Lần đầu tiên công bố nhiều văn bản quan trọng của Châu bản triều Nguyễn
Trưng bày 'Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại' đã giới thiệu đến công chúng hàng trăm trang tài liệu đặc sắc được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn – Di sản Tư liệu Thế giới và nhiều hiện vật tiêu biểu. Trong đó, nhiều văn bản quan trọng lần đầu tiên được công bố.
Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), tối ngày 17/11, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) tổ chức Không gian trưng bày "Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại".
Phát biểu tại lễ khai mạc, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng chia sẻ: Năm 2014, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO vinh danh là Di sản Tư liệu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2017, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO vinh danh là Di sản Tư liệu Thế giới.
Từ đó, có thể thấy, Châu bản triều Nguyễn là một trong những di sản đặc biệt của nhân loại, bởi lẽ đây là các tài liệu hiếm hoi trên thế giới lưu trữ được rất nhiều bút tích trực tiếp của các hoàng đế trên văn bản. Các bút phê phán này, ngoài ý nghĩa về nội dung, thể hiện vai trò quyền lực của người đứng đầu đất nước, còn mang những giá trị nghệ thuật vô cùng đặc sắc. Vậy nên, triển lãm lần này được tổ chức với mong muốn giới thiệu đến với công chúng và thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với di sản tư liệu của nhân loại.
"Trưng bày lần này là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa trưng bày hiện vật gốc kết hợp với công nghệ trình chiếu. Đây cũng là một trong những bước đi đầu tiên mang tính thử nghiệm đối với trưng bày tài liệu lưu trữ tại Việt Nam. Với hàng trăm hình ảnh, tài liệu, tư liệu và một số hiện vật được thể hiện dưới nhiều thức, ký ức của một triều đại sẽ được tái hiện ở đây, chúng tôi hy vọng sẽ đem đến cho người xem những ấn tượng mới, những trải nghiệm thực sự sinh động" – ông Đặng Thanh Tùng nói.
Châu bản triều Nguyễn là hệ thống văn bản hành chính được sản sinh trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền triều Nguyễn, bao gồm văn bản do các Hoàng đế ban hành và văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực màu son đỏ. Hệ thống văn bản này được giao cho Nội các triều Nguyễn tập hợp và quản lý thống nhất thành một khối văn thư của triều đình.
Châu bản triều Nguyễn còn lại hiện nay gồm hơn 86.000 văn bản gốc của 11 triều vua nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Trong đó có 10 vị vua để lại bút tích phê duyệt bằng mực son trên văn bản. Hai triều vua không có Châu bản là Dục Đức và Hiệp Hòa.
Trải qua 143 năm tồn tại (1802 - 1945), triều Nguyễn đã lưu dấu ấn trong lịch sử về thống nhất giang sơn, xác lập chủ quyền, quan hệ bang giao, kiến thiết kinh đô, văn hóa giáo dục, đời sống xã hội, thiết chế hành chính, chế định luật pháp, khoa cử thư tịch…, tất cả đều được phản ánh rõ nét qua Châu bản triều Nguyễn.
Cố Giáo sư Phan Huy Lê từng nhìn nhận: "Châu bản triều Nguyễn là một di sản văn hóa mang giá trị kép, vừa là vật thể vừa phi vật thể vô giá, không những quý hiếm mà còn duy nhất, độc bản được bảo tồn đến ngày nay."
Từ những nội dung trên, trưng bày đã giới thiệu đến công chúng hàng trăm trang tài liệu đặc sắc được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới và nhiều hiện vật tiêu biểu. Trong đó, nhiều văn bản quan trọng lần đầu tiên được công bố.
Một trong những điểm đáng chú ý của trưng bày lần này là không gian thiết kế ấn tượng kết hợp công nghệ trình chiếu, nghệ thuật sắp đặt, làm tôn lên giá trị của tài liệu, hiện vật trưng bày, hứa hẹn đem đến cho người xem những trải nghiệm sống động. Bên cạnh đó, khách tham quan còn được trực tiếp tương tác để tìm hiểu, khám phá thêm nhiều thông tin lịch sử bổ ích, thú vị từ Châu bản.
Chia sẻ về điểm đặc biệt trong triển lãm lần này, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I Trần Thị Mai Hương cho biết: "Châu bản triều Nguyễn đã trở thành một tài liệu di sản của thế giới nên việc lan tỏa ra cho công chúng trong và ngoài nước là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đối với lớp trẻ cần phải có sự đổi mới và sáng tạo nên chúng tôi đã đưa ra một cách trưng bày mới là kết hợp giữa truyền thống với công nghệ trình chiếu, có những hoạt động tương tác, để thu hút được giới trẻ đến tham quan. Qua đó, sẽ giúp các bạn trẻ có thêm kiến thức lịch sử và thêm yêu những di sản quý báu của cha ông để lại".
Khu vực trưng bày đặc biệt thích hợp với học sinh, sinh viên, đem đến cho các bạn trẻ những bài học lịch sử bổ ích nhìn từ Châu bản, từ đó, có thể bổ trợ và làm phong phú thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa trong nhà trường.
Đến tham quan triển lãm, bạn Bùi Huyền Minh – sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Lần đầu tiên đặt chân đến triển lãm, tôi cảm thấy rất bất ngờ, vì khi bước vào không gian triển lãm, tôi như được trở về quá khứ của triều Nguyễn. Với những hiện vật trưng bày tại đây đã giúp tôi hiểu rõ hơn về văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc mình, đặc biệt ở triều Nguyễn. Cùng với cách trưng bày kết hợp với công nghệ trình chiếu, tôi nghĩ rằng, sẽ giúp cho các bạn trẻ cảm thấy gần gũi, dễ tiếp cận hơn với những lịch sử của dân tộc, từ đó các bạn trẻ sẽ có ý thức hơn trong việc phát huy, lan tỏa những giá trị của cha anh để lại. Tôi mong rằng, các bạn trẻ hãy một lần đến với triển lãm để trải nghiệm một không gian văn hóa đặc sắc này".
Trưng bày Châu bản triều Nguyễn – Ký ức một triều đại diễn ra ngày 17/11 tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, số 5 phố Vũ Phạm Hàm (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội)./.