Làn sóng đầu tư vào bất động sản công nghiệp ngày càng mở rộng
Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng vẫn đang tiếp tục và điều đó không chỉ mang đến cơ hội để Việt Nam trở thành 'bến đỗ' của dòng vốn ngoại, mà còn là tâm điểm của lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Điểm đến đầu tư lý tưởng
Số liệu thống kê về thu hút đầu tư nước ngoài 8 tháng năm 2023 phải cuối tuần này mới được công bố, nhưng một điều được kỳ vọng là xu thế sẽ tích cực hơn. Ít nhất đã có một dự án quy mô lớn đã được cấp chứng nhận đầu tư trong tháng 8/2023, đó là dự án 165 triệu USD ở Nghệ An.
Đó là Dự án Nhà máy Innovation Precision tại VSIP Nghệ An, do Greenwich Management Limited (Trung Quốc) đầu tư xây dựng. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2024.
“Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới sẽ khởi sắc hơn”, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng đánh giá.
Không chỉ ông Hoàng hay các cơ quan quản lý nhà nước phía Việt Nam có nhận định tích cực như vậy, mà đánh giá chung của các tổ chức quốc tế đều có những nhận định tương tự.
“Việt Nam đã chuyển mình thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng”, các chuyên gia của HSBC nhận định.
Sự xuất hiện của Samsung, Intel, Pegatron, Foxconn, Luxshare, Goertek…, với các dự án lên tới hàng tỷ USD, đã dần biến Việt Nam trở thành mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chỉ riêng từ đầu năm tới nay, hàng loạt dự án đầu tư quy mô lớn đã “đáp” xuống Việt Nam. Trong đó, có các dự án hàng trăm triệu USD của Compal, Quanta Computer… Đây đều là các nhà sản xuất linh kiện cho “ông lớn” Apple.
Gần đây, tiếp tục có nhiều nhà đầu tư tìm đến, không chỉ trong lĩnh vực điện tử nói chung, mà còn là lĩnh vực bán dẫn, mà Việt Nam đang mong muốn và khuyến khích đầu tư. Chẳng hạn, Tập đoàn Victory Gaint Technology (Trung Quốc) muốn đầu tư dự án linh kiện bán dẫn trị giá 400 triệu USD ở Bắc Ninh.
Các nhà đầu tư Nhật Bản, châu Âu và Mỹ cũng đều khẳng định Việt Nam là địa điểm đầu tư hàng đầu của họ. Trong một báo cáo được công bố cách đây ít ngày, Savills Việt Nam cho biết: “Khi tìm kiếm những lựa chọn ngoài Trung Quốc để di chuyển các nhà máy sản xuất, Việt Nam nổi lên như một điểm đến lý tưởng với khoảng cách địa lý gần, nhân công có tay nghề với chi phí cạnh tranh và hạ tầng đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ”.
Đón sóng đầu tư bất động sản công nghiệp
Nếu không có gì thay đổi, vào cuối tháng 8/2023, VSIP Cần Thơ sẽ chính thức được khởi công xây dựng, với vốn đầu tư 160 triệu USD.
Cho đến nay, Sembcorp (Singapore) và Becamex IDC đã phát triển 14 khu công nghiệp (KCN) VSIP ở 14 tỉnh, thành phố, và hiện vẫn tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động.
Mới đây nhất, tháng 2/2023, tỉnh Nghệ An đã trao chủ trương đầu tư cho Dự án VSIP Nghệ An 2, vốn đầu tư 150 triệu USD.
Trong khi đó, một nhà phát triển bất động sản công nghiệp nổi tiếng khác, Sumitomo (Nhật Bản) cũng đang tích cực mở rộng KCN Thăng Long II, giai đoạn III. Ngay sau đó, sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn IV để sớm đón bắt cơ hội dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển.
Thông tin từ lãnh đạo Sumitomo cho biết, đã có 6 nhà đầu tư Nhật Bản đăng ký đầu tư vào giai đoạn III, với vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD.
Tính đến giữa tháng 6/2023, tại KCN Thăng Long II, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 268 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 66,8%. Chính vì vậy, mong muốn của Sumitomo là tỉnh Hưng Yên sớm bàn giao mặt bằng để Tập đoàn có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án của mình.
Không chỉ là nhà đầu tư nước ngoài, mà nhiều nhà đầu tư trong nước cũng đang tích cực triển khai các dự án hạ tầng KCN. Ít ngày trước đây, Tập đoàn Thaco - Trường Hải đã tới Thái Bình để thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ triển khai KCN Thaco - Thái Bình.
Trong khi đó, đầu tháng 7/2023, Tập đoàn HANAKA đã khởi công xây dựng KCN Gia Bình II (Bắc Ninh), với quy mô 250 ha, vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.
Còn tỉnh Bắc Giang, kể từ đầu tháng 8/2023 tới nay, tỉnh này liên tiếp phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết hàng loạt KCN, như Nghĩa Hưng, Hòa Phú mở rộng giai đoạn II, Xuân Cẩm - Hương Lâm, Đức Giang, Tiên Sơn - Ninh Sơn…, mở đường cho việc nhiều KCN mới sẽ được xây dựng trong thời gian tới.
Xu hướng đầu tư dịch chuyển, theo ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Bộ phận Bất động sản công nghiệp của Savills Hà Nội, đã đem lại những thay đổi tích cực đối với thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Nhưng sự thay đổi không chỉ là trong năm nay, mà thực tế, đã được ghi nhận trong nhiều năm gần đây, với làn sóng đầu tư vào bất động sản công nghiệp ngày càng mở rộng.
Nhấn mạnh ưu thế là một đến đầu tư an toàn, tiềm năng và hấp dẫn trong chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu của các nhà đầu tư, cùng những “điểm cộng” như vị thế quốc tế của Việt Nam được tăng cao, thị trường nội địa 100 triệu dân, xu hướng dịch chuyển theo hướng “Trung Quốc + 1”…, ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để có thể đón được một làn sóng đầu tư mới. Trong đó, KCN, khu kinh tế tiếp tục được xác định là “nhân tố cốt lõi” trong việc thực hiện các định hướng lớn về thu hút đầu tư nước ngoài.
“Các KCN, khu kinh tế chính là nơi tiên phong với sự chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn của các tập đoàn đa quốc gia, các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường; đồng thời là môi trường thuận lợi để phát triển các mô hình, phương thức kinh doanh, hợp tác đầu tư mới giữa Việt Nam và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế”, ông Trung nói.
Số liệu từ Vụ Quản lý các khu kinh tế cho thấy, sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, các KCN, khu kinh tế đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, tính đến hết tháng 12/2022, các KCN, khu kinh tế đã thu hút được gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn đầu tư nước ngoài trong các KCN, khu kinh tế chiếm 35 - 40% tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm của cả nước.
Để không bỏ lỡ “cơ hội vàng”
Dù cơ hội để Việt Nam đón dòng đầu tư dịch chuyển là rất lớn, nhưng thách thức không phải là không có. Đầu tháng 7/2023, khi công bố Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2023, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã chỉ ra một loạt vấn đề mà nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam đang phải đối mặt. Đó là tình trạng thiếu điện, sự “không tương xứng” của hạ tầng và cả những rào cản liên quan đến các quy định không rõ ràng, các thủ tục hành chính rườm rà…
Liên quan đến vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đột phá về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ngoài thuế trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa sâu, rộng, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, một điều luôn được GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khẳng định là cần một sự chuẩn bị sẵn sàng về quỹ đất, nguồn nhân lực và các cơ chế, chính sách đủ sức cạnh tranh quốc tế.
Để chuẩn bị về quỹ đất, phát triển các KCN, khu kinh tế chính là bước đi đúng đắn. Theo ông Trần Quốc Trung, đây không chỉ là nơi tiên phong chuẩn bị về hạ tầng cho nhà đầu tư, mà còn là nơi thử nghiệm và hỗ trợ hoàn thiện thể chế, chính sách về thu hút các nguồn lực đầu tư theo hướng xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng với thể chế, chính sách vượt trội, thủ tục hành chính thuận lợi.
“Chúng tôi đang tập trung xây dựng cơ chế để phát triển các mô hình KCN sinh thái, KCN - đô thị, dịch vụ, KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao…, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, tăng cường sự hợp tác giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nền kinh tế trong nước”, ông Trần Quốc Trung nói.
Không những thế, để tạo thuận lợi và nâng cao hiệu quả việc phát triển mô hình các KCN, khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khu công nghiệp, Khu kinh tế để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023. Hiện nay, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của các KCN, khu kinh tế mới dừng ở cấp nghị định.
Tính đến tháng 12/2022, trên địa bàn cả nước có 407 KCN, trong đó có 4 khu chế xuất, với tổng diện tích đất tự nhiên 128.684 ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt 86.208 ha, chiếm khoảng 67% diện tích đất thành lập.
Trong số này, có 292 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích đất tự nhiên 92.921 ha, diện tích đất công nghiệp đạt 62.991 ha, tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 45.323 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 72%.
Ngoài ra, có 26 khu kinh tế cửa khẩu (tổng diện tích 766.000 ha) và 18 khu kinh tế ven biển (tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 871.523 ha).