Làn sóng nhiệt nóng gay gắt gây nguy hiểm không khác gì thiên tai đối với nhân loại

Không thể nhìn thấy hậu quả trực quan như thiên tai gây ra nhưng làn sóng nhiệt cũng gây tác động mạnh mẽ đến tính mạng và cuộc sống của toàn nhân loại.

Nhắc tới thiên tai như động đất, sóng thần, bão, lũ lụt… đều là những thảm họa thiên nhiên khiến con người không khỏi sợ hãi. Thế nhưng, có một loại hiện tượng tự nhiên mang tên “sóng nhiệt” có tác động nguy hại không khác gì những thiên tai kể trên nhưng lại ít được chú ý đến và thường bị đánh giá thấp.

Sóng nhiệt không khác gì thiên tai với nhân loại

 Làn sóng nhiệt gây ra những đợt nắng nóng gay gắt, khắc nghiệt và cực đoan kéo dài.

Làn sóng nhiệt gây ra những đợt nắng nóng gay gắt, khắc nghiệt và cực đoan kéo dài.

Sóng nhiệt hay sóng nhiệt đới là kiểu thời tiết nóng gay gắt kéo dài, khiến nhiệt độ cực cao trong cả thời điểm ban ngày lẫn ban đêm. Sóng nhiệt là sự gia tăng nhiệt độ của bề mặt biển trong khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, từ đó gây ra các tác động như tăng mực nước biển, thay đổi môi trường biển và tăng nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão và sóng áp thấp.

Thực tế, sóng nhiệt không phải là thiên tai. Thực chất nó là hiện tượng thời tiết do biến đổi khí hậu gây ra. Tác động của sóng nhiệt đối với nhân loại không thấy rõ như những thiên tai nhưng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, xã hội, môi trường và kinh tế trên diện rộng.

Trẻ em, người già, người bệnh và phụ nữ mang thai là những đối tượng dễ bị tổn thương sức khỏe nhất bởi sóng nhiệt gây ra. Khi nắng nóng trở nên gay gắt, con người có thể bị sốc nhiệt hoặc gặp các biến chứng về tim mạch, huyết áp, hô hấp… nặng hơn có thể gây tử vong. Theo nghiên cứu công bố vào năm 2021, trên thế giới có khoảng 489.000 ca tử vong liên quan tới nhiệt trong thời điểm từ năm 2000 - 2019. Những châu lục bị ảnh hưởng nặng nề bởi sóng nhiệt phải kể tới châu Á, đặc biệt là khu vực Nam Á hay châu Phi, châu Mỹ… Châu Âu tuy có thời tiết không nóng gay gắt như châu Á hay châu Phi nhưng lại là châu lục có tốc độ nóng lên nhanh nhất trên thế giới trong vòng 3 thập kỷ trở lại đây.

Ngoài vấn đề về sức khỏe của con người thì xã hội và môi trường cũng là yếu tố chịu tác động mạnh mẽ nhất của sóng nhiệt. Trên thực tế, nhiệt độ tăng cao đã dẫn đến mức tiêu thụ điện cho điều hòa ngày một tăng. Điều này đã khiến lượng khí thải ngày càng nhiều, dẫn tới ô nhiễm không khí.

Biến đổi khí hậu càng làm sóng nhiệt mạnh hơn

 Sóng nhiệt chính là do biến đổi khí hậu do con người gây ra, hậu quả của khí thải nhà kính.

Sóng nhiệt chính là do biến đổi khí hậu do con người gây ra, hậu quả của khí thải nhà kính.

Đến giữa năm 2024, nhiệt độ toàn cầu đã nóng lên 1,5 độ C trong 12 tháng liên tiếp. Trong đó, tháng 6/2024 được ghi nhận là tháng nóng nhất lịch sử trong cùng kỳ những năm trước đó. Nhiệt độ cực đoan này là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Theo nghiên cứu của tổ chức Thẩm quyền Thời tiết Thế giới (World Weather Attribution - WWA), biến đổi khí hậu đã khiến cho khả năng xảy ra của sóng nhiệt cao gấp từ vài chục tới vài trăm lần so với trường hợp tự nhiên xảy ra. Cụ thể, đợt nắng nóng hồi tháng 3/2022 tấn công vào Ấn Độ và Pakistan có khả năng xảy ra cao gấp 30 lần. Trong khi đó, đợt nắng nóng năm 2020 ảnh hưởng tới Seberia có khả năng xảy ra cao gấp 600 lần.

Nhà khoa học khí hậu Vikki Thompson thuộc Viện Cabot, Đại học Bristol, Anh Quốc cho biết, biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng trở nên khắc nghiệt, cực đoan và kéo dài hơn trên toàn thế giới.

Thông tin này cũng trùng khớp với báo cáo đánh giá của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change - IPCC). Theo đó, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm tăng tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng kể từ thời điểm năm 1950 đến nay. Nếu Trái đất tiếp tục nóng lên trong tương lai, hiện tượng sóng nhiệt sẽ ngày càng dữ dội và cực đoan hơn nữa.

 Số ca tử vong do nhiệt ngày một nhiều kể từ năm 2000 tới nay.

Số ca tử vong do nhiệt ngày một nhiều kể từ năm 2000 tới nay.

Gia Tuệ

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/lan-song-nhiet-nong-gay-gat-gay-nguy-hiem-khong-khac-gi-thien-tai-doi-voi-nhan-loai-91046.html