Lần đầu tiên áp dụng lương tối thiểu theo giờ

22.500 đồng/giờ.

Đây là hướng dẫn vừa được Liên đoàn lao động TP.Hà Nội ban hành về việc triển khai thực hiện Nghị định số 38 của Chính phủ về mức lương tối thiểu (LTT) đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo quy định các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội áp dụng mức LTT theo 2 vùng là: vùng 1 và vùng 2.

Cụ thể, mức LTT theo giờ cao nhất là 22.500 đồng/giờ được áp dụng cho các doanh nghiệp nằm trên địa bàn vùng 1, gồm: 12 quận (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông) và 12 huyện, thị xã (Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ và TX.Sơn Tây).

Mức LTT theo giờ 20.000 đồng/giờ áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng 2, gồm 6 huyện còn lại là: Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ứng Hòa, Phú Xuyên.

Ngoài mức LTT theo giờ bắt đầu được áp dụng từ năm nay, mức LTT theo tháng tăng 6% cũng được áp dụng tại 2 vùng, vùng 1 là 4,68 triệu đồng và vùng 2 là 4,16 triệu đồng.

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, đồng thời triển khai Nghị định 38 đúng quy định, Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội yêu cầu liên đoàn lao động các quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên cơ sở chỉ đạo các công đoàn cơ sở trực thuộc chủ động phối hợp với người sử dụng lao động trong doanh nghiệp xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo đúng quy định.

Trong đó, mức LTT tháng được áp dụng đối với người lao động đang hưởng lương theo hình thức trả lương tháng. Mức LTT giờ áp dụng đối với người lao động đang hưởng lương theo hình thức trả lương theo giờ.

Người lao động tìm hiểu việc làm tại phiên giao dịch việc làm

Việc áp dụng lương tối thiểu theo giờ là cần thiết để bảo vệ quyền lợi về lương cho các đối tượng làm việc bán thời gian, lao động ở khu vực phi chính thức. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng mức đề xuất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là vẫn còn thấp so với mặt bằng giá cả hiện nay.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng thế giới đã có quy định tiền lương tối thiểu theo giờ từ rất lâu, Việt Nam đi sau về quy định này thì nên tính toán cách tính cho phù hợp, không thể áp dụng máy móc theo kiểu lấy lương tối thiểu tháng chia cho số ngày và số giờ làm việc ra kết quả lương tối thiểu giờ.

“Tôi cho rằng tiền lương tối thiểu theo giờ phải cao hơn lương tối thiểu tháng bởi người lao động làm công việc bán thời gian và không ổn định. Nếu tính ngang với lương tối thiểu hiện nay sẽ thiệt thòi cho lao động ở khu vực phi chính thức,” ông Phạm Minh Huân nói.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, cho rằng lương tối thiểu theo tháng chỉ phù hợp đối với khu vực có lao động quan hệ ổn định. Đề xuất lương tối thiểu theo giờ là rất cần thiết bởi thị trường lao động hiện nay rất đa dạng. Đặc biệt ở khu vực không chính thức có rất nhiều công việc làm bán thời gian, không trọn ngày... nên cần có quy định về lương tối thiểu theo giờ.

Theo bà Hương, mức sàn mà Bộ Lao động-Thương binh và xã hội đưa ra là hơi thấp. Nếu tính đến các hệ số về bảo hiểm, chính sách an toàn lao động… thì mức lương tối thiểu giờ từ 30.000-31.000 đồng/giờ là phù hợp hơn.

HanoiTV

Tin liên quan Những tác động của việc tăng lương với người lao động
Từ 1/7, chính thức tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/lan-dau-tien-ap-dung-luong-toi-thieu-theo-gio-d201114.html