TPHCM khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh: 'Tâm tư' từ chính người trong cuộc
Nhiều giáo viên nhờ học sinh, sinh viên, con cái, đồng nghiệp, AI làm giúp bài khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh nên kết quả thiếu độ tin cậy.
Ngày 15/4/2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 1879/KH-SGDĐT về việc tổ chức khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh của công chức, viên chức ngành giáo dục và Đào tạo Thành phố.
Chúng tôi là một nhóm giáo viên bậc phổ thông đã tham gia khảo sát trực tuyến ngày 23, 24/4.
Chúng tôi thấy rằng, việc giáo viên được tự do lựa chọn thời gian làm bài và không hề có sự giám sát dẫn đến kết quả khảo sát thiếu khách quan, thiếu trung thực.
Sau bài khảo sát, lòng chúng tôi trĩu nặng, không ít "tâm tư" kể cả sự bức xúc và có đôi điều xin chia sẻ mang tính góp ý, xây dựng cho ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.

Kế hoạch số 1879/KH-SGDĐT về việc tổ chức khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh. (Ảnh: Nhóm giáo viên)
Thứ nhất, theo nội dung Kế hoạch, đối tượng khảo sát là giáo viên đang giảng dạy tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập trên địa bàn Thành phố.
Như thế, bên cạnh giáo viên dạy môn Tiếng Anh thì các thầy cô giáo dạy các môn học cũng phải tham gia làm bài khảo sát.
Đáng nói, giáo viên dạy môn Tiếng Anh và các môn khác cùng làm một bài thi có cấu trúc và độ khó như nhau thì làm sao công bằng?
Cùng với đó, nhiều giáo viên trước đây (thời học phổ thông, đại học, sau đại học) học tiếng Pháp, Nga, Trung Quốc,... và chưa bao giờ học tiếng Anh thì thầy cô giáo sẽ làm bài khảo sát bằng cách nào?
Bên cạnh đó, nhiều giáo viên biết tiếng Anh nhưng thầy cô giáo lại không sử dụng hàng chục năm, kiến thức mai một, việc làm bài khảo sát khó tránh kiểu đối phó, cho xong việc.
Thứ hai, nội dung bài khảo sát quy định, giáo viên thực hiện 01 bài khảo sát trắc nghiệm khách quan, thời lượng 90 phút, bao gồm các kỹ năng nghe, đọc và viết nhằm đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung tham chiếu chuẩn châu Âu CEFR (từ A1 đến C2).
Bài khảo sát được thiết kế và chuẩn hóa bởi Cambridge Assessment English, bảo đảm tính khách quan, khoa học và độ tin cậy cao trong việc đánh giá trình độ tiếng Anh của giáo viên.
Qua 2 ngày làm bài khảo sát (23, 24/4), theo đánh giá chủ quan của chúng tôi, cấu trúc bài khảo sát dài, nội dung khó hơn tưởng tượng, giáo viên khó đạt mức trung bình nếu như không có sự trợ giúp.
Chúng tôi đem nội dung khảo sát trao đổi với giáo viên dạy môn Tiếng Anh, học sinh giỏi, sinh viên sư phạm ngành Tiếng Anh của một số trường đại học sư phạm trên địa bàn thành phố, kể cả người bản ngữ (nói tiếng Anh) thì đều nhận được câu trả lời là rất khó.
Thứ ba, thời gian khảo sát được tiến hành từ ngày 23-29/4 tùy theo cấp học và địa bàn. Việc ngành giáo dục Thành phố tổ chức khảo sát vào thời điểm này khiến giáo viên chúng tôi cảm thấy khá áp lực.
Bởi vì, đây là thời điểm chúng tôi vừa dạy theo chương trình vừa tranh thủ thời gian ôn tập cho học sinh kiểm tra học kì 2.
Đối với giáo viên dạy lớp 9, lớp 12 thì áp lực tăng lên gấp bội vì thầy cô còn phải soạn đề, ôn tập, sửa bài giúp học sinh chuẩn bị bước vào kì thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới.
Thú thật, chúng tôi vừa dạy học vừa làm bài khảo sát nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy ở trên lớp. Chúng tôi còn thêm một nỗi sợ, nếu làm bài không đạt thì phải đi học bồi dưỡng, rất mất thời gian, công sức.
Điều chúng tôi lo lắng là có cơ sở vì việc này đã từng xảy ra trong quá trình bồi dưỡng thường xuyên chuyển đổi số. Ở học kì 1 năm học này, chúng tôi được khảo sát năng lực chuyển đổi số và những giáo viên không đạt sau đó phải tham gia lớp học nâng cao với kinh phí 500.000 đồng cho một cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố.
Thứ tư, mục đích kế hoạch cho biết, việc khảo sát nhằm "Đánh giá toàn diện thực trạng năng lực và trình độ tiếng Anh của đội ngũ công chức, viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo, nhằm xác định cụ thể thế mạnh, hạn chế và sự phân bố năng lực ngoại ngữ trong toàn hệ thống giáo dục."
"Cung cấp dữ liệu nền tảng để xây dựng các chương trình, kế hoạch bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm hiệu quả, khả thi và phù hợp với định hướng phát triển đội ngũ giáo viên theo lộ trình rõ ràng."
Tuy vậy, theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều giáo viên làm bài khảo sát thiếu nghiêm túc vì nhiều lí do khác nhau, kéo theo việc đánh giá toàn diện thực trạng năng lực và trình độ tiếng Anh của đội ngũ giáo viên có độ tin cậy thấp.
Nhiều giáo viên lo lắng bài khảo sát không đạt, phải tham gia bồi dưỡng trình độ nên nhiều thầy cô giáo nhờ học sinh, sinh viên, con cái, đồng nghiệp, AI (trí tuệ nhân tạo) làm bài giúp.
Các giáo viên được hỏi cho biết, thầy cô chỉ nhờ hỗ trợ làm bài với điểm số ở mức trung bình, tránh điểm bài làm cao vì... khó ăn khó nói với đồng nghiệp, với lãnh đạo.
Thứ năm, cũng theo nội dung Kế hoạch, việc khảo sát nhằm: "Tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên phụ trách các môn học ngoài môn Tiếng Anh có đủ năng lực sử dụng tiếng Anh trong hoạt động chuyên môn, giảng dạy tích hợp và hỗ trợ học sinh tiếp cận tri thức bằng ngoại ngữ. Qua đó, từng bước hình thành môi trường học tập song ngữ, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường."
Chúng tôi nhận thấy, việc tạo điều kiện cho giáo viên phụ trách các môn học ngoài môn Tiếng Anh có đủ năng lực sử dụng tiếng Anh trong hoạt động chuyên môn, giảng dạy tích hợp và hỗ trợ học sinh tiếp cận tri thức bằng ngoại ngữ là tốt đẹp.
Tuy nhiên, việc yêu cầu giáo viên các môn học phải làm bài khảo sát đại trà, thiếu giám sát, chỉ trông chờ vào sự trung thực, lòng tự trọng nghề nghiệp của thầy cô giáo là chưa phù hợp.
Lẽ ra, theo chúng tôi, ngành giáo dục Thành phố chỉ cần cho những thầy cô giáo có năng lực ngoại ngữ tự nguyện đăng kí tham gia khảo sát là hợp tình hợp lí. Việc khảo sát phải được tiến hành theo một quy trình bài bản, chặt chẽ, nghiêm túc, trong đó có sự giám sát như một kì thi.
Là những giáo viên nặng lòng với ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy rằng, việc đánh giá toàn diện thực trạng năng lực và trình độ tiếng Anh của giáo viên nhằm xác định cụ thể thế mạnh, hạn chế và sự phân bố năng lực ngoại ngữ trong toàn hệ thống giáo dục là việc làm đúng đắn.
Đây là cơ sở để ngành giáo dục đề xuất nội dung, lộ trình, giải pháp phù hợp nhằm xây dựng Đề án “Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học". Tuy nhiên, có lẽ ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức việc khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh của giáo viên thiếu cân nhắc, vội vàng nên gặp phải sự phản ứng của nhiều giáo viên. Và quan trọng, sau khi khảo sát, những giáo viên không đạt kết quả có tham gia bồi dưỡng do đơn vị nào đứng sau không?.