Lan Phương: 'Tôi nhìn con nhiều hơn để vượt qua trầm cảm sau sinh'
Diễn viên Lan Phương cho biết cô không tránh khỏi trầm cảm sau sinh khi chồng đi vắng, một mình xoay sở với em bé mỗi đêm và cố gắng tự vượt qua bằng cách tập trung vào con.
- Trải nghiệm sinh con lần thứ hai của chị có gì khác so với lần một ?
- Lần thứ hai mang thai, tôi nghén nhiều hơn. Không có chồng bên cạnh những tháng cuối thai kỳ cũng như mới sinh khiến tôi thấy tủi thân. Khó khăn nhất là khi Mia mới chào đời, tôi còn đau vết mổ và phải một mình vật lộn với việc cho bé ti.
So với chị Lina khi chào đời, Mia trộm vía cứng áp hơn, mấy ngày tuổi đã có thể tự nâng được, 10-15 ngày đã biết cười và giờ bắt đầu tương tác, trò chuyện với mọi người nhiều hơn. Hơn một tháng tuổi, bé đã nhận ra giọng mẹ và cười rất nhiều. Bé cũng rất hiểu nhịp sinh hoạt của mẹ, không còn quấy khóc trong lúc chờ mẹ cho ti.
- Trên trang cá nhân, chị thường xuyên chia sẻ về việc nỗ lực nuôi con bằng sữa mẹ sau sinh mổ. Chị đã trải qua những khó khăn, vất vả gì để làm điều đó?
- Tôi muốn cho con bú mẹ hoàn toàn vì đó là điều tự nhiên nhất của cuộc sống và đó cũng là điều tốt nhất cho cả bé lẫn mẹ về sức khỏe, tinh thần. Việc cho bé bú mẹ không tốn chi phí, tiện lợi, không phải vất vả dậy pha sữa mỗi đêm. Tôi từng nghĩ đó là việc đơn giản nhưng mọi chuyện trở nên khó khăn khi tôi bị đau vết mổ.
Điều khó khăn nhất với tôi khi cho con ti mẹ hoàn toàn là mọi người xung quanh ý kiến quá nhiều. Ai cũng nói rằng sinh mổ ít sữa lắm, hãy cho bé ăn thêm sữa ngoài đi. Khi thấy sữa chưa về, mọi người lại nhận xét : "Sữa ít thế kia sao đủ cho bé bú, cho thêm sữa ngoài thì làm sao đâu", "Sữa mẹ là tốt nhưng em bé là quan trọng nhất, bé đói thì phải cho thêm sữa ngoài", "Không đủ sữa bé sẽ bị tụt đường huyết, nguy hiểm đến trí não và tính mạng"...
Nghe những lời nhận xét như thế trong lúc vết mổ đau đớn, cổ và tay mỏi nhừ vì bế con khiến tôi càng mệt mỏi. Tôi biết mọi người đều lo lắng cho bé nên mới khuyên nhủ nhưng tôi vẫn kiên định với ý muốn của mình. Tôi cho con bú liên tục để kích sữa, tập cho con bú đúng khớp cắn dù việc tự mình xoay sở mỗi đêm không hề dễ dàng.
- Chồng đi công tác xa, chị xoay sở thế nào với việc chăm hai con?
- Chồng đi công tác xa, tôi tự tay chăm con và thích như thế. Kể cả có người giúp, tôi vẫn tự làm vì nghĩ rằng đã là mẹ thì phải hiểu mọi thứ về con, làm tất cả cho con rồi mới có thể nhờ người khác phụ giúp. Cứ vài tuần, chồng sẽ tranh thủ về nhà hai ngày để chăm sóc con, cho vợ có thời gian nghỉ ngơi. Ngoại trừ cho bé bú, anh ấy có thể làm mọi việc nên tôi rất yên tâm mỗi khi giao con cho chồng.
- Ngoài chăm con, chị dành thời gian riêng cho bản thân thế nào để hồi phục sức khỏe và nhan sắc sau sinh?
- Hầu hết thời gian của tôi dành cho con, gần như không có thời gian nào cho bản thân. Bé bú rất lâu và mỗi lần bé bú xong, tôi chỉ cố gắng tranh thủ thời gian để ăn uống, tắm rửa. Thậm chí có những khi đến chiều tôi mới sực nhớ ra là mình chưa đánh răng. Ngoài những lúc quá bận rộn với con, tôi sẽ cố gắng vận động, tập thể dục nhẹ nhàng và chăm sóc da mặt, sử dụng dịch vụ massage sau sinh cho mẹ.
- Đau đớn vì sinh mổ, bận rộn chăm con khi chồng đi vắng, chị làm gì để tránh được trầm cảm sau sinh?
- Khi không có chồng bên cạnh trong lúc mang thai và sinh con, tôi tủi thân và có chút trầm cảm vì vốn đã quen với việc luôn có ai đó ở bên. Tôi chỉ biết tránh trầm cảm sau sinh bằng cách tập trung vào con, cố gắng sắp xếp thời gian chăm sóc bản thân. Khi có thể, tôi sẽ đưa con đi Đà Nẵng để gia đình đoàn tụ và tận hưởng không khí trong lành, sạch sẽ của biển và suy nghĩ lạc quan hơn. Mỗi lúc chới với, tôi tự cân bằng cảm xúc bằng cách nhìn con nhiều hơn, cười nhiều hơn.
- Chị từng gây chú ý khi bế con 17 ngày tuổi vào Đà Nẵng thăm chồng và sớm đưa bé đi chơi. Chị có bí quyết gì để bé sớm thích nghi với việc di chuyển, đi lại như vậy?
- Bế con vào Đà Nẵng sau 17 ngày sinh mổ, tôi không suy nghĩ quá nhiều mà chỉ thấy sức khỏe của mình và bé đều tốt, ổn định thì có thể bay được. Tôi nghĩ đó là cơ hội để gia đình đoàn tụ, cùng tận hưởng không khí trong lành, sạch sẽ của Đà Nẵng và cũng tốt cho cả hai bé nên quyết định đưa con đi. Tôi bế con suốt, chỉ cần bé ọ ẹ khóc thì cho ti là bé bình tĩnh rồi ngủ ngoan hết chuyến bay.
- Ngoài việc cho con ra ngoài sớm, phong cách nuôi con của chị hiện đại của chị còn có điểm gì đặc biệt?
- Tôi không nghĩ cách nuôi con của mình có gì hiện đại hay truyền thống mà chỉ dựa vào cảm nhận tự nhiên của một người mẹ. Tôi quan sát để hiểu rõ sức khỏe của con, tìm hiểu kiến thức khoa học và có bất kỳ thắc mắc gì cũng sẽ tham khảo từ nhiều nguồn. Khi có kiến thức, tôi không quá lo lắng khi cho con ra ngoài sớm.
Tôi có thể khác so với quan niệm nuôi con theo truyền thống khi không ở cữ nhưng giống như các bà mẹ khác, tôi cũng chỉ mong điều tốt nhất cho con mà thôi. Tôi luôn nói với bố mẹ rằng cuộc sống, hoàn cảnh ngày xưa rất khác bây giờ nên cách nuôi dạy cũng có sự khác biệt.
- Đi ngược lại quan điểm kiêng cữ theo truyền thống, chị đối mặt thế nào với sự phản đối của gia đình và làm thế nào để thuyết phục những người xung quanh về cách nuôi con của mình?
- Tôi bị phản đối gay gắt từ khi sinh bé Lina. Lúc đó, tôi trầm cảm đến mức có nhiều hành động bộc phát như khóc hay giận dữ vì thấy ức chế trước ý kiến của mọi người xung quanh. Sau khi nhìn kết quả từ việc nuôi con của tôi, mọi người mới bớt phản đối. Giờ đây, bố mẹ hay họ hàng đều tôn trọng cách nuôi dạy con của tôi, không đưa ra quan điểm quá quyết liệt nữa mà chỉ nói nhỏ với nhau mấy câu kiểu như: "Bé thế mà đã bay rồi", "Bé thế mà đã đi ra ngoài rồi", "Các ông các bà sống khác mà giờ khác thế chứ"...
- Bé Lina - con gái lớn của chị - đón nhận việc có em, san sẻ tình yêu của mẹ thế nào?
- Lina mê em vô cùng, lúc nào cũng muốn nhìn em, đi đâu về cũng chạy đến và nói mẹ cho con nhìn em một chút. Từ lúc có bầu, tôi đã nói chuyện với Lina để con không áp lực về việc có em. Đến giờ con vẫn tin tưởng tuyệt đối rằng tình cảm của mẹ dành cho hai chị em đều như nhau. Vì bé không có áp lực về việc bị phân chia tình cảm, phải nhường em nên con rất yêu em, mong được giúp mẹ chăm em. Tôi không giờ so sánh hay dọa nạt rằng mẹ yêu em hơn. Tôi cũng không sử dụng cách người lớn thời trước hay dùng, dù chỉ là nói đùa để đánh động vào nỗi sợ hãi hay tổn thương của con. Vì vậy, Lina rất hạnh phúc với việc có em.