Làn sóng nhân viên đòi tăng lương sau dịch

Sau 'làn sóng nghỉ việc', thị trường lao động tiếp tục ghi nhận số lượng lớn nhân sự yêu cầu tăng lương.

Hai năm chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, nhiều người lao động phải chấp nhận gián đoạn công việc hoặc cắt giảm tiền lương.

Giờ đây, khi nền kinh tế đang phục hồi, thị trường ghi nhận làn sóng yêu cầu tăng lương lan rộng ở nhiều quốc gia. Trong đó, số đông nhân sự mong muốn được trả mức thù lao cao hơn nhằm có thể giải tỏa nỗi bất an do lạm phát, dịch bệnh, chiến sự tại Ukraine cũng như đáp ứng chi phí sinh hoạt ngày càng cao.

Theo CNA, một cuộc khảo sát gần đây của Randstad cho thấy 64% người lao động tại Singapore cảm thấy bị trả lương thấp.

Trong khi đó, theo CNBC, một số lượng lớn nhân sự tại Mỹ sẵn sàng nghỉ việc sau dịch nếu như doanh nghiệp không chấp thuận yêu cầu tăng lương. Nhảy việc, tìm đến công ty mới được xem là cách thức dễ dàng hơn để họ nhận mức lương tốt.

Sợ lạm phát

Hậu dịch, làn sóng nghỉ việc gia tăng khiến nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với sự giảm sút nhân sự chưa từng có. Để giữ chân người lao động, họ buộc phải thực hiện phương án tăng lương.

Tuy nhiên, cũng theo CNBC, mức tăng này không thể bắt kịp tình hình lạm phát với chi phí sinh hoạt cơ bản như thực phẩm, khí đốt, phương tiện di chuyển và nhà ở đang tăng cao chóng mặt.

 Sau dịch, nhiều nhân sự yêu cầu được tăng lương để đáp ứng chi phí sinh hoạt tăng cao. Ảnh minh họa: AFP.

Sau dịch, nhiều nhân sự yêu cầu được tăng lương để đáp ứng chi phí sinh hoạt tăng cao. Ảnh minh họa: AFP.

Tại Mỹ, chỉ số lạm phát mới nhất từ báo cáo “Chỉ số giá tiêu dùng” là 6,8% (tháng 12/2021), mức tăng cao nhất kể từ năm 1982. Trong khi đó, mức tăng lương dự kiến của nhiều công ty dành cho người lao động vào năm 2022 chỉ rơi vào khoảng một nửa.

Cụ thể, theo “Khảo sát kế hoạch lương” của Mercer (Mỹ), ngân sách chi trả tiền lương dự kiến sẽ tăng 3,2% vào năm 2022. Kể cả được thăng chức hoặc đạt thành tích tốt, người lao động cũng sẽ chỉ được tăng lương khoảng 3,5%. Mức tăng này so với năm 2021(2,8%) được đánh giá là không có gì đột phá.

Sự căng thẳng tăng lương được thể hiện rõ tại cuộc họp giữa gã khổng lồ công nghệ Google và nhân viên của mình vào cuối năm 2021. Theo audio và video được chia sẻ đến CNBC, các nhân viên của Google phản đối mức tăng lương của công ty. Họ cho rằng số tiền ít ỏi được cộng thêm hàng tháng không phù hợp với tỷ lệ lạm phát hiện tại.

Thậm chí, lạm phát đã vượt qua cả Covid-19 để trở thành nỗi lo sợ nhất của người lao động. Tỷ lệ nhảy việc tại Mỹ đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm và kỳ vọng về lương của nhân viên đang ở mức cao nhất mọi thời đại.

Lương sẽ tăng trong năm 2022

Theo khảo sát của Willis Towers Watson, khoảng 74% công ty tại Mỹ cho rằng sự thu hẹp của thị trường lao động là lý do chính để họ tăng ngân sách cho lương, thưởng. Theo dự báo, mức lương trong năm 2022 sẽ tăng lên.

Lesli Jennings, giám đốc cấp cao về việc làm và khen thưởng tại Willis Towers Watson cho biết: “Lạm phát là một điều kiện cho việc tăng lương nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất. Cuộc chạy đua tìm kiếm tài năng mới chính là nguyên nhân hàng đầu”.

Kết quả cuộc thăm dò tại hơn 1.000 công ty cho thấy mức lương năm 2022 được dự kiến tăng ở hầu hết vị trí, từ nhân viên mới cho đến nhân sự cấp cao.

Chỉ khoảng 31% công ty được khảo sát cho biết lạm phát là một yếu tố để tăng lương. Chi phí sinh hoạt tăng cao hàng năm, đạt tốc độ tăng nhanh nhất trong khoảng 4 thập kỷ.

Đại dịch Covid-19 càng đẩy giá sản phẩm tăng cao chóng mặt với sự tắc nghẽn nguồn cung. Thay vì yêu thích sự trải nghiệm, người lao động có tâm lý muốn tích trữ vật chất, ưu tiên sở hữu hàng hóa và trả nhiều tiền cho các hạng mục sinh hoạt thường ngày.

 Bên cạnh tăng lương, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến mở rộng đãi ngộ, phát triển văn hóa nhằm giữ chân nhân sự chất lượng. Ảnh minh họa: Getty.

Bên cạnh tăng lương, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến mở rộng đãi ngộ, phát triển văn hóa nhằm giữ chân nhân sự chất lượng. Ảnh minh họa: Getty.

Nhưng tiền có là tất cả?

Theo CNA, bên cạnh việc tăng lương, các doanh nghiệp cũng được yêu cầu phải mở rộng chế độ đãi ngộ nhằm giữ chân hoặc có được nhân sự tốt.

Mặc dù lương, thưởng vẫn là một trong những điều quan trọng nhất khi người lao động cân nhắc chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng những yếu tố khác như cơ hội thăng tiến, phương thức làm việc (tại văn phòng hoặc từ xa) cũng như môi trường công sở an toàn, lành mạnh cũng mang rất nhiều ý nghĩa.

Nếu coi tiền là động lực duy nhất, nhân viên sẽ dễ dàng nhảy việc nếu được trao tay một đề nghị hấp dẫn hơn.

Các chuyên gia về tuyển dụng cho rằng trong sự cạnh tranh khốc liệt về nhân sự ở mọi cấp độ, các doanh nghiệp không thể quá chú trọng vào tiền lương mà cần quan tâm hơn đến văn hóa công ty, đồng thời cam kết về sự tăng trưởng bền vững của nhân sự cả về vị trí công việc lẫn tinh thần. Đây được xem như một hình thức thưởng hậu hĩnh ngoài lương.

Thục Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lan-song-nhan-vien-doi-tang-luong-sau-dich-post1305827.html