'Làn gió mới' cho hợp tác xã, hộ kinh doanh

Bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến hiện đang trở thành xu hướng tất yếu và là một phương tiện quan trọng trong chiến lược tiếp thị và bán hàng của doanh nghiệp. Không đứng ngoài cuộc, nhiều hộ kinh doanh, hợp tác xã cũng tham gia vào cuộc chơi này. Nhờ sự thích ứng nhanh trong cuộc chơi số, sản phẩm của nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ đã có chỗ đứng trên thị trường.

Các hợp tác xã, hộ gia đình vẫn còn hạn chế trong việc tiếp cận các công cụ và dịch vụ hỗ trợ để đầu tư vào bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Ảnh: Quang Vinh.

Các hợp tác xã, hộ gia đình vẫn còn hạn chế trong việc tiếp cận các công cụ và dịch vụ hỗ trợ để đầu tư vào bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Ảnh: Quang Vinh.

Lớn mạnh nhờ bán hàng online

Mới được thành lập năm 2023 nhưng thương hiệu các sản phẩm từ chè Shan tuyết của Hợp tác xã (HTX) Trà Shan tuyết Phình Hồ, xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, Yên Bái đến nay đã được nhiều người tiêu dùng biết đến. Có được kết quả này theo ông Đỗ Tuấn Lương - Giám đốc HTX, bên cạnh việc quan tâm tới chất lượng sản phẩm, HTX đã chú trọng đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như: Shopee, Lazada, Tiktok shop, facebook… Đồng thời, “bắt tay” với những tài khoản có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội.

“Nhìn vào tưởng rất đơn giản nhưng để đưa sản phẩm lên mạng cũng khá công phu đòi hỏi mỗi video giới thiệu sản phẩm phải có nét đặc trưng riêng, mới và độc đáo mới thu hút được người xem. Điều quan trọng khi xem xong video người xem cảm nhận sản phẩm của mình thực sự tốt và có uy tín khi đó mới có thể thành công” - ông Lương chia sẻ.

Với cách làm bài bản, chỉ sau 1 năm ra mắt, sản lượng chè thành phẩm xuất bán ra thị trường đã đạt 3 tấn; thương hiệu Trà Shan tuyết Phình Hồ đã cán mốc 15 triệu lượt xem trên các nền tảng xã hội. HTX cũng mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho 45 hộ dân Phình Hồ với giá từ 25.000 - 35.000 đồng/kg chè búp tươi.

Còn theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Yến, chủ một nhãn hiệu chuyên sản xuất thực phẩm hữu cơ “Yến lộc rừng” (xã Thanh Sơn, Định Quán, Đồng Nai), cho dù chất lượng sản phẩm có tốt đến đâu nhưng nếu không quảng bá trên mạng xã hội, sàn TMĐT thì sản phẩm khó lòng có chỗ đứng chính vì vậy, hộ sản xuất của bà Yến quyết định đưa sản phẩm lên sàn TMĐT đồng thời mở các kênh youtouber, Tiktok shop, facebook… để quảng bá sản phẩm. Với sự đầu tư bài bản, cùng những hình ảnh chia sẻ giản dị từ quá trình làm đất hữu cơ đến chăm sóc cây trồng kênh giới thiệu sản phẩm Yến lộc rừng của chị Yến đã thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi. Đáng chú ý, trong số này có nhiều người là Việt kiều đang sinh sống tại nước ngoài như Mỹ, Úc... sau thời gian dùng sản phẩm đã đưa sản phẩm của chị Yến sang bán tại nước mình đang sinh sống. Nhờ kênh bán hàng online, 2 dòng sản phẩm của “Yến lộc rừng” là thạch xương sâm và bột ngũ cốc đã có được chỗ đứng trên thị trường. Sản phẩm bán ra thuận lợi không chỉ giúp gia đình chị Yến có cuộc sống khấm khá mà còn đảm bảo đầu ra nguyên liệu đậu các loại cho bà con xã Thanh Sơn.

“Trước đây sản phẩm làm ra chỉ gói gọn trong nguồn nguyên liệu của gia đình nhưng nay đã được nhiều người biết đến, có đầu ra ổn định nên tôi đã gom nhiều hộ dân cùng trồng đậu nguyên liệu theo hướng hữu cơ. Trồng theo phương thức này không chỉ góp phần giữ dinh dưỡng cho đất mà còn tăng thu nhập vì nguyên liệu sản xuất theo hướng hữu cơ có giá trị gấp 2, gấp 3 so với sản xuất thông thường” - chị Yến chia sẻ.

Livestream bán hàng trên các sàn TMĐT đã xuất hiện từ năm 2018, song phải đến năm 2023, kênh bán hàng này mới thực sự trở nên sôi động và thu hút nhiều người tham gia ở cả phía người mua và người bán. Thậm chí, các sở, ngành tại nhiều địa phương còn hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đưa hàng lên sàn.

Theo thống kê năm 2023, tại Việt Nam có 2,2 tỷ sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn TMĐT hàng đầu cả nước, gồm: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok shop, tăng 52,3% so với 2022. Dự kiến trong năm 2024, doanh thu và sản lượng bán ra ở các nền tảng trực tuyến có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm ngoái.

Riêng Hà Nội và TPHCM là 2 thị trường bán hàng trên nền tảng số lớn nhất khi chiếm trên 70% toàn thị trường cả nước. Trong đó, doanh thu TMĐT của Hà Nội tại 5 sàn kể trên đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 77% so với cùng kỳ năm trước; các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn Hà Nội đã có những bước tiến mạnh mẽ trong chuyển đổi từ phương thức bán hàng trực tiếp sang kết hợp với trực tuyến nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa.

Các hợp tác xã hào hứng livestream sản phẩm địa phương. Ảnh: M.H.

Các hợp tác xã hào hứng livestream sản phẩm địa phương. Ảnh: M.H.

Quản lý chặt chất lượng sản phẩm online

Trong bối cảnh chợ truyền thống đang trải qua sự suy giảm, việc chủ động theo dõi xu hướng thị trường, tuân thủ xu hướng theo sở thích của người tiêu dùng, và vượt qua khó khăn tự nhiên bằng cách làm quen với công nghệ số trên các nền tảng như Tiktok, Youtube... là một bước quan trọng và cũng là xu thế tất yếu để DN trụ vững trên thương trường. Tuy nhiên với các các DN nhỏ, HTX, hộ sản xuất để tận dụng được cơ hội này không dễ. Lý do là bởi, nền tảng số với các HTX thực sự là mới, trong khi đa số thành viên của HTX là nữ giới người dân tộc thiểu số nên cũng là hạn chế lớn. Thậm chí nhiều hội viên chưa biết sử dụng điện thoại công nghệ như thế nào, để tải được ứng dụng về bán hàng cũng là một khó khăn.

Một lý do khác, các HTX vẫn còn hạn chế trong việc tiếp cận các công cụ và dịch vụ hỗ trợ để đầu tư vào bán hàng trên các nền tảng TMĐT. Nhiều HTX hạn chế trong tuyển dụng nhân sự với các kỹ năng chuyển đổi số, bán hàng thông thạo bằng công nghệ.

Đánh giá về những khó khăn, thách thức này đại diện Liên minh HTX Việt Nam cũng thừa nhận, hiện đa phần các HTX đã tập trung sản xuất, đầu tư cho công nghệ để tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng mà chưa thực sự đầu tư nhân lực cho việc phát triển mảng TMĐT. Trong khi đó, đây là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ bởi một bộ phận người tiêu dùng trẻ nhưng vẫn còn một khoảng cách tương đối lớn đối với người cao tuổi chưa bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ. Cùng đó, việc cạnh tranh trên các sàn TMĐT là điều không tránh khỏi nhưng do còn nhiều khó khăn về quy mô, vốn… nên các HTX chưa biết cách đầu tư nhân lực, xây dựng các chiến dịch marketing, quảng cáo từ đó rất cần hỗ trợ một cách bài bản.

Xuất phát từ thực tế trên Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã phối hợp cùng TikTok, Alibaba.com, OSB (đại lý ủy quyền Alibaba.com tại Việt Nam), các nhà bán hàng uy tín trên TikTok Shop tổ chức chuỗi Chương trình tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho DN, HTX vùng đồng bằng sông Hồng.

Cùng với các chương trình hỗ trợ nhằm “cầm tay chỉ việc” giúp DN nhỏ, HTX, hộ sản xuất chinh phục TMĐT để tiếp cận khách hàng, cơ quan chức năng cần có những giải pháp tận gốc cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT. Bởi thực tế dù DN có nỗ lực xây dựng hình ảnh cũng khó có thể lấy lại thương hiệu khi bị làm giả, làm nhái sản phẩm.

Ở góc độ DN, bà Đinh Thị Hải Yến - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm cho hay, các giải pháp chống hàng giả, hàng nhái mà DN đang thực hiện cũng chỉ nằm ở phần ngọn. Để xử lý từ phần gốc là phần dành cho các nhà quản lý qua các khâu tiền kiểm, hậu kiểm trên thị trường. Do đó, các cá nhân, đơn vị khi bán hàng livestream và trên sàn TMĐT phải có pháp nhân, đăng ký để có trách nhiệm với người tiêu dùng, hạn chế rủi ro.

Dự kiến trong năm 2024, doanh thu và sản lượng bán ra ở các nền tảng trực tuyến có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm ngoái. TMĐT cùng với livestream bán hàng sẽ là những giải pháp quan trọng cho tăng trưởng doanh thu, tạo ra môi trường mua sắm thuận tiện và gần gũi hơn với khách hàng.

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương):

Nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cho HTX

Điểm yếu của các DN nhỏ và HTX là tiếp cận các công cụ và dịch vụ hỗ trợ để đầu tư vào bán hàng trên các nền tảng TMĐT. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ hỗ trợ, thúc đẩy DN và cộng đồng ứng dụng rộng rãi chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại. Đồng thời, nâng cao trình độ sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại thông minh, cách thức tham gia các nền tảng số, kỹ năng livestream để quảng bá hình ảnh sản phẩm, sản lượng mùa vụ, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, từ đó nâng tầm giá trị thương hiệu của nông sản Việt Nam.Đặc biệt, các chuyên gia sẽ đào tạo kỹ năng và hướng dẫn trực tiếp cho các DN, các HTX về cách thức bán hàng trực tuyến (livestream), xây dựng các gian hàng trên nền tảng số. Cũng như giúp các DN, HTX thực hành các thao tác bán hàng trực tiếp, xây dựng các video quảng bá thương hiệu sản phẩm,... giúp gia tăng cơ hội kết nối giao thương thành công và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lan-gio-moi-cho-hop-tac-xa-ho-kinh-doanh-10285674.html