Làn sóng khởi nghiệp chưa từng có ở Mỹ

Kể từ khi đại dịch kết thúc, Mỹ đã chứng kiến sự bùng nổ về số lượng công ty khởi nghiệp chưa từng có kể từ những năm 1990 và thời kỳ 'bong bóng Internet'.

Số lượng công ty khởi nghiệp không ngừng tăng tại Mỹ kể từ sau đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Getty Images

Số lượng công ty khởi nghiệp không ngừng tăng tại Mỹ kể từ sau đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Getty Images

Theo tạp chí La Tribune, các công ty đổi mới non trẻ đang “mọc lên như nấm” tại Mỹ, được tiếp sức bởi các kế hoạch đầu tư trọng điểm của Tổng thống Joe Biden và sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo (AI). Một xu hướng đang lan rộng đến các khu vực ít năng động hơn, chẳng hạn như miền Nam và “Vành đai rỉ sét” ở Đông Bắc nước Mỹ. Đây là điều chưa từng có kể từ khi xảy ra hiện tượng “bong bóng Internet” những năm 2000.

Cơ quan Thống kê Mỹ cho biết, năm 2023, số đơn đăng ký kinh doanh (dữ liệu thường được sử dụng để đánh giá tính năng động của doanh nghiệp) đã đạt mức kỷ lục 5,5 triệu đơn. Mặc dù việc tạo dựng doanh nghiệp sau đó có chậm hơn một chút, nhưng vẫn cao hơn 80% so với mức trung bình của thời kỳ trước giai đoạn COVID-19. Để so sánh, ở châu Âu, mức tăng này chỉ là 20%.

Một đặc điểm mới đáng chú ý đó là các công ty non trẻ này không còn chỉ tập trung ở các trung tâm đổi mới mang tính lịch sử như San Francisco, Thung lũng Silicon và New York, hay ở những hệ sinh thái mới hơn, chẳng hạn ở Austin.

Sự sáng tạo đặc biệt sôi động đang được nhìn thấy ở các khu vực có mức lương thấp nhất trong nước, bao gồm các bang nông nghiệp như Colorado và Utah, cũng như các thị trấn nhỏ và vùng trung tâm cũ của “Vành đai rỉ sét” như Pittsburgh, nơi có Đại học Carnegie Mellon danh tiếng tọa lạc tại Cleveland, hay thậm chí Detroit, thủ đô ô tô cũ của Mỹ. Tại Ohio, nơi tọa lạc của Cleveland, số công ty khởi nghiệp có khả năng tuyển dụng nhân viên đã tăng 42,3% trong năm 2023.

Động lực này cũng được cảm nhận ở Deep South, một khu vực có truyền thống nghèo và kém năng động hơn. Tại Atlanta, một đô thị sôi động của bang Georgia, số doanh nghiệp được thành lập từ năm 2020 đến năm 2022 cao hơn 75% so với giai đoạn ba năm trước đại dịch. Các thành phố khác ở miền Nam như Mobile, Alabama và New Orleans, Louisiana (hai trong số các bang nghèo nhất nước Mỹ), có mức tăng lần lượt là 127% và 59% trong cùng kỳ. Ở New York và Boston, hai trung tâm đổi mới mang tính lịch sử, mức tăng lần lượt là 20% và 13%.

“Giá bất động sản tại các trung tâm đổi mới truyền thống đã trở nên cực kỳ cao, trong khi công nghệ chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong GDP và việc làm của Mỹ. Do đó, các doanh nhân rời California để đến Denver, thành phố Salt Lake hoặc thậm chí Idaho, nơi đưa ra giá thuê thấp hơn”, Fiona Scott Morton, người sáng lập và Giám đốc Dự án Kinh tế Kỹ thuật số, Viện nghiên cứu kinh tế tại Đại học Yale, cho biết.

Các công ty khởi nghiệp này cũng được hưởng lợi từ thực tế là các nhà đầu tư, trong khi vẫn chủ yếu tập trung ở các trung tâm lịch sử như Thung lũng Silicon và New York, cũng bắt đầu quan tâm đến những gì đang diễn ra ở nơi khác. Đa dạng hơn về mặt địa lý, nhóm khởi nghiệp mới cũng cho thấy sự đa dạng sắc tộc hơn trong hồ sơ của những người sáng lập.

Theo một nghiên cứu của Viện Brookings, 8% doanh nghiệp thuộc sở hữu của người Mỹ gốc Phi vào năm 2022 và 7% bởi người Mỹ Latinh, so với tỷ lệ lần lượt là 5% và 4% vào năm 2019. Một hiện tượng có thể phần nào được giải thích là do các bang miền Nam có tỷ lệ người Mỹ gốc Phi và người Mỹ Latinh cao trong dân số.

Những diễn biến này đi ngược với xu hướng trong những thập kỷ gần đây là giảm tỷ trọng khởi nghiệp trong nền kinh tế. Năm 1982, có 38% doanh nghiệp Mỹ được thành lập trước đó chưa đầy 5 năm. Đến năm 2018, con số này đã giảm xuống còn 29%. Vậy tại sao ngày nay xu hướng này dường như đã đảo ngược?

Đại dịch chắc chắn đã có ảnh hưởng. Nhiều người mất việc trong thời kỳ COVID-19 bắt đầu kinh doanh như một công việc phụ hoặc để định hướng lại sự nghiệp. Khả năng làm việc tại nhà chắc chắn cũng giúp việc thành lập doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn.

Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ từ năm 2021 cũng đóng một vai trò quan trọng. Sau khi có nhiều thời gian để suy ngẫm về lựa chọn cuộc sống và nghề nghiệp trong thời kỳ đại dịch, nhiều người Mỹ đã lợi dụng tình hình kinh tế để nghỉ việc và bắt đầu công việc kinh doanh riêng, trong khi biết rằng họ có thể dễ dàng tìm lại việc làm nếu thất bại.

Các thành phố lớn ở “Vành đai rỉ sét”, chẳng hạn Cleveland, Pittsburgh và Detroit, cũng được hưởng lợi từ các kế hoạch phục hồi công nghiệp lớn do Tổng thống Joe Biden đưa ra, chẳng hạn như Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) và Đạo luật CHIPS và Khoa học. Nhờ vậy, bang Ohio đã chào đón một nhà máy sản xuất chip Intel mới, được tài trợ với số tiền 8,5 tỷ USD theo Đạo luật CHIPS và Khoa học, cũng như năng lực sản xuất xe điện mới của Honda, Ford và General Motors, sẽ được hưởng các khoản tín dụng thuế theo IRA.

Cuối cùng, thật khó để giải thích sự bùng nổ khởi nghiệp này mà không đề cập đến trí tuệ nhân tạo (AI), với sự xuất hiện của ChatGPT và MidJourney. Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế (CES) cho biết, số công ty khởi nghiệp AI được thành lập ở Mỹ trong năm 2023 đã tăng hơn gấp đôi so với năm trước.

Điều này trùng hợp với sự xuất hiện của các công cụ AI mang tính sáng tạo chính thống như ChatGPT vào cuối năm 2022. Sau sự kiện này, tỷ lệ tài trợ mà các công ty khởi nghiệp AI nhận được cũng tăng gấp đôi ở Mỹ. 16 tỷ USD đã được chi cho AI vào năm 2023 và dự kiến con số này có thể tăng lên 143 tỷ USD vào năm 2027.

“Chúng ta hiện đang chứng kiến sự đột phá về công nghệ, dẫn đến những tiến bộ đáng kể, cũng như cơ hội cho những người chiến thắng thống trị một ngành công nghiệp mới, khổng lồ. Trong bối cảnh này, nhiều người đang gấp rút giành lấy phần của mình trong chiếc bánh”, Giám đốc Fiona Scott Morton lưu ý.

Nhà kinh tế học John Haltiwanger tại Đại học Maryland tin rằng AI là “ngôi sao” của làn sóng sáng tạo kinh doanh mới này. Nếu các công ty khởi nghiệp tạo ra sự đổi mới, thì mối quan hệ cũng diễn ra theo hướng khác: sự xuất hiện của một công nghệ đột phá mang đến cho nhiều doanh nghiệp cơ hội thâm nhập vào một thị trường mới, nơi họ có thể thể hiện khả năng sáng tạo của mình.

Đây là những gì chúng ta hiện đang chứng kiến với AI ở Mỹ, nơi tập trung 25% số công ty khởi nghiệp về AI trên thế giới.

Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lan-song-khoi-nghiep-chua-tung-co-o-my/342981.html