. Đó là điều mà Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (TCVHNT) Thừa Thiên Huế đang phải đối mặt.

Các em học sinh tham gia trải nghiệm hướng nghiệp bộ môn múa tại Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế. Ảnh: TCVH

Các em học sinh tham gia trải nghiệm hướng nghiệp bộ môn múa tại Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế. Ảnh: TCVH

Thách thức số lượng tuyển sinh năm sau nhiều hơn năm trước luôn được trường đặt ra trong hành trình gìn giữ, tiếp nối những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của vùng đất Cố đô.

Có ngành không tuyển sinh được

Theo lãnh đạo Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế, những năm qua nhà trường đã đẩy mạnh công tác quảng bá tuyển sinh với nhiều hình thức khác nhau. Cùng với đó phối hợp với các trường THCS tổ chức các đợt tư vấn hướng nghiệp thông qua hoạt động đưa học sinh lớp 9 đến trường, để các em được trực tiếp trải nghiệm các chuyên ngành nghệ thuật đào tạo tại trường, từ đó có định hướng cụ thể hơn về lựa chọn nghề nghiệp sau tốt nghiệp.

Riêng trong năm 2024, đã có 10 đợt tuyển sinh và nhà trường đã tuyển sinh được 120 thí sinh vào 9 chuyên ngành. Nhìn con số còn khiêm tốn này, nhưng ít ai biết rằng đó là cả hành trình nỗ lực của đội ngũ làm công tác tuyển sinh nhà trường.

“Đây cũng là một kết quả khả quan trong bối cảnh chung của các trường đào tạo về văn hóa nghệ thuật hiện nay, đặc biệt là một trường đào tạo đặc thù như Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế”, ông Nguyễn Văn Mãi - Hiệu trưởng Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Theo ông Mãi, điều mà nhà trường luôn trăn trở rất nhiều năm đó là không tuyển sinh được ngành tuồng và múa hát cung đình Huế. Trong khi thực tế lực lượng diễn viên ở các đơn vị nghệ thuật ngày càng lớn tuổi, nguy cơ không có thế hệ kế cận nối tiếp để duy trì, bảo tồn những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của cha ông. Điều này do rất nhiều nguyên nhân khách quan, như giới trẻ ít quan tâm đến nghệ thuật truyền thống, sự phát triển của công nghệ thông tin và các loại hình nghệ thuật hiện đại có sức hút mạnh mẽ, việc học bộ môn tuồng rất khó khăn, vất vả, đòi hỏi yêu cầu cao về năng khiếu và lòng yêu nghề, nhưng đầu ra lại quá hẹp, nếu không muốn nói là không có.

Ngoài ra, một số ngành như quản lý văn hóa, thư viện vài năm trở lại đây cũng không tuyển sinh được, nên từ năm nay nhà trường buộc phải xóa mã ngành.

“Tuy nhiên với ngành tuồng và múa hát cung đình Huế, nhà trường vẫn xin giữ lại, bởi vì sứ mệnh của nhà trường là đào tạo các thế hệ trực tiếp thực hiện công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, quê hương để đề xuất các cơ chế đặc thù phù hợp. Điều này nhà trường đã đưa vào đề án Xây dựng và phát triển trường đến năm 2030 trình UBND tỉnh xem xét. trình HĐND phê duyệt”, người đứng đầu Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế thông tin.

Một số ngành học có việc làm tốt, thu nhập cao

Ngoài ngành tuồng và múa hát cung đình Huế, trường cũng rất lưu tâm đến các chuyên ngành đặc thù khác liên quan đến việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa Huế, như nghệ thuật biểu diễn ca kịch Huế, nhạc công truyền thống Huế, múa dân gian dân tộc…

Điều này được ông Mãi khẳng định bởi trong quá trình tuyển sinh, trường luôn hướng các em đến với các ngành nghệ thuật truyền thống đầu tiên. Trong đó, tư vấn và trao đổi để các em hiểu được sự cần thiết và vai trò, trách nhiệm cũng như sứ mệnh của thế hệ sau đối với công tác bảo tồn văn hóa Huế, cơ hội việc làm sau khi ra trường… Nhưng để cuốn hút được người học, trường cũng đã đề xuất xây dựng đề án cơ chế đặc thù, từ khâu tuyển sinh, đào tạo cho đến đầu ra bố trí việc làm.

Chia sẻ thêm về cơ hội việc làm, ông Mãi cho hay, hàng năm, học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường, đặc biệt là học sinh khối ngành múa luôn được các đơn vị nghệ thuật hoặc dịch vụ du lịch, tổ chức sự kiện… tuyển dụng với mức lương khá cao từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Riêng ngành nhạc công truyền thống và nghệ thuật biểu diễn ca kịch Huế tham gia vào lực lượng biểu diễn ca Huế trên sông Hương và các hình thức thực hành tín ngưỡng trên địa bàn với mức thù lao khá cao.

“Hiện nay, lực lượng diễn viên ở các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên 90% là cựu học sinh của trường. Trong lực lượng diễn viên múa của các vũ đoàn, các công ty du lịch, tổ chức sự kiện, hoặc hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn tỉnh, số học sinh tốt nghiệp từ trường chiếm tỷ lên cao. Ngoài ra, học sinh ngành biên đạo múa đã cung cấp cho ngành giáo dục mầm non, tiểu học, các trung tâm văn thể mỹ, nhà văn hóa nguồn nhân lực dàn dựng các chương trình nghệ thuật và giảng dạy nghệ thuật múa cho thiếu nhi. Một vài em khác sau khi tốt nghiệp đã có những bước khởi nghiệp bằng việc mở các trung tâm đào tạo múa, âm nhạc cho thiếu nhi đáp ứng nhu cầu xã hội”, ông Mãi nói thêm.

Tại buổi lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 của Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nhận định, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng trong những năm qua thầy trò Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế đã đạt được những thành tích đáng trân trọng. Nhà trường luôn là một trong những đơn vị nổi bật với bề dày truyền thống thi đua dạy tốt, học tốt và có nhiều chuyển biến về đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật được duy trì thường xuyên và đạt kết quả tốt.

Nhật Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/lan-dan-tuyen-sinh-147583.html