Làn sóng bỏ lúa chuyển sang cây ăn trái vẫn tiếp tục… 'nóng'!

Sức nóng về tăng trưởng doanh số xuất khẩu ngành cây ăn trái, nhất là với mặt hàng mít và sầu riêng, tiếp tục gia tăng, tạo đà cho làn sóng chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu cây ăn trái cũng đang tạo ra những thách thức cho doanh nghiệp lẫn nhà nông, bao gồm cả việc đáp ứng yêu cầu thị trường.

Vườn cây ăn trái đan xen trên cánh đồng lúa dọc theo tuyến quốc lộ N2 qua tỉnh Long An và Đồng Tháp. Ảnh: Trung Chánh

Vườn cây ăn trái đan xen trên cánh đồng lúa dọc theo tuyến quốc lộ N2 qua tỉnh Long An và Đồng Tháp. Ảnh: Trung Chánh

Xuất khẩu rau quả Việt Nam tám tháng đầu năm nay đạt khoảng 3,5 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng và mít tiếp tục là những loại trái cây có ý nghĩa dẫn dắt, tạo thành công cho xuất khẩu chung của toàn ngành trong những tháng đầu năm nay. Điều này, cũng là lý do khiến việc chuyển đổi đất lúa sang đất trồng cây ăn trái như mít, sầu riêng tiếp tục nóng bỏng trong những ngày qua…

“Nóng” chuyển đất lúa sang mít, sầu riêng

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan đối với từng loại trái cây xuất khẩu cho thấy, sầu riêng có mức độ tăng trưởng xuất khẩu “thần kỳ”, trong đó, riêng tháng 6-2023, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 390 triệu đô la Mỹ, tăng trên 946% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, sầu riêng mang về cho Việt Nam trên 916 triệu đô la Mỹ, tăng khoảng 986% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả nêu trên, sầu riêng đã trở thành loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam hiện nay. Đây cũng là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhất trong thời gian ngắn nhất. Trong đó, nếu 6 tháng đầu năm ngoái, sầu riêng chỉ mang về cho Việt Nam hơn 84 triệu đô la Mỹ, thì 6 tháng đầu năm nay đã trên 916 triệu đô la Mỹ, thậm chí dự báo cả năm nay sẽ cán mốc trên dưới 1,5 tỉ đô la Mỹ.

Trong khi đó, dù có mức độ khiêm tốn hơn, nhưng mít cũng là loại trái cây có tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu “khá ấn tượng” của Việt Nam, mà cụ thể từ vị trí thứ 6-7 cách đây khoảng 2 năm, hiện đã “vọt” lên giữ vị trí thứ 4 trong số các loại trái cây có kim ngạch xuất khấu lớn nhất của Việt Nam.

Theo đó, nếu 6 tháng đầu năm ngoái, mít mang về cho Việt Nam 93 triệu đô la Mỹ, thì 6 tháng đầu năm nay là 127,3 triệu đô la Mỹ, tức tăng khoảng 36% so với cùng kỳ.

“Sức hút” lớn trong xuất khẩu, tạo thu nhập hấp dẫn cho người trồng là lý do khiến việc chuyển đổi đất lúa sang cây sầu riêng và mít tiếp tục gia tăng ở ĐBSCL.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Khánh, nông dân ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp thừa nhận, chính mức lợi nhuận cao từ cây mít Thái đã khiến ông quyết định chuyển đất lúa sang loại cây trồng này.

Theo tính toán của ông Khánh, với năng suất lúa khoảng 30 giạ/công (600 kg/1.000m2) (lúa tươi) và giá bán là 8.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi công lúa nông dân thu được khoảng 4,8 triệu đồng. “Trừ đi chi phí sản xuất, ít nhất khoảng 2 triệu đồng/công, lợi nhuận thu được mỗi công lúa khoảng 2,8 triệu đồng”, ông tính toán và cho biết, trường hợp giá lúa sụt giảm thì lợi nhuận sẽ giảm theo.

Trong khi đó, với giá mít bình quân hiện nay, khoảng 30.000 đồng/kg, thì sau khi trừ đi chí phí sản xuất, nông dân đạt lợi nhuận ít nhất cũng gấp 10 lần so với cây lúa trên cùng đơn vị diện tích. “Loại nào cho hiệu quả kinh tế cao hơn thì mình theo thôi”, ông nói.

Còn tính toán của ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, đối với sầu riêng đang cho thu hoạch, chi phí đầu tư từ sau khi thu hoạch vụ trước đến thu hoạch vụ hiện tại là khoảng 25 triệu đồng/công (1.000 m2). Trong khi đó, với giá bán bình quân khoảng 80.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi công (2 tấn trái) cho doanh thu khoảng 160 triệu đồng. “Như vậy, sau khi trừ đi chi phí đầu tư, nông dẫn vẫn còn lãi khoảng 135 triệu đồng, tức cao gấp hàng chục lần so với cây lúa (cao hơn cây lúa gần 50 lần – PV)”, ông cho biết.

Trao đổi với KTSG Online, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, giá lúa hiện nay tăng cao nhưng không phải là yếu tố bền vững nên nông dân vẫn thấy bất ổn về thu nhập từ cây trồng này. Trong khi đó, thời gian qua, cây ăn trái mang lại thu nhập rất cao cho người nông dân. “Tóm lại, việc chuyển đổi này là do xuất phát từ bài toán thu nhập thôi”, ông Nguyên giải thích.

Báo cáo của Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, vào thời điểm đầu năm nay, riêng khu vực Nam bộ có khoảng 54.900 héc ta mít ở các giai đoạn như: phát triển thân lá, nuôi trái và thu hoạch, thì đến đầu tháng 8-2023 này, là hơn 58.500 héc ta, tức tăng 3.600 héc ta. Trong khi đó, cây sầu riêng cũng từ hơn 47.200 héc ta tăng lên hơn 55.700 héc ta.

Từ ghi nhận thực tế của KTSG Online, việc chuyển đổi có khả năng tăng cao trong thời gian sắp tới, bởi diện tích được chuyển đổi từ đất lúa sang trồng mít và sầu riêng ở các địa phương khu vực Đồng Tháp Mới đang có xu hướng gia tăng khá lớn.

Vườn mít được hình thành sau khi kết thúc vụ lúa hè thu 2023 của một nông dân ở Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh

Vườn mít được hình thành sau khi kết thúc vụ lúa hè thu 2023 của một nông dân ở Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh

“Bất ổn” xuất hiện khi xuất khẩu tăng nhanh

Việc đẩy mạnh xuất khẩu trái cây đã góp phần giúp loại sản phẩm này có sự tăng trưởng ấn tượng thời gian qua, nhất là kể từ đầu năm 2023 đến nay như nêu ở trên. Tuy nhiên, điều này cũng đã dẫn đến những bất ổn khi nhìn vào việc tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu.

Tại một hội nghị về quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói diễn ra vào tuần rồi, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, tình hình vi phạm đối với mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói diễn ra khá phức tạp.

Thậm chí, theo ông, có lãnh đạo tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của vài địa phương “không quan tâm” nhiều đến việc tuân thủ quy định trong quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. “Nếu không có chuyển biến, không khắc phục trong thời gian tới, thì hàng hóa chúng ta chắc chắn sẽ bị “tuýt còi”, bị cấm nhập khẩu vào các thị trường là khó tránh khỏi”, ông Trung cảnh báo.

Cụ thể, báo cáo của Cục bảo vệ thực vật cũng cho thấy, từ năm 2021 đến nửa đầu năm nay, đơn vị này đã nhận được nhiều thông báo không tuân thủ về kiểm dịch thực vật khi phát hiện các loại sinh vật gây hại. Trong đó, tỉnh Tiền Giang bị thị trường nhập khẩu cảnh báo 267 lần; Tây Ninh có 204 lần bị cảnh báo; Đồng Nai có 186 lần; Bình Thuận và Đắk Lắk mỗi địa phương có 23 lần bị cảnh báo; Long An bị cảnh báo 19 lần và còn lại là các địa phương khác.

Ông Trung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để xảy ra tình trạng nêu trên do việc phối hợp giữa doanh nghiệp với người trồng và cơ quan quản lý nhà nước địa phương còn “lỏng lẻo, không có tiếng nói chung”. Thậm chí, xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán không lành mạnh; mã số nơi này nhưng đi mua nơi khác; mã số không có trái vẫn sử dụng để xuất khẩu hoặc mã số có sản lượng chỉ 200 tấn, nhưng báo cáo lên 800 tấn…

Những tồn tại nêu trên cần phải được chấn chỉnh ngay, nếu không muốn mất thị trường xuất khẩu. Trong đó, cần tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho cán bộ địa phương, người dân về quy định của nước nhập khẩu.

Theo ông Trung, bên cạnh tăng cường giám sát, kiểm tra mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, thì tất cả các lô hàng tại cửa khẩu nhiễm sinh vật gây hại hoặc các đối tượng kiểm dịch thực vật phải dừng ngay việc sử dụng các mã số có liên quan. “Bộ (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- PV) yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật dừng khai thác và sử dụng mã số vi phạm để tìm hiểu nguyên nhân và lập báo cáo”, ông cho biết.

Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, bên cạnh tuyên truyền thay đổi tư duy, nhận thức trong việc tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu đối với người nông dân, thì cần phải có chế tài mạnh hơn. “Tôi nghĩ rằng, việc quản lý này phải có sự chế tài mạnh hơn để hướng tới ngành nông nghiệp minh bạch”, bà gợi ý.

Theo bà Vy, ngoài quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, thì điều quan trọng cũng cần triển khai, đó là phải quản lý cả tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. “Chẳng hạn, ở Thái Lan, đối với trái sầu riêng, ngoài kiểm tra dịch hại, họ còn kiểm tra cả chất lượng sản phẩm, độ ngon của trái sầu riêng, bởi đây là yếu tố tạo nên thương hiệu, là tiền đề để nâng giá trị sản phẩm của họ”, bà Vy dẫn chứng và cho rằng, Việt Nam cũng nên đi theo hướng này để tạo uy tín, thương hiệu cho trái cây Việt Nam, trong đó, lấy sầu riêng để làm điển hình cho các sản phẩm khác.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lan-song-bo-lua-chuyen-sang-cay-an-trai-van-tiep-tuc-nong/