Hà Nội thu ngân sách cao kỷ lục, vượt 500.000 tỷ đồng

Năm 2024, lần đầu tiên số thu ngân sách của Thủ đô vượt mốc nửa triệu tỷ, chiếm 23% tổng thu của cả nước; trong đó ngành thuế đóng góp tới 95%, với số thu nội địa ước đạt hơn 470 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách là điểm sáng quan trọng trong bức tranh kinh tế Thủ đô.

Khép lại năm 2024, Hà Nội và TP. HCM là hai địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước. Lần đầu cả hai thành phố đều vượt mốc thu 500.000 tỷ đồng. Tuy nhiên xét về thu nội địa, Hà Nội thu cao hơn TP. HCM khoảng 100.000 tỷ và là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ tiêu này.

Ông Vũ Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế - Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết: "Để có được kết quả thu cao như vậy, trong năm 2024, Cục Thuế đã triển khai các biện pháp quản lý thu đồng bộ, toàn diện, hiệu quả. Từ đó các sắc thuế, khoản thu đều tăng trưởng vượt mức 2 con số. Trong năm 2024, chúng tôi cũng đã thực hiện đồng hành tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và thực hiện gia hạn, miễn giảm kịp thời, giúp doanh nghiệp có được dòng tiền, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh".

Gần 150.000 doanh nghiệp, người nộp thuế đã được miễn, giảm, gia hạn 7 loại thuế, 36 loại phí với số tiền 53.000 tỷ đồng trong năm 2024. Đây thực sự là nguồn lực quý giá, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu. Điển hình như Công ty TNHH Viettel CHT, với hai lĩnh vực chính là cho thuê vị trí đặt máy chủ và cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, năm 2024, bằng nhiều nỗ lực vượt khó, đơn vị này đã đạt mức doanh thu 1.800 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Doanh thu vượt chỉ tiêu, doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để hoàn thành nghĩa vụ ngân sách với số nộp từ 3 sắc thuế: giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân xấp xỉ 145 tỷ đồng.

Ông Bùi Duy Bảo, Kế toán trưởng Công ty TNHH Viettel CHT chia sẻ: "Thuế VAT giảm từ 10% xuống 8%, giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp tối ưu được dòng tiền cũng là một phần hỗ trợ doanh nghiệp. Cục Thuế đã có nhiều chính sách chuyển đổi số, thay đổi cách thức, giảm thời gian, giúp doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ thuận lợi hơn, tránh thủ tục hành chính rườm rà".

Nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp cùng những đổi mới trong công tác quản lý thuế đang mang lại cơ cấu thu bền vững, giảm bớt phụ thuộc vào tài nguyên đất. Năm 2024, thu từ sản xuất kinh doanh tăng và chiếm trên 62% tổng thu. Các sắc thuế chính như VAT, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt, đều tăng trưởng 2 con số.

Xây dựng dữ liệu lớn, ứng dụng AI, đẩy mạnh chuyển đối số… đặc biệt việc triển khai Đề án 06 và Chỉ thị 18 của Chính phủ đã tạo bước ngoặt lớn trong công tác quản lý thuế khi lần đầu tiên cá nhân, tổ chức kinh doanh trên môi trường điện tử được định danh rõ ràng. Đây là cơ sở quan trọng để mở rộng đối tượng, cơ sở và nguồn thu. Năm 2024, thu từ thương mại điện tử lần đầu tiên cán mốc gần 38.900 tỷ đồng, tăng 34% cùng kỳ 2023.

Cùng với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu, công tác chống thất thu được triển khai chặt chẽ, hiệu quả đã góp phần tăng thu đáng kể. Việc thực hiện kiểm tra theo chuyên đề; cảnh báo rủi ro hóa đơn điện tử; tạm hoãn xuất nhập cảnh với các trường hợp nợ thuế; phối hợp cơ quan công an xử lý mạnh tay các trường hợp gian lận, trốn thuế… đã thu nộp cho ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng.

2025 là năm đầu tiên triển khai Luật Thủ đô cũng là năm có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025 của Hà Nội. Việc phối hợp nhịp nhàng, triển khai đồng bộ, quyết liệt dự toán thu chi ngân sách ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu tài chính, ngân sách được giao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp là những lưu ý của người đứng đầu thành phố với ngành tài chính nói chung, ngành thuế nói riêng trong ngày Hà Nội khóa sổ quyết toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Phan Hường

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/lan-dau-tien-ha-noi-thu-ngan-sach-tren-500000-ty-dong-292725.htm