Lần đầu tiên phát hiện lỗ đen 'nấc cụt': Bóng ma kép
Một lỗ đen quái vật đã khiến các nhà khoa học bối rối vì cứ 8 ngày rưỡi lại 'nấc' lên một lần.
Theo Live Science, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Viện Vật lý thiên văn - Nghiên cứu không gian Kavil ở Mỹ đã phát hiện ra lỗ đen "nấc cụt" đầu tiên được biết đến.
Hiện tượng này cho thấy đĩa vật chất xung quanh các lỗ đen có thể ẩn chứa nhiều bí ẩn hơn chúng ta từng nghĩ trước đây.
Lỗ đen quái vật kỳ lạ này là nặng khoảng 50 triệu Mặt Trời và sống ở trung tâm một thiên hà cách Trái Đất 800 triệu năm ánh sáng, đang phóng ra những khối khí vào không gian cứ sau mỗi 8 ngày rưỡi.
Cú "nấc cụt" kỳ lạ này dường như đến từ đĩa bồi tụ của lỗ đen, một vòng khí siêu nóng xoáy quanh vật thể và cũng là những gì giúp cho chúng ta có thể "nhìn thấy" lỗ đen, một thứ vốn hoàn toàn đen tối, vô hình.
Theo kết quả được công bố trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học MIT cuối cùng đã phát hiện nguyên nhân của sự bất thường.
Họ không phải nhìn vào chỉ một lỗ đen, mà tới 2 cái.
Trong đó, lỗ đen nhỏ hơn "lang thang" xung quanh lỗ đen lớn, thỉnh thoảng xuyên qua đĩa bồi tụ của lỗ đen lớn và là thủ phạm của sự khuấy động này.
Theo tác giả chính Dheeraj Pasham, phát hiện về lỗ đen thứ 2 là hoàn toàn bất ngờ.
"Chúng tôi đã phải vò đầu bứt tai trong nhiều tháng cho đến khi các nhà lý thuyết từ Czech đến và đưa ra lời gợi ý về một lỗ đen thứ cấp, dường như giải thích được tất cả các đặc tính của hệ thống này"- TS Pasham cho biết.
Nhờ đó, các tác giả đã xây dựng các mô hình để xem xét giả thuyết này và nhận ra nó hoàn toàn hợp lý.
Phát hiện này mở ra một hướng đi mới cho các nhà nghiên cứu thiên văn: Khám phá đĩa bồi tụ của các lỗ đen, nơi có thể còn ẩn chứa một thế giới đầy bí ẩn.