'Lằn ranh đỏ' của ông Biden phai nhạt sau chiến dịch quân sự của Israel ở Rafah?
Trong thời kỳ nắm quyền, ông Obama đã bỏ qua cơ hội chứng minh 'lằn ranh đỏ' của mình không chỉ là một tuyên bố 'suông'. Lịch sử có vẻ đang lặp lại dưới chính quyền Tổng thống Biden khi Nhà Trắng vẫn chưa cho thấy những quyết sách cứng rắn trước vấn đề Gaza, dù một 'lằn ranh đỏ' đã được xác lập trước đó.
Nhìn lại những “lằn ranh đỏ” trong lịch sử Nhà Trắng
Vào thời điểm 2012 khi bước vào nhiệm kỳ thứ hai, cựu Tổng thống Barack Obama đã đưa ra tuyên bố đanh thép trước Syria: Mỹ sẽ hành động nếu quốc gia Trung Đông này sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc đụng độ quân sự. Tuyên bố này được coi là “lằn ranh đỏ” mà Mỹ vạch ra đối với các nước trong khu vực tại thời điểm đó, bao gồm cả Israel.
Một năm sau, khi nội chiến Syria bước vào thời kỳ căng thẳng, cựu Tổng thống Mỹ từng có ý định hiện thực hóa tuyên bố trên sau đợt tấn công bằng hơi độc tại Ghouta (phía đông thủ đô Damascus) vào ngày 21/8/2013 khiến hơn 1000 người thiệt mạng, với khoảng ¼ trong số đó là trẻ em. Tuy nhiên, đến phút chót, ông Obama lại từ bỏ kế hoạch tấn công trừng phạt Syria và thay vào đó, tiếp tục các chính sách ngoại giao hòa bình nhằm làm dịu lại tình hình khu vực.
Tháng 9 cùng năm, Mỹ và Nga đã công bố một thỏa thuận về Khuôn khổ loại bỏ vũ khí hóa học của Syria nhằm tiêu hủy các kho dự trữ và cơ sở sản xuất vũ khí hóa học tại nước này. Giải pháp hòa bình của chính quyền ông Obama dù cũng phát huy hiệu quả, nhưng đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của Mỹ trên toàn cầu, đồng thời cũng để lại một hậu quả khôn lường.
Ngày 4/4/2017, một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại tại tỉnh Khan Shaykhun (Syria) tiếp tục khiến hơn 70 người thiệt mạng. Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump đã lập tức tiến hành tấn công trừng phạt nhằm vào căn cứ không quân của Syria. Một năm sau đó, ông Trump lại ra lệnh khai quân sau một vụ giao tranh có sử dụng chất độc hóa học khác tại quốc gia Trung Đông này.
Trong một cuộc phỏng vấn sau khi rời nhiệm sở vào năm 2017, cựu Tổng thống Obama đã thừa nhận giải pháp hòa bình mà ông áp dụng với Syria lúc đó là " không hoàn hảo”, bởi dù thỏa thuận cấm sử dụng vũ khí hóa học được thành lập nhưng theo các nguồn tin tình báo, chính phủ Damacus vẫn còn sở hữu một số loại vũ khí hóa học khác.
Trước đó, ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội X, hàng loạt cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria là hậu quả của việc người tiền nhiệm Obama đã không hành động ngay khi Damascus bước qua “lằn ranh đỏ”.
Lịch sử đang lặp lại?
Ông Joe Biden từng là cấp phó dưới chính quyền Tổng thống Barack Obama vào thời điểm “lằn ranh đỏ” với Syria được xác lập. Nhiều chuyên gia nhận định, có thể là do ảnh hưởng từ người tiền nhiệm, chính sách đối ngoại của ông Biden vẫn đi theo đường lối hòa bình, ngay cả khi Israel đang trở thành một Syria thứ hai.
Tong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 8/5, Tổng thống Biden đã chính thức xác lập một “làn ranh đỏ” mới với Israel nếu quốc gia đồng minh này tiếp tục triển khai quân tại thành phố Rafah thuộc Dải Gaza, đồng thời rút lại một chuyến hàng viện trợ vũ khí ngắn hạn cho Israel trước "quan ngại sâu sắc" về việc chiến dịch Rafah sẽ gây nguy hiểm tới dân thường. Đây được xem là động thái cứng rắn nhất của Nhà Trắng kể từ khi cuộc xung đột Israel-Hamas nổ ra vào cuối năm ngoái.
“Tôi đã nói rõ nếu họ (Israel) tiến vào Rafah, tôi sẽ không cung cấp các loại vũ khí và đạn pháo mà họ đã sử dụng ở các thành phố khác. Việc Israel nhận được viện trợ quân sự là một trong những lý do khiến thường dân ở Gaza thiệt mạng. Điều này vô cùng sai trái”, ông Biden nói.
Cuối tuần trước, một cuộc không kích hôm qua của Israel nhằm vào một trại tị nạn ở Rafah đã khiến 45 người thiệt mạng và 249 người khác bị thương, phần lớn là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi. Trước áp lực quốc tế, Thủ tướng Benjamin Netanyahu sau đó đã phải thừa nhận trước Quốc hội rằng đây là một “tai nạn bi thảm”.
Tuy nhiên, tuyên bố trước đó của ông Biden vẫn chưa có dấu hiệu trở thành hiện thực. Washington không cho rằng cuộc không kích này là một chiến dịch quân sự toàn diện có thể vi phạm "lằn ranh đỏ" mà Tổng thống Joe Biden vạch ra, đồng thời tuyên bố sẽ không thay đổi chính sách với Israel. Trước đó, ông Kirby cũng nhắc đến việc Mỹ sẽ “tiếp tục thực hiện những biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng Israel có đủ phương tiện để tự vệ”.
"Chúng tôi chưa thấy họ lao vào Rafah. Chúng tôi chưa thấy họ tiến quân với các đơn vị lớn, số lượng binh sĩ lớn, theo đội hình nhằm chống lại nhiều mục tiêu trên mặt đất", người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby trả lời báo giới hôm 28/5.
Theo thống kê của cơ quan y tế địa phương, con số thương vong đã gần chạm mốc 36.000 người chỉ sau 8 tháng giao tranh và vẫn đang có dấu hiệu gia tăng. Làn sóng tấn công dồn dập của Israel vào Rafah gần đây nhằm mục tiêu truy lùng lực lượng Hamas đã “bịt kín” các cửa khẩu Rafah và Kerem Shalom - con đường vận chuyển viện trợ chính vào Gaza, khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây càng trở nên trầm trọng.
Xung đột Israel-Hamas sẽ được giải quyết nếu Nhà Trắng đổi chủ?
Theo các thống kê xã hội, cựu Tổng thống Trump cho thấy ông nhận được nhiều tín nhiệm của cử tri hơn trong việc giải quyết các vấn đề chiến sự. Một cuộc thăm dò do Economist/YouGov thực hiện mới đây cho thấy 2/3 số người tham gia đặt niềm tin vào ứng viên Donald Trump trong việc giải quyết vấn đề Trung Đông.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Times hôm 30/4, ông Trump vẫn giữ nguyên quan điểm rằng Israel nên "kết thúc cuộc chiến (của mình)" trước khi mất thêm bất kỳ sự hỗ trợ quốc tế nào, đồng thời không loại trừ khả năng sẽ cắt viện trợ nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza. Ông Trump cũng không ngần ngại thể hiện thái độ cứng rắn với Thủ tướng Israel Netanyahu khi Tel Aviv tiếp tục chiến dịch quân sự ở Rafah, cho thấy những khác biệt so với thời kỳ ông còn nắm quyền, khi Mỹ vần duy trì mối quan hệ hữu hảo với Israel.
Ông Aaron David Miller, cựu cố vấn từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết ba trụ cột chính trong chính sách Trung Đông của ông Trump tại nhiệm kỳ đầu tiên sẽ tiếp tục kéo dài sang nhiệm kỳ thứ hai, bao gồm đã khiến Thủ tướng Israel “không thể” nói không với Tổng thống Mỹ, phát triển “quan hệ đối tác chiến lược” với các quốc gia vùng Vịnh và tạo ra một “mô hình hoàn toàn mới để giải quyết vấn đề Palestine”.
Động thái cứng rắn của ông Trump được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả với Israel như khi ông xử lý vấn đề vũ khí hóa học tại Syria. Cựu Tổng thống từng khẳng định, chính sách "mềm mỏng" trước Israel của ông Biden là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay.