Làn sóng cầu thủ Việt kiều trở về quê hương
Với xu thế sử dụng cầu thủ nhập tịch và có gốc gác bản địa từ các quốc gia trong khu vực như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, cũng như ở cả châu Á; một làn sóng cầu thủ Việt kiều trở về nước để tìm cơ hội đang diễn ra.
* Từ CLB đến đội tuyển
Lần đầu tiên đội tuyển quốc gia (ĐTQG) và U.23 có 3 cầu thủ Việt kiều. Nếu thủ môn Đặng Văn Lâm và trung vệ Adriano Schmidt ở ĐTQG đã là cái tên quen thuộc, nhiều năm chinh chiến ở V.League, thì tiền vệ Andrej Nguyễn An Khánh của U.23 còn hoàn toàn xa lạ.
Theo sự tiến cử với HLV Troussier, An Khánh sinh năm 2005, tại Cộng hòa (CH) Czech, có cha mẹ người Việt. đang chơi cho U.19 SK Sigma Olomouc. Tháng 3 vừa qua, anh đã có 3 trận khoác áo đội tuyển U.18 CH Czech gặp U.18 Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch.
Dưới thời HLV Park Hang-seo, nhiều cầu thủ Việt kiều đã được giới thiệu, thậm chí HLV người Hàn Quốc còn sang Đông Âu để “mục sở thị” như: thủ môn Filip Nguyễn (Czech), hậu vệ Jason Quang Vinh (Pháp), tiền đạo Alexander Đặng (Na Uy). Mới được tiến cử gần đây là Kaelin Nguyễn Trương Khôi, tiền đạo sinh năm 2003 từng được gọi lên tuyển U.15, U.17 và U.20 New Zealand.
Cái vướng là các cầu thủ này chưa có quốc tịch Việt Nam do không có đủ thời gian sinh sống, làm việc theo luật định, cho dù VFF đã có công văn đề nghị “đặc cách” xét nhập tịch cho một số trường hợp như Filip Nguyễn (đã được gọi lên ĐTQG CH Czech nhưng chưa chính thức ra sân). Đễ “gỡ” điều này, từ mùa giải năm nay, VFF cho phép các CLB V.League và cả hạng Nhất được đăng ký, sử dụng 1 cầu thủ có mang dòng máu hoặc gốc gác Việt từ nước ngoài dù chưa có quốc tịch (trước đây tính như suất ngoại binh).
V.League 2023 đã chứng kiến một làn sóng cầu thủ Việt kiều “quy hồi cố hương”. Vừa từ Slovakia trở về, thủ môn Patrick Lê Giang đã lấy luôn chỗ của Bùi Tiến Dũng ở CAHN. Với tiền vệ 20 tuổi mang dòng máu Nga Viktor Lê, Bình Định trở thành CLB có nhiều “huơng xa” nhất khi trước đó đã có 3 “nội binh”… từ nước ngoài: Mạc Hồng Quân, Adriano Schmidt, Đặng Văn Lâm. Hải Phòng là nơi đi đầu về chắp cánh cho cầu thủ Việt kiều, mùa này bên cạnh Martin Lo (trưởng thành từ lò đạo CLB Western Sydney, Australia) chiêu mộ thêm trung vệ Nguyễn Như Đức Anh (Đức).
Hà Tĩnh có hậu vệ Phạm Thanh Tiệp (Slovakia), Khánh Hòa là tiền vệ Ryan Hà (Pháp), B.Bình Dương đăng ký trung vệ gốc Mỹ Steven Dang, CLB TP.HCM có tiền vệ gốc Pháp Vincent Trọng Trí…
* Đời không như là mơ
Cho đến nay, thành công nhất chỉ mới có thủ môn Đặng Văn Lâm. Nhưng để trở thành thủ thành số 1 của ĐTQG và thủ quân CLB Bình Định hôm nay, cầu thủ trưởng thành từ CLB trẻ Spartak Moscow (Nga) đã phải trải qua 7 năm âm thầm phấn đấu, mài dũng quần trên băng ghế dự bị từ HAGL, HA Attape (Lào), Hải Phòng… Trong khi đó, đồng đội của anh ở Hải Phòng và Bình Định hiện tại là Adriano Schmidt vừa bị HLV Troussier sớm trả về vì không thể cạnh tranh với các trung vệ thuần nội.
Vincent Trọng Trí bị CLB TP.HCM “quay lưng” chỉ sau “một nốt nhạc” trong trận ra quân V.League 2023. Các cầu thủ Việt kiều còn lại vẫn đang chật vật tìm chỗ đứng ở CLB.
Có một thực tế, nhiều cầu thủ Việt kiều ngộ nhận bóng đá Việt Nam kém phát triển so với các nước đang sinh sống, tìm kiếm cơ hội sẽ dễ dàng hơn. Ngược lại, người trong nước thường xính cái “mác” Việt kiều, nhưng hầu hết tài năng đều không như những lời giới thiệu có cánh. Một rào cản khác là những đứa con từ nước ngoài trở về… không biết tiếng Việt, rất khó khăn trong việc giao tiếp với đồng đội.
Tuy vậy, để quy tụ được nhân tài, sử dụng nguồn lực cầu thủ Việt kiều là xu thế tất yếu. Tấm HCV bóng rổ SEA Games đầu tiên trong lịch sử của đội nữ 3X3 với chị em song sinh Việt kiều Mỹ Thảo Vy - Thảo My là minh chứng.