Làn sóng bạo loạn ở Pháp lan sang các nước châu Âu
Làn sóng bạo loạn xảy ra sau vụ cảnh sát bắn chết 1 thiếu niên 17 tuổi ở Pháp đã bắt đầu lan sang các quốc gia châu Âu khác, gồm Thụy Sĩ và Bỉ, trong những ngày gần đây.
Bị kích động
Ngày 2-7, cảnh sát Thụy Sĩ cho biết đã bắt giữ 7 người sau khi bạo loạn xảy ra ban đêm tại thành phố Lausanne nước này. Đáng chú ý, 6 người trong số đó là trẻ vị thành niên. Trong một thông báo, cảnh sát thành phố Lausanne nêu rõ những người trẻ bị bắt giữ nằm trong độ tuổi từ 15-17, gồm 3 nữ gốc Bồ Đào Nha, Bosnia và Somalia, cùng 3 nam gốc Georgia, Serbia và Thụy Sĩ. Người trưởng thành duy nhất trong số những người bị bắt hiện 24 tuổi là công dân Thụy Sĩ. Cảnh sát cho biết do bị kích động trước các cuộc biểu tình bạo lực tại Pháp, hơn 100 thanh thiếu niên đã tập trung tại trung tâm thành phố Lausanne và phá hoại nhiều cơ sở kinh doanh. Bạo lực bắt đầu nổ ra tại thành phố nói tiếng Pháp này đêm 1-7 sau một số lời kêu gọi trên mạng xã hội. Khoảng 50 sĩ quan cảnh sát đã được triển khai và không ghi nhận thương vong. Nhà chức trách đang tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc.
Trước đó, theo Sputnik, tại Brussels, Bỉ, các cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 30-6 và diễn ra tương đối ôn hòa. Cảnh sát đã khám xét và bắt giữ những người mà họ cho là khả nghi. Người biểu tình xuống đường ở thủ đô của Bỉ sau khi xuất hiện những lời kêu gọi "hành động như ở Pháp" trên mạng xã hội. Theo truyền thông địa phương, số người biểu tình bị bắt ở Brussels đã tăng lên 63 người.
Bạo loạn tiếp diễn ngày thứ 6 ở Pháp
Ngày 3-7, các thị trưởng Pháp vừa kêu gọi người dân và quan chức được bầu tập trung tại các tòa thị chính trên khắp cả nước trong để phản đối các cuộc biểu tình bạo loạn kéo dài gần một tuần qua. Lời kêu gọi bất thường về việc huy động người dân giúp lập lại trật tự được đưa ra trong bối cảnh tình trạng bạo loạn và cướp bóc đã kéo dài qua đêm thứ 5, ngày thứ 6 liên tiếp, sau vụ cảnh sát bắn chết thiếu niên 17 tuổi Nahel M. do không tuân thủ hiệu lệnh khi tham gia giao thông hôm 26-6 vừa qua. Tìm cách giải quyết vấn đề này hiện trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2017.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmnin, khoảng 45.000 cảnh sát đã được triển khai trở lại vào tối 2-7 để ngăn chặn đám đông bạo loạn khi các đối tượng này tiếp tục đốt xe, cướp phá các cửa hàng và nhắm mục tiêu vào các tòa thị chính và đồn cảnh sát. Bộ trên cũng cho biết tính đến 1 giờ 30 sáng 3-7 theo giờ địa phương, thêm 78 người đã bị bắt vì liên quan đến tình trạng bạo loạn trên toàn quốc. Bộ Nội vụ Pháp cho biết số vụ bắt giữ đã giảm xuống, nhưng các quan chức cảnh báo hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định tình trạng bất ổn đã kết thúc. "Thiệt hại rõ ràng là ít hơn nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục huy động lực lượng trong những ngày tới. Chúng tôi đang rất tập trung, không ai tuyên bố chiến thắng", cảnh sát trưởng Paris Laurent Nunez cho biết.
Điểm nóng lớn nhất vào đêm 2-7 tập trung ở Marseille, nơi cảnh sát buộc phải bắn hơi cay và xô xát trên đường phố với những người biểu tình xung quanh trung tâm thành phố cho đến tận đêm khuya. Ngoài ra, tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn ở các thành phố Paris, Nice và Strasbourg. Cướp bóc đã xảy ra tại một loạt thành phố gồm Lyon, Marseille và Grenoble. Các nhóm bạo loạn cướp phá các cửa hàng trong đêm, đồng thời đốt phá xe hơi và thùng rác trên đường. Thậm chí, những vụ cướp cũng xảy ra giữa ban ngày tại thành phố Strasbourg, nơi các nhóm bạo loạn nhắm vào cửa hàng của Apple.
Khoảng 50 đối tượng, hầu hết là thanh thiếu niên, đã phải hầu tòa ở Paris và Grenoble vì cáo buộc tham gia vào làn sóng bạo loạn. Khoảng 20 nghi phạm đã xuất hiện trước tòa án ở ngoại ô Nanterre của Paris. Hầu hết trong số họ là thanh thiếu niên hoặc thanh niên chưa từng phạm tội. Tòa án thành phố Grenoble, Đông Nam nước Pháp, cũng đưa ra những bản án đầu tiên dành cho các đối tượng tham gia bạo loạn những ngày qua tại nước này. Theo đó, 3 người bị kết án tù từ 3-4 tháng vì tội cướp bóc trong các vụ bạo loạn. Khoảng 30 đối tượng khác cũng sẽ bị xét xử ở Grenoble. Hầu hết trong số họ đã bị giam giữ với cáo buộc có hành vi cướp bóc vào đêm 1-7.
Vụ việc nổi bật hôm 2-7 là nhà riêng của Thị trưởng thành phố L'Haÿ-les-Roses ở ngoại ô Paris bị tấn công bằng xe tải khiến vợ của quan chức này bị thương nặng. Phản ứng trước vụ việc, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đánh giá hành động bạo loạn đã đi quá giới hạn, không thể dung thứ và khẳng định chính phủ sẽ không cho phép bất kỳ hình thức bạo lực nào nhắm vào các cơ sở công quyền và nhà riêng của các viên chức nhà nước. Bà Elisabeth Borne khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất, đồng thời nhấn mạnh sẽ sớm đưa ra xét xử một số trường hợp mang tính chất án điểm để răn đe.
Tình trạng bất ổn mới nhất đã khiến nhiều quốc gia lo ngại do Pháp sẽ đăng cai World Cup bóng bầu dục vào mùa thu năm nay và Olympic Paris vào mùa hè năm 2024. Tổng thống Macron đã phải hoãn chuyến thăm Đức dự kiến bắt đầu vào ngày 2-7 do tình hình trong nước. Ông cũng đã chủ trì một cuộc họp khẩn với các bộ trưởng nhằm ngăn chặn khủng hoảng. Theo kế hoạch, ngày 3-7, nhà lãnh đạo Pháp gặp những người đứng đầu hai viện của Quốc hội. Một ngày sau đó, ông sẽ gặp các lãnh đạo của hơn 220 thị trấn bị ảnh hưởng do tình trạng bạo loạn.
AN BÌNH
Bà của nạn nhân kêu gọi chấm dứt bạo loạn
Ngày 2-7, bà của Nahel, thiếu niên 17 tuổi bị cảnh sát bắn chết ở ngoại ô Paris, kêu gọi người dân chấm dứt các hành vi quá khích. Bà nói rằng mặc dù bà phẫn nộ với các sĩ quan chịu trách nhiệm về cái chết của cháu mình, nhưng bà không hận thù cảnh sát. Bà cho rằng các đối tượng bạo loạn, chủ yếu là thanh thiếu niên, đang "lấy Nahel làm cái cớ". "Hãy ngừng bạo loạn, ngừng phá hoại. Tôi nói điều này với những người đang bạo loạn: đừng đập phá nhà cửa, tấn công trường học và xe buýt. Chúng tôi muốn mọi thứ lắng xuống", bà nói.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/lan-song-bao-loan-o-phap-lan-sang-cac-nuoc-chau-au-post279953.html