Lặn lội 'thân cò' diu ốc trên sông
Không ai nhớ nghề diu ốc, diu tép trên sông đã có từ bao giờ, chỉ biết rằng đã từ rất lâu rồi mỗi người con khi nhắc về quê hương đều cay sống mũi khi nhớ đến dáng mẹ, dáng bà tảo tần đầm mình trong làn nước lạnh, đôi tay gắng hết sức để cất chiếc te nặng bùn đất. Giữa mênh mang sông nước bao la, những tấm lưng gầy gò cần mẫn diu ốc trên sông tựa như 'thân cò' lặn lội kiếm sống nuôi con…
Sáng sớm tinh mơ, dù cơn mưa vẫn còn nặng hạt cũng không ngăn được những bước chân "đi mà như chạy" của nhóm phụ nữ hướng về phía cánh đồng đã ngập nước của thôn Lạc Thượng 1, thôn Hiền Quan (xã Lạc Vân, huyện Nho Quan). Họ là những người làm nghề "diu ốc".
Bao đời nay, những bãi sông, bãi ruộng vùng chiêm trũng là chốn mưu sinh của những người phụ nữ nghèo ở địa phương vào mùa mưa lũ. Trong rất nhiều hình thức đánh bắt thủy sản trên sông, trên ruộng, những phụ nữ nơi đây chọn cho mình cách diu ốc để mưu sinh. Với họ đây là công việc không phải tốn nhiều tiền đầu tư ngư lưới cụ mà chỉ cần một dụng cụ mà người dân nơi đây gọi là cái "te".
"Te" ốc được thiết kế đơn giản bằng ba đoạn tre, tạo thành hình tam giác khép kín, có đan lưới để xúc dưới bùn rất tiện lợi. Thế nhưng để bắt được con ốc, con tép là điều không hề dễ dàng…
Nhanh chóng mặc chiếc quần ủng đã cũ và một manh áo mưa tận dụng được, bà Nguyễn Thị Phượng, thôn Lạc Thượng 1 lội xuống dòng nước đang dâng cao quá ngực. Mặc cái se lạnh của những giọt mưa đầu mùa trong buổi sớm tinh mơ, dáng người phụ nữ khắc khổ vẫn cần mẫn lặn lội rẽ nước trên sông. Đôi tay nhỏ bé, gầy gò của bà chốc chốc lại nhấc chiếc te lên để xem có xúc được gì không.
"Muốn bắt được ốc, được cá thì phải diu sâu xuống bùn. Khi nào thấy te đã nặng thì nhấc lên, sau đó chao sạch cho ốc, tép lộ ra." Vừa nói bà Phượng vừa dùng hết sức mình để chao sạch bùn đất bên trong. Khi thấy trong lưới chỉ có vài con ốc và mấy con cua, bà Phượng nhanh tay đẩy chúng xuống chiếc túi lưới được thiết kế dưới tay cầm.
Trong tiếng thở nặng nhọc của cái tuổi 58, bà Phượng giấu nỗi buồn rồi lại cặm cụi ngâm mình dưới làn nước lạnh lẽo, đục ngầu. "Nghề này vất vả và nặng nhọc vô cùng. Hai tay mỏi rạc vì kéo te, sàng te trong nước. Ngày nắng cũng như ngày mưa. Ngày nắng thì đi từ 2-3 giờ đêm, đến 9 giờ sáng là nghỉ.
Trời lạnh thì cực nhọc hơn nhiều. Có những hôm nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, rét cắt da cắt thịt vẫn phải cắn răng mà lội xuống nước. Chị em ai cũng phải mặc áo mưa, quần ủng để tránh cảm lạnh. Nhưng mặc thì mặc thế thôi chứ quần áo, người ngợm vẫn ướt lạnh vì phải đầm mình xuống nước. Mùa này nước dâng cao, có chỗ ngập lên tới cổ." Giữa mênh mông nước, bóng bà Phượng nhỏ bé như thân cò, thân vạc vất vả mưu sinh.
Thỉnh thoảng, bà kéo chiếc te toàn bùn đất lên mà lòng nặng trĩu. Giây phút ấy bà chợt nghĩ đến những đứa con, đến người cha già đang đợi ở nhà. Không biết hôm nay họ có được ăn một bữa cơm tươm tất, đủ đầy không…
Trong nhóm người phụ nữ thường xuyên diu ốc trên sông, ngoài bà Phượng còn có chị Trần Thị Luyến (sinh năm 1980), là người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn hơn cả. Chồng chị Luyến bị tai nạn giao thông cách đây gần chục năm. Một mình chị nuôi hai con khôn lớn và chăm mẹ già đau ốm bệnh tật. Mọi gánh nặng vì thế đè lên đôi vai gầy gò, nhỏ bé của người phụ nữ nhiều bất hạnh. Mấy năm nay chị còn bị bệnh xương khớp, mỗi lần đi diu ốc về là chân tay đau nhức khó chịu. Chị bảo, bệnh trở nặng có lẽ cũng là do đầm mình trong nước suốt hai chục năm qua.
Vất vả là thế nhưng chị chẳng còn nghề nào khác cả… "Trước tôi cũng đi làm công ty một thời gian nhưng đợt vừa rồi họ cho nghỉ vì công ty không có việc làm. Thế là lại quay trở lại nghề diu ốc. Ở đây nghề phụ cũng ít, chị em lại hầu hết ít học, vụng về nên cái nghề này tưởng là phụ nhưng lại là nghề chính."
Chị Luyến vừa nhanh tay đẩy đám bèo tây ra ngoài, vừa cất cao mẻ lưới. Vài con cá nhỏ nhảy tanh tách trong đáy diu làm chị phấn khởi hẳn. Trên khuôn mặt khắc khổ, rám nắng của người phụ nữ những vết nhăn dường như được giãn nở ra, tươi tắn hơn. "Tôi luôn tự nhủ, không cho phép mình ốm hay nghỉ ngơi. Nếu tôi nghỉ ngơi thì lấy tiền đâu trang trải cuộc sống và lo cho các cháu học hành. Mình ít học nên thiệt thòi lắm, giờ không muốn vì nghèo mà con cái cũng phải bỏ học giống mình…"
Chỉ nghĩ đến đây, chị lại nhanh tay cố xem có được thêm con ốc, con cá nào không. "Mỗi ngày tôi diu được khoảng 30 kg ốc. Ngày nào nhiều thì được 50-60 kg. Giá ốc là 4.000 đồng/kg, vị chi mỗi ngày cũng kiếm được hơn trăm nghìn, ngày nào nhiều thì hai trăm. Bữa nay mới mưa xong nên có cả cá chứ bình thường chỉ có ốc thôi. Vậy là có cái cho các cháu đổi bữa."
Vừa cho ốc vào bao, chị Phượng vừa chia sẻ thêm: "Cả ngày ngâm mình trong nước chân tay rệu rã, có hôm tay đau không làm được gì. Giờ nguồn nước ô nhiễm hơn do người ta nuôi vịt thả đồng, rác thải nhiều nên chị em đi về ai cũng ngứa ngáy chân tay. Chuyện "sể" chân chảy máu do giẫm phải mảnh sành, vỏ ốc bươu vàng là bình thường."
Theo những người phụ nữ ở đây, thông thường từ tháng 6 đến tháng 12 khi nước dâng ngập kín đồng ruộng, kênh rạch thì người dân sẽ đi diu ốc, từ tháng 12 trở đi thì mò bằng tay. Nếu trước kia nguồn lợi thủy sản dồi dào, nhiều gia đình có thể "sống khỏe" nhờ nghề nhưng hiện nay "sản vật" mà thiên nhiên ban tặng đang cạn kiệt.
Lượng ốc ít dần, tép tôm cũng không còn như trước nữa. Trời đã quá trưa, cơn mưa dai dẳng dường như cũng bắt đầu có dấu hiệu ngớt. Những "thân cò, thân vạc" nhanh chóng rũ bùn, khom lưng vác bao ốc để kịp trở về nhà nấu bữa cơm trưa. "Hôm nay, tụi nhỏ ở nhà chắc sẽ được ăn tươi hơn mọi ngày."
Nghĩ vậy, bước chân của những người phụ nữ nghèo như vui hơn, rộn ràng hơn. Trên trời, những khảm mây xám xịt đã xua đi, nhường chỗ cho một vài khoảng xanh yếu ớt. Sau cơn mưa, rồi trời sẽ lại sáng…
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/lan-loi-than-co-diu-oc-tren-song/d2022101320068947.htm