Lần đầu tôi thử tàu điện Cát Linh - Hà Đông sau 2 tuần

Dù phương tiện này được truyền thông nhắc tới nhiều lần suốt thời gian qua, đến tận bây giờ, tôi mới có cơ hội trải nghiệm.

Sau 13 ngày, tôi mới quyết định đi thử cho biết hệ thống tàu xây suốt 10 năm trời "mặt mũi" ra sao. Nhà tôi nằm ngay Thanh Xuân, gần ga Thượng Đình nên tôi đã được theo dõi từ ngày tàu mới bắt đầu được khởi công.

Vài năm trở lại đây, thỉnh thoảng tôi lại thấy bóng xanh nhỏ nhỏ, chạy chầm chậm trên cao. Đó là lúc tàu đang chạy thử. Bà tôi, hơn 70 tuổi, ngày ngày bán hàng ở mặt đường Nguyễn Trãi vẫn thường nhìn lên chuyến tàu chạy thử rồi xua tay: "Chạy thử chán chê mãi chưa thấy đi. Mà có đi bà cũng không ngồi lên. Sợ lắm, lỡ nó... rơi thì sao?".

Và đúng thật là khi tàu chạy thử, dù miễn phí, bà tôi vẫn nhất quyết không chịu đi. Nhiều người già như vậy, sợ thử cái mới.

Có lẽ vì thế, chuyến tàu không có nhiều người lớn tuổi, đa số là người trẻ, cao lắm cũng chỉ cỡ trung niên. Họ đi tàu nhưng tôi lại thấy chẳng giống đi tàu. Cái cách đi tàu của người Hà Nội thật lạ lùng...

Sàn catwalk của giới trẻ

Nếu để miêu tả về tàu điện Cát Linh - Hà Đông bằng một từ ngắn gọn, súc tích nhất, tôi sẽ gọi nó là "sàn catwalk" của giới trẻ. Đặc biệt ở ga Cát Linh, nơi này có thể xem là trung tâm của thời trang. Câu hỏi là tại sao giới trẻ mặc đẹp xuất hiện ở ga Cát Linh nhiều hơn ga khác? Điều này cũng khá dễ lý giải.

 Đủ kiểu chụp ảnh của các bạn trẻ. Ảnh: Anh Tú.

Đủ kiểu chụp ảnh của các bạn trẻ. Ảnh: Anh Tú.

Người đi tàu Cát Linh đợt này đa số là giới trẻ. Họ không có điểm dừng cụ thể nên thường đến ga đầu Cát Linh và theo tàu chạy thẳng về ga cuối Yên Nghĩa. Những bạn trẻ này không thường xuống các ga dọc đường bởi khung cảnh check-in gần như nhau.

 Ga Cát Linh giống sàn diễn thời trang của giới trẻ. Ảnh: Phạm Thắng.

Ga Cát Linh giống sàn diễn thời trang của giới trẻ. Ảnh: Phạm Thắng.

Thay vào đó, họ chọn tìm góc chụp khác hoặc nghỉ ngơi trên tàu để chờ tới ga Yên Nghĩa. Vì vậy, không khó hiểu khi ga Cát Linh được ví là "trung tâm thời trang" của cả tuyến đường sắt.

Giới trẻ mang những bộ đồ đẹp nhất tới đây để "sống ảo". Họ tạo dáng bên những bức tường được lát gạch xanh. Họ chờ khoảnh khắc tàu chạy qua để bấm được tấm ảnh "deep".

Dọc đường đi bộ là hàng dài người chờ đến lượt tạo dáng chụp ảnh. Khổ nhất chỉ có mấy anh bảo vệ khi phải liên hồi nhắc nhở.

Tuy nhiên, chỉ lúc sau, mọi thứ đâu lại vào đó. Bởi đơn giản nhu cầu của họ không phải đi tàu. Tất cả chỉ đang tìm kiếm một bức ảnh "xịn".

Thật kỳ lạ khi chuyến tàu người ta chờ đợi hàng chục năm lại chẳng mấy ai quan tâm nó chạy đi đâu, lộ trình thế nào, có tiện lợi đường đi làm không?

Chuyến tàu đầu tiên

Cảm quan đầu tiên của tôi về tàu là nó cũng không giống tưởng tượng. Cơ bản vẫn là cái tàu nhưng nó không giống những gì tôi vẫn hay thấy trên mạng.

Nó không xô bồ, chen chúc như các chuyến tàu ở Nhật Bản giờ cao điểm. Mọi người trên tàu không có dáng vẻ bận bịu của nhân viên công sở. Dĩ nhiên, một số trông cũng ra dáng nhưng đó là lúc họ đang tạo dáng chụp hình. Nhìn chung, cái cảnh đi tàu ở Hà Nội trông thật kỳ lạ.

Tôi tự hỏi không biết sau khi người ta đã check-in chán chê tuyến đường sắt này rồi, khung cảnh nơi đây sẽ thế nào?

 Hình ảnh tàu vào ga và rồi rời đi thật nhanh. Ảnh: Anh Tú.

Hình ảnh tàu vào ga và rồi rời đi thật nhanh. Ảnh: Anh Tú.

Tiếng báo hiệu tàu chuẩn bị chạy vang lên. Đoàn tàu bắt đầu lăn bánh rời ga Cát Linh.

Nếu so với tàu hỏa, chắc là một trời một vực. Tàu đi êm ru, không rung lắc nhiều. Kể cả khi không có chỗ ngồi, bạn cũng không cần lo mình sẽ ngã vì loạng choạng như ngồi xe buýt.

Tàu đi khá nhanh. Sau vài phút, từ ga Cát Linh, tôi đã nghe thông báo đến ga kế tiếp. Cửa chỉ mở khoảng 30 giây để khách lên rồi đóng "lạnh lùng" đi tiếp. Chẳng thế mà có trường hợp người lên kẻ ở lại.

Có nhóm 3 ba bạn trẻ ở ga Thái Hà đã bị lạc nhau vì cửa đóng quá nhanh và một người mải chụp ảnh không chạy lên kịp. Tôi cũng không tưởng tượng là cửa tàu đóng nhanh thế, cứ nghĩ sẽ chờ một lúc lâu như tàu hỏa.

 Khung cảnh trên tàu điện Cát Linh. Ảnh: Phạm Thắng.

Khung cảnh trên tàu điện Cát Linh. Ảnh: Phạm Thắng.

Cái thích nhất khi ngồi trên tàu là ngắm nhìn mọi thứ từ trên cao. Thực ra, tôi thấy cũng không quá đặc biệt vì độ cao so với mặt đất cũng không lớn lắm. Tuy nhiên, nếu lên tàu khi trời đã chập tối, bạn sẽ thấy một khung cảnh tuyệt đẹp.

Dòng người bên dưới tạo nên một vệt sáng uốn lượn dài dằng dặc. Và còn thú vị hơn khi nghĩ mình được yên ả ngồi trên này, một mình một đường. Bên dưới kia, họ đang phải chen lấn khổ sở giữa dòng người với còi xe inh ỏi. Cái cảnh tắc đường khó chịu mọi ngày hôm nay lại đẹp lạ thường.

Khoảng 18h, tôi kết thúc hành trình trải nghiệm "chuyến tàu 10 năm" và trở lại ga Cát Linh. Nhà ga đã vãn khách. Đâu đó vẫn còn những bạn trẻ miệt mài check-in không nghỉ máy. Ngoài ga, do đã là giờ tan tầm, dòng người đã trở nên đông nghẹt.

Tôi phóng xe vào dòng người tấp nập, đầy mệt mỏi ấy và thoáng nghĩ: "Giá như Hà Nội có nhiều tuyến đường sắt với lộ trình đa dạng hơn. Liệu lúc ấy, đường sắt trên cao có thay thế được những phương tiện cá nhân không? Hay người Hà Nội sẽ chỉ coi chúng như những điểm chụp ảnh mới rồi dần dần bỏ vào quên lãng?".

Anh Tú

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lan-dau-toi-thu-tau-dien-cat-linh-ha-dong-sau-2-tuan-post1278538.html