Lần đầu tiên kỷ niệm Ngày Thương binh toàn quốc

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Cuối tháng 5.1947, đồng chí Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh kiêm Bí thư Trung ương Quân ủy nhận được Chỉ thị của Bác Hồ và truyền đạt lại cho Chính trị cục để tổ chức thực hiện: 'Do yêu cầu của cuộc kháng chiến, nhiệm vụ tác chiến ngày càng mở rộng, Chính trị cục cần tổ chức một bộ phận chuyên lo công tác thương binh'.

Nghiêm chỉnh thực hiện Chỉ thị của Bác, Phòng Thương binh được thành lập ngay và trực thuộc Trung ương Quân ủy. Cuối tháng 6.1947, Bác lại Chỉ thị xúc tiến chuẩn bị tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Bác, đầu tháng 7.1947 Ban vận động tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc” được thành lập. Ban đã tổ chức ngay cuộc họp bàn triển khai công việc (tại xã Phú Ninh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Dự họp có đại diện của các cơ quan: Nha Thông tin, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Chính trị cục, Tổng bộ Việt Minh, Khu I (Việt Bắc), Khu X (Tây Bắc) và đại biểu các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng... Lúc này thực dân Pháp đã đánh phá Việt Bắc dữ dội hòng tiêu diệt đầu não kháng chiến. Do vậy tổ chức hội họp cũng rất khó khăn. Cuộc họp có khoảng 20 người tham dự, bàn bạc chưa xong thì máy bay địch bắn phá liên tục đến hết cả buổi chiều. Cuộc họp phải họp tiếp vào buổi tối. Hai việc trọng tâm được bàn bạc là xác định mục đích, yêu cầu của “Ngày thương binh toàn quốc” và quyết định ngày cụ thể.

Về mục đích, yêu cầu, cuộc họp thống nhất 5 điểm: Một là, làm cho toàn dân nhận thức được sự hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ ngoài mặt trận mà phải có trách nhiệm đối với thương binh. Hai là, động viên các thương binh an tâm điều trị, điều dưỡng. Ba là, làm cho các gia đình thương binh, liệt sĩ hiểu rõ sự quan tâm của Nhà nước và Đoàn thể mà yên tâm, tự hào về sự đóng góp của người thân. Bốn là, động viên các chiến sĩ ngoài mặt trận phấn khởi, hăng hái chiến đấu, giết giặc lập công. Năm là, động viên Nhân dân tích cực tham gia kháng chiến, thanh niên hăng hái tòng quân - tham gia quân đội.

Về xác định ngày cụ thể, cuộc họp thảo luận rất sôi nổi, nhiều ý kiến tâm huyết, nhưng rồi tất cả đều tán đồng ý kiến của đại diện Tổng bộ Việt Minh, “Ngày 27 là thích hợp, vì nhiều lẽ: thứ nhất là, từ nay đến đó đủ thời gian cho công tác chuẩn bị; thứ hai là, vẫn bảo đảm thực hiện trong tháng 7 như tinh thần Chỉ thị của Bác; thứ ba là, các đồng chí có thấy do sự trùng hợp 3 con số 7 của ngày, tháng, năm (27.7.1947) mà nó rất dễ nhớ không”? Cả phòng họp ồ lên vui vẻ, thế là “ngày tốt” đã được lựa chọn. Đại diện Tổng bộ Việt Minh còn cao hứng, xuất khẩu thành thơ, “Dù ai đi Đông, đi Tây/Hai bảy tháng Bảy nhớ “Ngày thương binh”.

Bác Hồ với các thương binh. Ảnh tư liệu

Bác Hồ với các thương binh. Ảnh tư liệu

Kết quả cuộc họp được báo cáo lên cấp trên. Ngày 17.7.1947, Bác Hồ đã gửi cho Ban Thường trực Ban Tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc” một bức thư thấm đẫm tình cảm của Bác đối với thương binh, gia đình liệt sĩ.

Thư Bác giải thích cặn kẽ, vì sao mà có thương binh? Vì sao Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn và giúp đỡ thương binh? Bác viết, “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.

Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt.

Vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy...”(1)

Bác kêu gọi đồng bào thực hành tiết kiệm để ủng hộ, giúp đỡ thương binh. Bác tuyên bố, “Ngày 27-7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, tỏ lòng yêu mến thương binh”(2).

Người đã nêu gương trước tiên bằng hành động tiết kiệm, nhường cơm sẻ áo của chính mình, cuối thư, Người viết, “Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi,1 bữa ăn của tôi, và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ00)(3).

Sau khi thống nhất chủ trương, xác định ngày cụ thể, Ban vận động “Ngày thương binh toàn quốc” phối hợp với lãnh đạo các ngành, các giới triển khai đến tất cả các cấp, các ngành, các địa phương (từ tỉnh đến huyện, đến xã) để phát động hưởng ứng ngày đại lễ này.

Ở Trung ương, tại chiến khu Việt Bắc, lễ kỷ niệm diễn ra đúng buổi tối ngày 27.7.1947 tại một khu rừng với khoảng 2.000 đại biểu của hầu hết các ban, ngành ở Trung ương và các tầng lớp Nhân dân các xã sở tại của huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và một tiểu đoàn bộ đội đóng quân tại địa phương. Từ mấy hôm trước, theo kế hoạch của Ban tổ chức, anh chị em tự vệ và lực lượng thanh niên địa phương đã đào sẳn hầm hố trú ẩn, giao thông hào di chuyển từ nơi dựng lễ đài mít tinh trong rừng ra đến bìa rừng, phòng khi địch bắn phá, ném bom.

Màn đêm dần buông xuống, khoảng 18 giờ, các đại biểu các cơ quan, Đoàn thể ở Trung ương và bộ đội đã tập hợp theo từng “khối” trước lễ đài, quần chúng Nhân dân đứng bao bọc xung quanh và phía sau. Không khí hân hoan tràn ngập song rất trật tự. Trời tối hẳn, những ngọn đuốc được làm bằng nhựa Trám đã thắp lên, cháy rần rật lung linh huyền ảo...

Sau lời tuyên bố khai mạc, đại diện Ban tổ chức trịnh trọng tuyên đọc bức thư của Hồ Chủ tịch nhân “Ngày thương binh toàn quốc”. Lời thư không chỉ nhắc nhở chúng ta hãy quan tâm sâu sắc tới anh chị em thương binh, gia đình liệt sĩ mà còn bao hàm cả tình cảm dân tộc, tình cảm con người và đạo lý cao cả của tổ tiên “uống nước, nhớ nguồn”. Dứt lời đọc thì tiếng vỗ tay rầm rập, đồng loạt nổi lên như sóng cồn hồi lâu mới ngớt...

Một đại biểu thương binh lên phát biểu, đồng chí đã nói lên sự phấn khởi và lòng biết ơn trước sự quan tâm ân cần, nhân ái của Chính phủ, của Đoàn thể, của Bác Hồ đối với anh chị em thương binh và gia đình liệt sĩ, hứa sẽ gắng sức phấn đấu để xứng đáng với sự quan tâm sâu sắc ấy. Tiếp đó là phát biểu của Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc xã Lục Ba, huyện Đại Từ - một người có tinh thần và nhiệt huyết cao giúp đỡ bộ đội, thương binh (được Bác Hồ gửi thư khen ngợi) đại diện cho Nhân dân và giới phụ nữ địa phương tỏ lòng ngưỡng mộ “Ngày thương binh toàn quốc” và tình cảm, trách nhiệm của phụ nữ và Nhân dân đối với thương binh...

Buổi mít tinh kết thúc trong những tiếng hô lớn “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” vang động cả một vùng núi thẳm, rừng xanh của đại ngàn Việt Bắc...

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và Ban tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”, các địa phương đã tổ chức lễ kỷ niệm rất trang trọng, sôi nổi. “Ngày thương binh toàn quốc” được bắt đầu từ Đại Từ lan tỏa khắp các tỉnh khu I, sang các tỉnh khu X, xuống khu II, khu III, vào liên khu IV... vào tận Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ với nhiều nội dung phong phú, trong đó có việc bớt ăn, bớt tiêu, tiết kiệm, góp lại nuôi dưỡng thương binh. Từ đó có câu ca, “Bữa ăn chín cũng như mười/Mỗi nhà nuôi lấy một người thương binh”...

Trong tiến trình cách mạng, “Ngày thương binh toàn quốc” đã được đổi thành “Ngày thương binh, liệt sĩ” và đã trở thành một trong những ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc ta.

(1), (2), (3): Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, trang 175-176, Nxb CTQG, HN. 1995.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/lan-dau-tien-ky-niem-ngay-thuong-binh-toan-quoc-i338000/