Làn sóng đặt cọc mua xe sớm để nhận ưu đãi kép

Tình hình kinh doanh tại nhiều đại lý ôtô cho thấy tín hiệu khả quan khi lượng đặt cọc tăng nhẹ trước thời điểm triển khai chính sách ưu đãi phí trước bạ.

Lượng đặt cọc ôtô có chiều hướng gia tăng trong tháng 6. Ảnh: Phương Lâm.

Lượng đặt cọc ôtô có chiều hướng gia tăng trong tháng 6. Ảnh: Phương Lâm.

Chính sách ưu đãi phí trước bạ dành cho ôtô lắp ráp trong nước dự kiến có hiệu lực từ tháng 7 sẽ giúp giá lăn bánh của nhiều mẫu ôtô trên thị trường Việt Nam có sự thay đổi theo chiều hướng có lợi cho khách hàng.

Do vậy, các đại lý đã và đang tích cực mời chào khách hàng đặt cọc ngay từ thời điểm này nhằm hưởng ưu đãi kép một khi chính sách trên chính thức có hiệu lực.

Đặt cọc tháng 6, giao xe tháng 7

Trao đổi với Tri thức trực tuyến, tư vấn bán hàng tại một đại lý Toyota xác nhận nếu khách hàng đặt cọc xe trong tháng 6 sẽ được hưởng nguyên các ưu đãi mà đại lý đang triển khai ở thời điểm hiện tại.

“Khách hàng có thể đặt cọc ở thời điểm này để nhận chính sách khuyến mại mà đại lý đang triển khai và làm thủ tục đăng ký xe trong tháng 7 để hưởng thêm ưu đãi phí trước bạ”, nhân viên đại lý Toyota chia sẻ.

Người này cũng lưu ý rằng sau khi xuất hóa đơn mua xe, khách hàng hoặc đại lý cần hoàn tất đóng thuế cũng như các thủ tục đăng ký xe trong vòng 30 ngày.

“Nếu sau thời hạn trên mà vẫn chưa tiến hành đóng thuế và đăng ký xe, sẽ có phí phạt phát sinh”, người này chia sẻ.

Cụ thể, Nghị định 20 ban hành năm 2019 đã quy định thời hạn nộp lệ phí trước bạ là 30 ngày kể từ ngày "ký thông báo nộp lệ phí trước bạ". Thông báo này được ký vào lúc mang xe đi làm thủ tục ra biển số.

Nếu nộp chậm, số tiền bị phạt sẽ áp dụng theo Luật Thuế 2019 và ở mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Lấy ví dụ một mẫu xe giá 700 triệu đồng, lệ phí trước bạ tại Hà Nội là 84 triệu đồng; trong trường hợp chủ xe nộp thuế tại ngày 40 (quá hạn 10 ngày) thì mức phạt sẽ là (84 triệu đồng x 0,03%) x 10 ngày = 252.000 đồng.

Ngoài ra, Thông tư số 15 do Bộ Công an ban hành năm 2014 cũng có quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua mới, cũ được điều chuyển, cho, tặng phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.

Nhiều khách hàng tranh thủ đặt cọc xe để nhận ưu đãi kép khi chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ có hiệu lực. Ảnh: Phúc Hậu.

Nhiều khách hàng tranh thủ đặt cọc xe để nhận ưu đãi kép khi chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ có hiệu lực. Ảnh: Phúc Hậu.

Cũng theo tiết lộ từ nhân viên tư vấn tại các đại lý ôtô, lượng khách hàng đặt cọc xe trong tháng 6 đã có xu hướng tăng nhẹ sau khi có thông tin về chính sách ưu đãi phí trước bạ dành cho ôtô lắp ráp trong nước.

“Nhiều khách hàng được tư vấn về chương trình ưu đãi kép nên đã quyết định đặt cọc ở thời điểm này để giữ khuyến mại từ đại lý và chờ nhận xe sau thời điểm triển khai chính sách ưu đãi phí trước bạ để giảm thêm giá lăn bánh”, nhân viên tiết lộ.

Tham khảo ở các đại lý ôtô thương hiệu khác trên thị trường Việt Nam có xe lắp ráp trong nước, lượng khách hàng đặt cọc xe trong tháng 6 cũng đã có những chuyển biến tích cực hơn.

Nhân viên các đại lý này cũng chia sẻ nguyên nhân tương tự khi “ưu đãi kép” là yếu tố giúp nhiều khách hàng Việt Nam chọn đặt cọc xe trước ngày 1/7, thời điểm nhiều khả năng sẽ chính thức áp dụng ưu đãi 50% phí trước bạ dành cho ôtô lắp ráp nội địa.

Trò chuyện với Tri thức trực tuyến, anh Hữu Cảnh (TP.HCM) cho biết vừa đặt cọc Hyundai Accent trong tháng 6 theo lời tư vấn từ nhân viên bán hàng.

“Tôi có nghe đến thông tin ưu đãi phí trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước từ tháng 7 nên dự định ban đầu là đợi đến lúc đó mới mua xe. Tuy nhiên khi tham khảo các ý kiến khác nhau, tôi quyết định đặt cọc mua xe luôn để vừa hưởng ưu đãi từ đại lý, vừa được giảm phí trước bạ khi làm hồ sơ lăn bánh”, anh Hữu Cảnh chia sẻ.

Chờ đợi vực dậy thị trường

Báo cáo từ Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy trong tháng 5, thị trường ôtô trong nước tiếp tục chứng kiến đà suy giảm về doanh số khi lượng tiêu thụ chỉ đạt 20.726 xe. So với kỳ báo cáo tháng 4, doanh số toàn thị trường đã sụt giảm 1.683 xe, tương đương mức giảm 7,5%.

Như vậy trong quý II, thị trường ôtô Việt Nam đã giảm doanh số ở 2 kỳ liên tiếp và khiến tổng lượng tiêu thụ xe tính từ đầu năm thấp hơn 36% so với cùng kỳ của năm 2022.

Dù vậy, đà suy yếu về doanh số của thị trường ôtô Việt Nam trong tháng 5 được đánh giá là ít phần tiêu cực khi biên độ giảm đã không vượt quá mức 10%.

Như đã đề cập phía trên, chính sách ưu đãi phí trước bạ đang giúp lượng đặt cọc ôtô có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực ngay trong tháng 6 và nhiều khả năng sẽ giúp doanh số thị trường ôtô Việt Nam tìm lại đà phục hồi muộn nhất vào khoảng giữa quý III.

Năm ngoái, chính sách ưu đãi phí trước bạ dành cho ôtô nội địa từng giúp thị trường xe tại Việt Nam phục hồi sau thời gian ảm đạm vì những ảnh hưởng của đại dịch. Thậm chí, thị trường ôtô Việt Nam đã vượt lên mạnh mẽ và xác lập một kỷ lục mới về doanh số với hơn 404.000 xe bán ra sau 12 tháng của năm 2022.

Do đó, nếu chính sách ưu đãi phí trước bạ được triển khai từ tháng 7 như kế hoạch, đây sẽ là yếu tố được kỳ vọng kích thích sức mua của khách hàng, qua đó vực dậy doanh số toàn thị trường ôtô Việt Nam trong phần còn lại của năm 2023.

Theo Zing

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-doanh-va-tieu-dung/lan-song-dat-coc-mua-xe-som-de-nhan-uu-dai-kep/20230623050659237