Lần đầu tiên công bố gần 100 châu bản về xây dựng Kinh thành Huế
Tại Triển lãm 'Kinh thành Huế - Dấu xưa còn lại' sẽ công bố gần 100 châu bản có lưu hình dấu và bút tích ngự phê về câu chuyện xây dựng Kinh thành Huế.
Kinh thành Huế là nơi đã ghi dấu một thuở vàng son của vương triều Nguyễn cũng như chứng kiến những hưng vong, thành bại của triều đại quân chủ cuối cùng này. Sau bao thăng trầm của lịch sử và sự biến thiên của thời gian, Kinh thành Huế đã chịu nhiều tàn phá, có nơi đã trở thành phế tích, thậm chí có nơi chỉ còn là dấu tích. Tuy nhiên, những dấu xưa thành cũ đó và cả những công trình còn hiện hữu của Kinh thành Huế vẫn còn in dấu trong từng trang châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới.
Thông tin từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết, thông qua nguồn sử liệu cùng những hình ảnh tiêu biểu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Triển lãm “Kinh thành Huế - Dấu xưa còn lại” vào ngày 17 tháng 1 năm 2024 tại Quảng trường Ngọ Môn, Đại Nội, Huế.
Theo đó, tại triển lãm công bố lần đầu gần 100 châu bản có lưu hình dấu và bút tích ngự phê cùng nhiều tư liệu, hình ảnh về câu chuyện xây dựng Kinh thành Huế. Đặc biệt, những tài liệu, tư liệu và hình ảnh này được triển lãm trên chính khu vực Kỳ Đài, Thượng thành, Kinh thành Huế để du khách đến với Huế có thêm những thông tin giá trị về một nét xưa thành cũ trên đất cố đô.
Triển lãm bố cục thành 2 phần: Phần I: Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế trong dòng lịch sử; Phần II: Kinh thành Huế - dấu tích một triều đại.
Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, từ bao giờ xứ Huế đã khoác lên mình vẻ đẹp dịu dàng của dòng sông Hương thơ mộng và ẩn chứa nét u hoài, cổ kính của một cố đô. Nhìn lại lịch sử, mảnh đất núi Ngự sông Hương này từng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc ta.
Từ nửa đầu thế kỉ 17, nơi đây đã được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ. Đầu thế kỉ 18, đất này trở thành đô thành của Đàng Trong. Dưới triều Tây Sơn, đất Phú Xuân này được vua Quang Trung chọn làm kinh đô. Sau khi Nguyễn Ánh vương thống nhất đất nước, Phú Xuân lại trở thành kinh đô của triều Nguyễn.
Sau khi lên ngôi, vua Gia Long “muốn mở rộng đô thành để làm nơi bốn phương chầu hội”. Năm 1803, vua sai giám thành là Nguyễn Văn Yến ra “bốn mặt ngoài đô thành cũ Phú Xuân đo cắm để mở rộng thêm”. Sau đó, Kinh thành mở ra các xã Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Hòa, An Mỹ, An Bảo, Thế Lại và vua Gia Long thân định cách thức xây thành. Năm 1805, vua bắt đầu cho xây đắp Kinh thành. Việc xây đắp Kinh thành kéo dài đến năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) mới hoàn thành. Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, Kinh thành Huế có lẽ là công trình đồ sộ nhất và quy mô nhất.
Kinh thành Huế nằm bên bờ Bắc sông Hương, gồm 3 vòng thành là Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành. Theo thuyết trong Kinh dịch: “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ hướng minh nhi trị” (Bậc Thánh nhân hướng về phía nam, nghe ngóng thiên hạ, hướng về lẽ sáng để cai trị thiên hạ) nên các công trình này đều quay mặt về hướng Nam.
Kinh thành được xây dựng theo kiến trúc Vauban với 24 pháo đài quanh thành bố trí cách đều nhau. Phía bên ngoài thành có một hệ thống hào, sông bao quanh vừa có chức năng bảo vệ Kinh thành vừa có chức năng giao thông đường thủy. Đồng thời, phía bên trong có sông Ngự Hà là đường thủy duy nhất vắt ngang Kinh thành. Cùng với đó là hệ thống cửa của Kinh thành với 10 cửa chính thông ra ngoài thành, 1 cửa thông tới Trấn Bình đài và 2 cửa thủy quan ở phía Đông và Tây trên dòng Ngự Hà.