Lần đầu tiên các cơ sở giáo dục đại học được đào tạo chương trình thạc sĩ ứng dụng
Từ ngày 15/10 tới, các cơ sở giáo dục đại học có thể đào tạo, cấp bằng thạc sĩ theo hai chương trình định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng.
Ảnh: trường ĐH Khoa học, ĐH Huế
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ (gọi tắt là thông tư 23).
So với Quy chế hiện hành, Quy chế 23 có nhiều điều mới. Trong đó, lưu ý nhất là lần đầu tiên, đào tạo trình độ thạc sĩ của các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam chia thành 2 chương trình đào tạo độc lập: chương trình đào tạo thạc sĩ nghiên cứu và chương trình đào tạo thạc sĩ ứng dụng.
Theo Quy chế mới này, hình thức đào tạo chính quy được áp dụng cho chương trình định hướng nghiên cứu và chương trình định hướng ứng dụng.
Hình thức đào tạo vừa làm vừa học áp dụng cho chương trình định hướng ứng dụng. Thời gian kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với hình thức vừa làm vừa học dài hơn ít nhất 20% so với hình thức đào tạo chính quy của cùng chương trình đào tạo.
Thời gian tối đa để học viên hoàn thành khóa học được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo nhưng không vượt quá 2 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với mỗi hình thức đào tạo.
Một điểm mới nữa của Thông tư 23 vừa được ban hành đó là quy định về công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ nhằm liên thông giữa các trình độ giáo dục ĐH, trao đổi học thuật trong nước và với nước ngoài; tổ chức thực hiện công nhận và chuyển đổi tín chỉ bảo đảm tiêu chuẩn và quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc trao đổi học viên, số lượng tín chỉ học viên theo học ở cơ sở đào tạo phối hợp được công nhận không quá 25% tổng số tín chỉ của chương trình đào tạo học viên đang theo học nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo.
Một điểm mới nữa đó là quy chế lần này cho phép đào tạo trực tuyến không quá 30% khối lượng tín chỉ của chương trình đào tạo. Quy định này xuyên suốt và nhất quán với quy chế đào tạo trình độ ĐH và tiến sĩ đã ban hành.
Nhất quán với quy chế đào tạo trình độ ĐH, Quy chế này cho phép đánh giá trực tuyến với điều kiện bảo đảm sự tin cậy, công bằng và khách quan như đánh giá trực tiếp, đóng góp không quá 50% trọng số điểm học phần.
Trường hợp thiên tai, dịch bệnh và bất khả kháng khác, công tác đào tạo và đánh giá trực tuyến các học phần thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Đối với luận văn, đề án, Thông tư 23 yêu cầu tăng cường liêm chính học thuật; giám sát và kiểm soát việc chống sao chép; xây dựng chế tài, nghiêm túc xử lý khi có vi phạm; bảo đảm tính trung thực của nội dung luận văn, đề án và chuyên đề nghiên cứu khác.
Nhằm nâng cao chất lượng, cũng như để xã hội và các bên liên quan cùng giám sát, Quy chế yêu cầu, sau khi bảo vệ thành công, toàn văn luận văn, báo cáo đề án (đã được chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu của hội đồng nếu có) phải được lưu trữ tại thư viện và công bố trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo trong ít nhất 30 ngày.